Nỗi Lo Tỏi Lý Sơn Mất Mùa, Rớt Giá

Chưa vào chính vụ, nhưng giá tỏi ở Lý Sơn giảm thê thảm. Cả đảo Lý Sơn vụ này trồng khoảng 360 ha tỏi. Mỗi năm một vụ, nông dân đặt bao kỳ vọng vào cây tỏi, thế mà nay đang phải đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Tỏi ế đầu mùa
Cách đây chừng nửa tháng, khi vẫn còn những ngày Tết, tỏi Lý Sơn được chọn mua làm quà biếu rộ lên. Tỏi vừa thu hoạch giá lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tỏi vừa nhổ khỏi ruộng có người đến hỏi mua liền. Sau đó, nhu cầu này giảm dần, giá tỏi tụt xuống 40.000 đồng, rồi 30.000 đồng và nay chỉ còn khoảng 20.000 đồng-25.000 đồng/kg.
Thế nhưng thương lái thu mua cũng rất hạn chế. Chợ tỏi Lý Sơn sôi động hôm nào nay người bán đông hơn người mua. Không ít nông dân mang tỏi ra chợ, nhưng giá rẻ quá lại chở về nhà. Nét mặt người trồng tỏi buồn rười rượi.
Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội tỏi Lý Sơn trao đổi về thực trạng tỏi rớt giá một cách đầy xót xa: “Tỏi tươi vừa nhổ lên giá bán ở mức 40.000 đồng/kg thì nông dân mới đủ chi phí. Nay giá thấp thế này, người trồng tỏi lỗ nặng”.
Theo chu trình, mọi năm khi vào chính vụ, lượng tỏi thu hoạch nhiều thì giá mới bị “kéo” xuống. Thế nhưng, năm nay, nông dân mới chỉ thu hoạch lác đác nhưng giá đã thấp bất thường. Nhiều nông dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn cho biết: Năm nay tỏi do người gốc quê Lý Sơn trồng ở Ninh Hiển (Khánh Hòa) được mùa, bán ra thị trường giá thấp, khiến giá tỏi Lý Sơn cũng bị ảnh hưởng theo.
Giá hành ở Lý Sơn hiện nay cũng chỉ giao động từ 10.000- 14.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng sức tiêu thụ lại rất chậm. Nông dân lo lắng không hiểu lý do vì sao giá tỏi, hành Lý Sơn bấp bênh. Còn chính quyền cũng chỉ biết trông vào… thị trường. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Huyện cũng rất lo lắng về giá tỏi hiện nay, nhưng thực tế chưa có giải pháp hỗ trợ nông dân. Giá tỏi, hành vẫn chủ yếu dựa vào thị trường, mặc dù đây là thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Lý Sơn”.
Dự báo mất mùa
Ở Lý Sơn hiện nay còn tới hơn 350ha tỏi đang còn xanh đồng, từ 1 - 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo gió cấp 8, cấp 9, trời rét kéo dài nhiều ngày qua đã khiến nhiều diện tích tỏi bị ngã và bó gốc. Đã thế trời còn có mưa nặng hạt càng làm cho số tỏi bị đổ ngã khó có khả năng phục hồi.
Nóng lòng, bất kể trời mưa lạnh, gió giật dữ dội, nhiều nông dân vẫn ra đồng thăm tỏi. Mưa ngớt, gió lặng, nhiều người hối hả mua phân về bón những mong giúp tỏi nhanh chóng “đứng dậy”, vớt vát mồ hôi công sức đã đổ ra.
Bà Bùi Thị Lụa, thôn Đông, xã An Hải bón phân cho 400m2 tỏi ngã rạp sau những đợt gió mạnh, nghẹn ngào nói: “Số là dừng bón phân chờ tỏi chín là thu hoạch. Thế mà gió quật ngã phải bón phân thúc cho tỏi lại sức, chứ không là thất thu. Vụ tỏi này tưởng đã ăn chắc, thế mà vẫn không tránh khỏi thiệt hại”.
Khi nghe đài báo thời tiết gió mạnh cấp 8, cấp 9, bà Lụa và nhiều nông dân khác đã bỏ tiền mua lưới bao quanh ruộng tỏi chắn gió nhưng cũng chẳng ăn thua. Những cánh đồng tỏi đứng chịu trận trước những cơn gió giật suốt ngày đêm không ngớt, chẳng còn ruộng tỏi nào đứng thẳng.
Lão nông Dương Bình, thôn Tây, xã An Hải, cho biết: “Mặc dù tỏi sắp thu hoạch nhưng gió làm ngã đổ thì sẽ mất sức, không thể phát triển bình thường. Khả năng sản lượng bị sụt giảm lên đến 30 - 40%”. Xót xa nhưng không còn cách nào khác.
Có thể bạn quan tâm

Hội thi thu hút 26 nhà vườn xã Tân Phước và xã Long Hậu gửi mẫu dự thi. Từ ngày 2 - 6/2, Ban tổ chức tiến hành chấm điểm tại các vườn đã đăng ký dự thi, sau đó thu mẫu và tiếp tục chấm điểm mẫu trái tại phòng Lab ở Viện Cây ăn quả miền Nam.

Ông Hồ Văn Tuấn, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết, trong vòng một tuần qua giá lúa giảm liên tục, thương lái bỏ cả tiền cọc chạy làng. Đồng lúa chín vàng óng nhưng tiến độ thu hoạch chậm, do rất ít thương lái thu mua.

Thông tin trên được ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đưa ra tại hội thảo “Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gen năm 2014” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) tổ chức vào chiều 3/2.

Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa 2 bên vẫn có một số trở ngại: hạt điều Nigieria có chất lượng còn khiêm tốn so với một số nước châu Phi khác như Ghana, Tanzania…; thanh toán giữa người mua và người bán còn khó khăn; chưa có cơ chế hợp tác để giải quyết các tranh chấp thương mại một cách công bằng và hiệu quả.

Theo hợp đồng đã ký kết, Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh chịu trách nhiệm đóng 3 tàu cá bằng vỏ thép cho 3 ngư dân, mỗi tàu dài 25 m, rộng 7,2m với công suất máy chính 880 CV nhãn hiệu Doosan của Hàn Quốc, tổng trị giá 14,835 tỉ đồng. Trong vòng 120 ngày, Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh sẽ hoàn thành và bàn giao tàu cá cho ngư dân.