Nỗi Lo Tỏi Lý Sơn Mất Mùa, Rớt Giá

Chưa vào chính vụ, nhưng giá tỏi ở Lý Sơn giảm thê thảm. Cả đảo Lý Sơn vụ này trồng khoảng 360 ha tỏi. Mỗi năm một vụ, nông dân đặt bao kỳ vọng vào cây tỏi, thế mà nay đang phải đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Tỏi ế đầu mùa
Cách đây chừng nửa tháng, khi vẫn còn những ngày Tết, tỏi Lý Sơn được chọn mua làm quà biếu rộ lên. Tỏi vừa thu hoạch giá lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tỏi vừa nhổ khỏi ruộng có người đến hỏi mua liền. Sau đó, nhu cầu này giảm dần, giá tỏi tụt xuống 40.000 đồng, rồi 30.000 đồng và nay chỉ còn khoảng 20.000 đồng-25.000 đồng/kg.
Thế nhưng thương lái thu mua cũng rất hạn chế. Chợ tỏi Lý Sơn sôi động hôm nào nay người bán đông hơn người mua. Không ít nông dân mang tỏi ra chợ, nhưng giá rẻ quá lại chở về nhà. Nét mặt người trồng tỏi buồn rười rượi.
Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội tỏi Lý Sơn trao đổi về thực trạng tỏi rớt giá một cách đầy xót xa: “Tỏi tươi vừa nhổ lên giá bán ở mức 40.000 đồng/kg thì nông dân mới đủ chi phí. Nay giá thấp thế này, người trồng tỏi lỗ nặng”.
Theo chu trình, mọi năm khi vào chính vụ, lượng tỏi thu hoạch nhiều thì giá mới bị “kéo” xuống. Thế nhưng, năm nay, nông dân mới chỉ thu hoạch lác đác nhưng giá đã thấp bất thường. Nhiều nông dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn cho biết: Năm nay tỏi do người gốc quê Lý Sơn trồng ở Ninh Hiển (Khánh Hòa) được mùa, bán ra thị trường giá thấp, khiến giá tỏi Lý Sơn cũng bị ảnh hưởng theo.
Giá hành ở Lý Sơn hiện nay cũng chỉ giao động từ 10.000- 14.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng sức tiêu thụ lại rất chậm. Nông dân lo lắng không hiểu lý do vì sao giá tỏi, hành Lý Sơn bấp bênh. Còn chính quyền cũng chỉ biết trông vào… thị trường. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Huyện cũng rất lo lắng về giá tỏi hiện nay, nhưng thực tế chưa có giải pháp hỗ trợ nông dân. Giá tỏi, hành vẫn chủ yếu dựa vào thị trường, mặc dù đây là thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Lý Sơn”.
Dự báo mất mùa
Ở Lý Sơn hiện nay còn tới hơn 350ha tỏi đang còn xanh đồng, từ 1 - 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo gió cấp 8, cấp 9, trời rét kéo dài nhiều ngày qua đã khiến nhiều diện tích tỏi bị ngã và bó gốc. Đã thế trời còn có mưa nặng hạt càng làm cho số tỏi bị đổ ngã khó có khả năng phục hồi.
Nóng lòng, bất kể trời mưa lạnh, gió giật dữ dội, nhiều nông dân vẫn ra đồng thăm tỏi. Mưa ngớt, gió lặng, nhiều người hối hả mua phân về bón những mong giúp tỏi nhanh chóng “đứng dậy”, vớt vát mồ hôi công sức đã đổ ra.
Bà Bùi Thị Lụa, thôn Đông, xã An Hải bón phân cho 400m2 tỏi ngã rạp sau những đợt gió mạnh, nghẹn ngào nói: “Số là dừng bón phân chờ tỏi chín là thu hoạch. Thế mà gió quật ngã phải bón phân thúc cho tỏi lại sức, chứ không là thất thu. Vụ tỏi này tưởng đã ăn chắc, thế mà vẫn không tránh khỏi thiệt hại”.
Khi nghe đài báo thời tiết gió mạnh cấp 8, cấp 9, bà Lụa và nhiều nông dân khác đã bỏ tiền mua lưới bao quanh ruộng tỏi chắn gió nhưng cũng chẳng ăn thua. Những cánh đồng tỏi đứng chịu trận trước những cơn gió giật suốt ngày đêm không ngớt, chẳng còn ruộng tỏi nào đứng thẳng.
Lão nông Dương Bình, thôn Tây, xã An Hải, cho biết: “Mặc dù tỏi sắp thu hoạch nhưng gió làm ngã đổ thì sẽ mất sức, không thể phát triển bình thường. Khả năng sản lượng bị sụt giảm lên đến 30 - 40%”. Xót xa nhưng không còn cách nào khác.
Có thể bạn quan tâm

Vào thời điểm này, nông dân đã cải tạo lại ao đầm trên những diện tích tôm nuôi bị thiệt hại và thả nuôi hơn 1.200ha, chủ yếu là tôm nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến.

Nhận thấy dứa là cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, thời gian canh tác ngắn, quả dứa lại dễ tiêu thụ và được giá, năm 2014, nhiều hộ dân bản Háng Lìa, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tự bỏ vốn sang tỉnh Lào Cai mua dứa giống về trồng trên những nương đất bạc màu và những khoảnh nương trồng cây khác nhưng kém hiệu quả. Đến nay, toàn bản đã có gần 30 hộ trồng dứa. Nhà trồng ít gần 10 nghìn cây, nhà trồng nhiều 60.000 – 70.000 cây...

Khảo sát tình hình thực tế sò huyết nuôi ở các bãi sò trên địa bàn tỉnh trong thời gian giữa tháng 4-2014 cho thấy xuất hiện hiện tượng sò huyết chết với tỷ lệ khá cao ở các xã: Tân Xuân, Bảo Thạnh (Ba Tri); sò có dấu hiệu yếu ở xã Thạnh Hải (Thạnh Phú, Bến Tre).

Chủ lồng cá là một thanh niên ngoài 30 tuổi cười tươi và bảo rằng: "Một lồng cá dưới sông tương đương 2 mẫu ao trên đất liền. Bao vùng sông nước có hơn gì mình đâu mà họ vẫn làm, tại sao dân quê ta lại không dám làm. Em xuống đây trước để mọi người cùng xuống cho vui…”.

Ông Bùi Thanh Sỹ, thôn Hội Long, xã Ân Hảo Đông (Hoài Ân, Bình Định) cho biết: Ngoài làm ruộng, gia đình ông còn trồng 3 sào dâu để lấy lá nuôi tằm. Mỗi tháng cho ra 3 hộp kén, mỗi hộp 40 kg, mỗi tháng lãi ròng hơn 10 triệu đồng.