Nỗi Lo Từ Việc Thu Mua Con Banh Lông

Với chiêu bài mới, các thương lái Trung Quốc núp bóng các tiểu thương Việt để tìm mua con banh lông (một loại thuỷ sản dùng làm mồi câu cá rún) với giá cao ở các cửa biển Cà Mau, Kiên Giang. Nhiều vựa thu mua vì món lợi trước mắt mà “sập bẫy” chiêu bài này.
Thật ra, người dân không phải không cảnh giác trước những chiêu trò thu mua nông sản của thương lái nước ngoài. Nhưng vì lợi nhuận cao, trong khi giá thu mua trong nước rẻ hơn, thậm chí có cả những mặt hàng tưởng không có giá trị cũng có thể bán, nên họ đổ xô đi mua bán mà không biết được những hệ huỵ đằng sau đó.
Không biết mua làm gì
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Từ Văn Hiền trần tình: “Mấy tháng trước, con banh lông được các thương lái mua giá đến 600.000-800.000 đồng/kg. Vì lợi nhuận cao nên một số vựa hải sản bắt tay và chuyển hàng lên TP Hồ Chí Minh để xuất bán. Tuy nhiên, tình hình giá cả hiện tại không còn như vậy nữa nên một số vựa hải sản trên địa bàn bị lỗ nặng”.
Ông Nguyễn Văn Kía, 47 tuổi, ở Khánh Hội, huyện U Minh, người có thâm niên nhiều năm trong nghề khai thác biển, cho hay: “Từ trước đến nay người dân ở đây không khai thác con banh lông (vì nó chỉ để làm mồi câu cá rún mà thôi). Tuy nhiên, gần đây có thông tin thương lái mua con này với giá cao, người dân bắt đầu chú ý khai thác”.
Một số người dân đi biển cho biết, con banh lông có hình dạng như trái banh tennis và nó vùi mình sâu dưới lớp bùn nên cũng không dễ dàng khai thác. Để khai thác được con banh lông thì dụng cụ là cần cẩu và lồng cào được gắn phía sau tàu (như loại dùng để cào sò voi, sò lụa nhưng có mắc lưới to hơn).
Chi phí cho việc đầu tư dụng cụ cào này khoảng 50-60 triệu đồng (với điều kiện đã có ghe tàu rồi). Như vậy, để chuyển đổi ngành nghề thì người dân tốn khoảng vài chục triệu đồng. Trong khi đó, việc thu mua sản phẩm rất bấp bênh, giá cả thất thường.
Ông Huỳnh Hoàng Tương, quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho hay: “Tại cửa biển Khánh Hội có một vựa thu mua con banh lông này, nghe đâu thương lái bên Kiên Giang qua và chủ yếu là mua bán với các chủ ghe tàu Kiên Giang. Song giá cả cũng bấp bênh lắm”.
Chiêu cũ, đối tượng mua mới
Chị Huyền, chủ vựa hải sản Ngọc Huyền, thị trấn Sông Đốc, cho hay: “Khoảng 6 tháng trước đây, thương lái ở TP Hồ Chí Minh có nhu cầu tiêu thụ con banh lông với giá 600.000-800.000đồng/kg nên chúng tôi cung cấp hàng. Sau đó, khoảng 2 tháng thì họ ngưng lại không mua nữa.
Sau 2 tháng ngưng, họ lại tiếp tục thu mua nhưng với giá thấp hơn (khoảng 320.000-340.000 đồng/kg). Và cũng như những lần trước, sau 2 tháng thì lại ngưng. Và sau đó mua lại với giá từ 70.000-120.000 đồng/kg. Và hiện tại thì không mua nữa”.
Theo thông tin từ các chủ vựa, sản phẩm không phải trực tiếp bán sang Trung Quốc mà được chuyển qua tay một thương lái người Việt tại TP Hồ Chí Minh. Ai cũng biết rằng mua bán với người lạ không có hợp đồng kinh tế rõ ràng là không bền vững, giá cả lại không ổn định, tuy nhiên, vì món lợi trước mắt mà nhiều thương lái âm thầm hợp tác và cung ứng hàng. Đến khi đổ vỡ ra thì chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Ông Từ Văn Hiền bức xúc: “Việc mua bán nông sản thường không sòng phẳng, không hề có hợp đồng, tuỳ tiện nâng giá một cách vô lý. Dù rất buồn nhưng tôi phải khẳng định, nông dân ta thường chạy theo lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, không nghĩ ngợi nhiều đến lợi ích cộng đồng. Mặc dù địa phương cũng đã tuyên truyền nhiều nhưng hễ việc nào có lãi cao là họ lại bất chấp”./.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ tháng 4 đến nay, thương nhân Trung Quốc đổ xô đến khu vực ĐBSCL tìm mua một số loại nông sản với giá cao. Tuy nhiên, việc kinh doanh của họ có nhiều dấu hiệu bất thường. Việc thu mua theo kiểu vơ vét của thương lái Trung Quốc khiến thị trường một số loại nông sản ở đây trở nên lũng loạn. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn thận với chiêu bài này của thương lái Trung Quốc.
Để kịp thời ngăn chặn các hình thức thu mua trái phép nông, lâm, thuỷ hải sản của các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) trên lãnh thổ Việt Nam, trong năm 2014, không làm ảnh hưởng đến những hộ nuôi, trồng và thực hiện đúng với các quy định pháp luật của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, ngày 12/3, Bộ Công thương ban hành công văn về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hoá của người nước ngoài tại Việt Nam gởi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo công văn này, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh nghiêm túc thực hiện Công văn ngày 25/5/2012 của Bộ Công thương về người nước ngoài mua bán hàng hoá tại Việt Nam. Cùng với đó, báo cáo UBND tỉnh, thành phố và chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu báo cáo hoạt động thu mua nông sản, lâm sản, thuỷ sản (kể cả những loại khác lạ) của người nước ngoài trên địa bàn và kết quả triển khai thực hiện cũng như những vướng mắc, khó khăn về Bộ Công thương - Vụ Thị trường trong nước để kịp thời tháo gỡ.
Có thể bạn quan tâm

Nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất hoa kiểng bán tết, anh Nguyễn Văn Ngõ ở ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), cho biết: “Năm nay, ngoài trồng những loại hoa kiểng bán vào dịp tết như vạn thọ, cúc mâm xôi, hướng dương tôi còn trồng thêm 200 chậu bắp để cung ứng cho nhu cầu Tết Ất Mùi này”.

Mô hình rau áp dụng công nghệ tưới phun và tưới nhỏ giọt của Cty Khang Thịnh, chi nhánh Netafim Lâm Đồng, tại huyện Đức Trọng, ông Vũ Kiên Trung, đại diện Netafim Việt Nam trình bày về các giải pháp hiệu quả để tưới tiết kiệm mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh. Nhờ mô hình tưới tiêu thông minh này mà nhà vườn có thể tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành nông phẩm để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Hồi tháng 11 năm ngoái, VFA đã đưa ra giá sàn mới cho gạo XK là 380 USD/tấn (loại 25% tấm), giảm 30 USD/tấn so với giá sàn của loại gạo này được đưa ra vào tháng 7 cùng năm. Vừa qua, Hiệp hội này đã điều chỉnh lại giá sàn gạo 25% tấm xuống còn 360 USD/tấn, thời hạn bắt đầu áp dụng là từ 12/1/2015.

Hai điểm tựa quan trọng nhất của hệ thống sản xuất nông nghiệp là chính sách kinh tế nông nghiệp đối nội và chính sách kinh tế nông nghiệp đối ngoại. Thiếu lực gồng của 2 điểm tựa chính trị này, sức mạnh của các đòn bẩy sẽ bị giảm sút, thậm chí sẽ bị triệt tiêu.

Nông dân Nguyễn Văn Hưng, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, một người trồng thanh long có thâm niên cho biết, chưa năm nào giá thanh long nghịch vụ lại rớt giá thê thảm như hiện nay, chỉ dao động ở mức từ 8.000-12.000đ/kg (tùy loại), giảm hơn nửa so với thời điểm năm ngoái.