Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nỗi Lo Tỏi Lý Sơn Mất Mùa, Rớt Giá

Nỗi Lo Tỏi Lý Sơn Mất Mùa, Rớt Giá
Ngày đăng: 04/03/2014

Chưa vào chính vụ, nhưng giá tỏi ở Lý Sơn giảm thê thảm. Cả đảo Lý Sơn vụ này trồng khoảng 360 ha tỏi. Mỗi năm một vụ, nông dân đặt bao kỳ vọng vào cây tỏi, thế mà nay đang phải đối diện với nguy cơ thua lỗ.

Tỏi ế đầu mùa

Cách đây chừng nửa tháng, khi vẫn còn những ngày Tết, tỏi Lý Sơn được chọn mua làm quà biếu rộ lên. Tỏi vừa thu hoạch giá lên tới 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tỏi vừa nhổ khỏi ruộng có người đến hỏi mua liền. Sau đó, nhu cầu này giảm dần, giá tỏi tụt xuống 40.000 đồng, rồi 30.000 đồng và nay chỉ còn khoảng 20.000 đồng-25.000 đồng/kg.

Thế nhưng thương lái thu mua cũng rất hạn chế. Chợ tỏi Lý Sơn sôi động hôm nào nay người bán đông hơn người mua. Không ít nông dân mang tỏi ra chợ, nhưng giá rẻ quá lại chở về nhà. Nét mặt người trồng tỏi buồn rười rượi.

Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội tỏi Lý Sơn trao đổi về thực trạng tỏi rớt giá một cách đầy xót xa: “Tỏi tươi vừa nhổ lên giá bán ở mức 40.000 đồng/kg thì nông dân mới đủ chi phí. Nay giá thấp thế này, người trồng tỏi lỗ nặng”.

Theo chu trình, mọi năm khi vào chính vụ, lượng tỏi thu hoạch nhiều thì giá mới bị “kéo” xuống. Thế nhưng, năm nay, nông dân mới chỉ thu hoạch lác đác nhưng giá đã thấp bất thường. Nhiều nông dân trồng tỏi trên đảo Lý Sơn cho biết: Năm nay tỏi do người gốc quê Lý Sơn trồng ở Ninh Hiển (Khánh Hòa) được mùa, bán ra thị trường giá thấp, khiến giá tỏi Lý Sơn cũng bị ảnh hưởng theo.

Giá hành ở Lý Sơn hiện nay cũng chỉ giao động từ 10.000- 14.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng sức tiêu thụ lại rất chậm. Nông dân lo lắng không hiểu lý do vì sao giá tỏi, hành Lý Sơn bấp bênh. Còn chính quyền cũng chỉ biết trông vào… thị trường. Bà Phạm Thị Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Huyện cũng rất lo lắng về giá tỏi hiện nay, nhưng thực tế chưa có giải pháp hỗ trợ nông dân. Giá  tỏi, hành vẫn chủ yếu dựa vào thị trường, mặc dù đây là thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Lý Sơn”.

Dự báo mất mùa

Ở Lý Sơn hiện nay còn tới hơn 350ha tỏi đang còn xanh đồng, từ 1 - 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo gió cấp 8, cấp 9, trời rét kéo dài nhiều ngày qua đã khiến nhiều diện tích tỏi bị ngã và bó gốc. Đã thế trời còn có mưa nặng hạt càng làm cho số tỏi bị đổ ngã khó có khả năng phục hồi.

Nóng lòng, bất kể trời mưa lạnh, gió giật dữ dội, nhiều nông dân vẫn ra đồng thăm tỏi. Mưa ngớt, gió lặng, nhiều người hối hả mua phân về bón những mong giúp tỏi nhanh chóng “đứng dậy”, vớt vát mồ hôi công sức đã đổ ra.

Bà Bùi Thị Lụa, thôn Đông, xã An Hải bón phân cho 400m2 tỏi ngã rạp sau những đợt gió mạnh, nghẹn ngào nói: “Số là dừng bón phân chờ tỏi chín là thu hoạch. Thế mà gió quật ngã phải bón phân thúc cho tỏi lại sức, chứ không là thất thu. Vụ tỏi này tưởng đã ăn chắc, thế mà vẫn không tránh khỏi thiệt hại”.

Khi nghe đài báo thời tiết gió mạnh cấp 8, cấp 9, bà Lụa và nhiều nông dân khác đã bỏ tiền mua lưới bao quanh ruộng tỏi chắn gió nhưng cũng chẳng ăn thua.  Những cánh đồng tỏi đứng chịu trận trước những cơn gió giật suốt ngày đêm không ngớt, chẳng còn ruộng tỏi nào đứng thẳng.

Lão nông Dương Bình, thôn Tây, xã An Hải, cho biết: “Mặc dù tỏi sắp thu hoạch nhưng gió làm ngã đổ thì sẽ mất sức, không thể phát triển bình thường. Khả năng sản lượng bị sụt giảm lên đến 30 - 40%”. Xót xa nhưng không còn cách nào khác.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Bức Xúc Vì Phân Bón Kém Chất Lượng Nông Dân Bức Xúc Vì Phân Bón Kém Chất Lượng

Là tỉnh có thế mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp nên nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng ở Bình Phước rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề phân bón giả, kém chất lượng theo nghi vấn của người dân còn nhờ đến các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá. Mới đây, người dân thôn Bàu Đỉa, xã Phước Tân (Bù Gia Mập) mua hơn 10 tấn phân NPK nhưng không dám đem bón vì nghi ngờ phân giả, chất lượng kém.

29/11/2013
Khắc Phục Việc Trồng Thanh Long Trên Đất Lúa Khắc Phục Việc Trồng Thanh Long Trên Đất Lúa

Qua tổng hợp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến cuối năm 2012 diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận đạt 19.419 ha; trong 6 tháng đầu năm 2013 nông dân các huyện, thị xã đã trồng mới 717 ha, nâng diện tích thanh long lên 20.136 ha, vượt so với quy hoạch đến năm 2015 là 5.136 ha thanh long.

29/11/2013
13 Cơ Sở, Vùng Sản Xuất Nông Sản Đạt Tiêu Chuẩn GlobalGAP 13 Cơ Sở, Vùng Sản Xuất Nông Sản Đạt Tiêu Chuẩn GlobalGAP

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 13 cơ sở, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong đó, có 4 cơ sở cây ăn trái, 2 cơ sở rau màu và 7 cơ sở thủy sản. Nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP trên cây ăn trái chủ yếu trên bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm, mận, xoài,…

29/11/2013
Được Mùa Vụ Dưa Hấu Cuối Năm Được Mùa Vụ Dưa Hấu Cuối Năm

Với giá bán 3.800-6.000 đồng/kg dưa hấu, vụ dưa hấu cuối cùng trong năm của bà con đất cồn (thuộc xã An Thủy - Ba Tri, Bến Tre) được đánh giá là có lãi khá cao. Do đặc thù của vùng đất, từ nhiều năm nay, bà con đất cồn không trồng vụ dưa hấu Tết vì “đụng hàng” với dưa của miền Đông và các tỉnh lân cận.

29/11/2013
Sáng Tạo Trong Mô Hình Lúa – Tôm Sáng Tạo Trong Mô Hình Lúa – Tôm

Sau nhiều năm năng suất tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Ngô Văn Hùng, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), sáng tạo bằng cách chia nhỏ vuông tôm để nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, kết quả năng suất tôm tăng trên 50%, lúa đạt trên 20 giạ/công.

30/11/2013