Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi Lo Tôm Chết

Nỗi Lo Tôm Chết
Ngày đăng: 24/06/2012

Do tôm chết kéo dài làm cho không ít bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhiều hộ vay vốn ngân hàng để cải tạo và mua giống thả nuôi với mong muốn có được kết quả khả quan. Nhưng tình trạng tôm chết vẫn cứ diễn ra…

Huyện Ngọc Hiển có diện tích nuôi thủy sản trên 24.000 ha. Nnhững năm qua, nhờ nuôi tôm đạt hiệu quả nên nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng hiện nay, thời tiết thay đổi và môi trường nước nuôi tôm bị ô nhiễm nên tôm nuôi liên tiếp bị chết, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Cán bộ Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ngọc Hiển kiểm tra tôm nuôi của các hộ nuôi thủy sản vào đầu mùa mưa.

Gia đình bà Phạm Thị Tròn, ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, phải đối mặt với nhiều khó khăn do nạn tôm chết từ 3 tháng nay. Với 3 ha đất nuôi thủy sản, từ đầu năm đến nay, gia đình bà thả trên 40.000 con tôm giống nhưng mỗi con nước chỉ thu hoạch được vài trăm ngàn đồng.

Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, tôm nuôi liên tiếp chết nên bà Tròn phải tín chấp ngân hàng vay vốn để mua con giống thả lấp vụ. Gia đình bà Tròn đến nay đã vay trên 20 triệu đồng để nuôi tôm nhưng vẫn trắng tay.

Bà Tròn bộc bạch: “Gia đình nhiều lần cải tạo vuông, mua giống đổ vô nhưng không thu hoạch được gì. Giờ cuộc sống khó khăn lắm, lãi ngân hàng không thanh toán được, thời gian tới gia đình cũng không biết xoay xở làm sao”.

Ông Phan Toàn Thắng, ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, trước đây mỗi con nước thu hoạch tôm nuôi gần 10 triệu đồng, thất nhất cũng khoảng 2 triệu đồng. Nhưng hiện nay, mỗi con nước thu hoạch tôm nuôi chưa đến 500.000 đồng, gia đình đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn bởi vừa phải lo tiền chi tiêu, vừa lo tiền trả nợ việc cải tạo vuông, mua con giống.

Ông Nguyễn Trung Tính, Trưởng Ban nhân dân ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, cho biết, năm nay hầu như tôm thất liên tục. Những năm trước, chết lô này bắt lô khác thả nuôi còn có thu, nhưng giờ thì thất trắng.

Người dân không còn mặn mà với con tôm nữa, nhiều hộ phải cầm cố vuông đi Bình Dương lao động. Điệp khúc tôm chết giờ không còn xa lạ đối với người dân ở huyện Ngọc Hiển. Ở ấp Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc có khoảng 100 hộ nuôi tôm, con nước vừa rồi có đến 90% hộ thất trắng.

Kỹ sư Mai Văn Đoan, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ngọc Hiển, cho biết, do thời tiết thay đổi đột ngột, hệ sinh thái trong vuông nuôi bị phá vỡ dẫn đến sức đề kháng trên cơ thể tôm bị suy giảm, làm cho các vi khuẩn, vi-rút gây hại xâm nhập và phát triển gây ra tình trạng tôm bị bệnh và chết.

Để khắc phục tình trạng này, bà con cần thực hiện những cách sau: Trước khi mưa, bà con nên dùng vôi (CaCO3 với liều lượng 10 - 15 kg/100 m2 hay CaO liều lượng 7 - 10 kg/100 m2) để rải xung quanh bờ nhằm hạn chế phèn. Trong khi mưa, bà con có thể xả bớt lớp nước tầng mặt xuống khoảng 2 tấc để tránh tình trạng gây sốc tôm.

Cuối cùng, bà con có thể sử dụng các loại men vi sinh để nhằm ổn định lại môi trường và xử lý nền đáy vuông. Đối với các loại men vi sinh, bà con nên sử dụng vào khoảng 8 - 9 giờ sáng khi có ánh nắng chiếu xuống vuông, liều lượng bà con tham khảo trong hướng dẫn sử dụng.

Bên cạnh đó, bà con nên chọn con giống có chất lượng tốt ở các cơ sở sản xuất uy tín. Bà con có thể chọn phương pháp tốt hơn là mang mẫu con giống đi xét nghiệm để loại bỏ giống bị nhiễm bệnh trước khi thả nuôi.

Có thể bạn quan tâm

Khá Lên Nhờ Nuôi Dê Khá Lên Nhờ Nuôi Dê

Từng là một đội viên du kích, xã đội trưởng gan dạ, dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ, sau ngày thống nhất đất nước, người thương binh ¼ Nguyễn Văn Hồng được điều động vào đội công tác của tỉnh Quảng Nam bổ sung cho đội ngũ cán bộ cốt cán xây dựng điểm kinh tế mới Cư Phiăng, xã Hòa Phong (Krông Bông). Ở quê hương mới, ông Hồng từng đảm nhiệm công tác Đoàn, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sơn Phong, sau đó công tác tại Công ty Vật tư Nông nghiệp huyện Krông Bông và về nghỉ mất sức năm 1986 vì lý do sức khỏe.

07/08/2012
Khoai Lang Rớt Giá Tại Thương Nhân Trung Quốc Hay Tại Ta? Khoai Lang Rớt Giá Tại Thương Nhân Trung Quốc Hay Tại Ta?

Câu chuyện thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom nông thủy sản, kích giá sốt mạnh rồi lao dốc sâu đã không còn xa lạ với người nông dân vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện một lần nữa bà con trồng khoai lang tại các tỉnh ĐBSCL lại rơi vào tình cảnh này. Vì sao?

16/05/2012
Hành Tây Bán Rẻ Cũng Không Mua Hành Tây Bán Rẻ Cũng Không Mua

Chúng tôi về xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vào những ngày cuối vụ hành tây. Dạo quanh các thôn xóm, gặp người dân ai ai cũng chép miệng: "Năm nay giá thấp kỷ lục. Đã vậy bán rẻ cũng không xong!".

24/02/2012
Một Số Chú Ý Khi Trồng Rau Có Sử Dụng Màng Phủ Ở Vụ Xuân Hè Một Số Chú Ý Khi Trồng Rau Có Sử Dụng Màng Phủ Ở Vụ Xuân Hè

Hiện nay, việc sử dụng màng phủ để trồng một số loại cây rau màu (cà chua, ớt, dưa, bầu bí, đỗ...) trong vụ Xuân Hè khá phổ biến ở vùng đồng bằng sông Hồng do nhiều ích lợi mang lại. Để có được những kết quả tốt trong việc sản xuất rau có sử dụng màng phủ, người trồng rau cần chú ý một số vấn đề quan trọng

16/05/2012
Nuôi Dế Cải Thiện Cuộc Sống Ở Tây Ninh Nuôi Dế Cải Thiện Cuộc Sống Ở Tây Ninh

“Nuôi dế tính ra sướng hơn nuôi heo” - đó là nhận xét của anh Phạm Quốc Nam (37 tuổi) ở ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu (Tây Ninh). Trước đây anh Nam đã từng nuôi heo, nay đã chuyển qua nghề nuôi dế.

07/05/2012