Nỗi lo lũ nhỏ

Người dân ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn tất bật làm cỏ, đắp bờ chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân 2015-2016.
Lũ năm nay về nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm được các cơ quan chuyên môn lý giải là do tác động của biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng El Nino đang hoành hành dữ dội đã khiến cho lượng mưa ít, trong khi mực nước thượng nguồn xuống thấp kỷ lục.
Điều chỉnh lịch thời vụ cho phù hợp
Mặc dù trung tuần tháng 9 âm lịch đã qua nhưng trên một số cánh đồng trong tỉnh, nước lũ vẫn chưa leo qua khỏi bờ.
Vì thế, không ít nhà nông ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A đã tiến hành cày ải mặt ruộng để sẵn sàng gieo sạ vụ lúa mới.
Ông Ngô Văn Tư, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “So với cùng kỳ năm rồi, mực nước ngoài đồng đang thấp hơn 3 tấc.
Do đó, tôi đã tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, thuê máy xới xong 20 công đất lúa của gia đình để chuẩn bị xuống giống vụ Đông xuân sắp tới.
Vì hầu hết bà con nơi đây đều dự kiến sẽ gieo sạ sớm, muộn nhất là vào ngày 10-10 âm lịch”.
Trong khi đó, nhiều hộ dân ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, đã bắt tay gieo sạ được hơn chục héc-ta lúa Đông xuân chính vụ 2015-2016.
Đáng nói là chuyện xuống giống sớm năm nay chẳng những không bị xem là “xé rào” mà trái lại phù hợp với khuyến cáo của ngành chuyên môn Hậu Giang trước tình trạng lũ nhỏ bất ngờ.
Bởi theo ngành bảo vệ thực vật tỉnh, các địa phương không nên ngăn cản người dân xuống giống sớm.
Những nơi có điều kiện thuận lợi nên khuyến cáo bà con gieo sạ, nhưng phải đảm bảo đồng loạt trên từng cánh đồng để tránh sự gây hại của rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ đầu vụ.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, thông tin rằng các cơ quan chuyên môn dự báo, từ nay đến cuối năm, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục hoành hành dữ dội nên khả năng hạn hán, xâm nhập mặn về sớm hơn cùng kỳ.
Vì thế, vụ Đông xuân tới đây phải tập trung điều chỉnh lịch thời vụ cho phù hợp.
“Nếu không quyết liệt điều chỉnh lịch thời vụ và tập trung động viên người dân tích cực thâm canh thì coi chừng năng suất của vụ lúa quan trọng nhất trong năm sẽ gặp vấn đề.
Chưa kể là đánh mất thời cơ đón đầu xuất khẩu gạo được đánh giá sẽ khởi sắc đến đầu năm tới”, ông Đồng khẳng định.
Giá thành sản xuất gia tăng đáng kể
Với mong muốn xuống giống sớm để hạn chế ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết cực đoan vào cuối vụ, nên mấy ngày qua, ông Ngô Văn Luận, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đã tất bật làm cỏ, đắp bờ và thuê máy cày vùi lấp rơm rạ, diệt cỏ dại cho mặt ruộng sạch sẽ trước một bước.
Nhưng để thực hiện được điều đó, ông Luận đã phải bỏ ra khoảng thời gian và chi phí đáng kể.
Chỉ với diện tích 1,7ha đất ruộng, ông đã chi hết 2 triệu đồng cho khâu cày xới.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật thị trấn Bảy Ngàn cho biết, phần lớn bà con trên địa bàn đều thuê máy xới, thay vì trục nhằm bù lại lượng phù sa trong đất bị thiếu hụt do lũ nhỏ.
Ông Ngô Văn Luận thừa nhận: “Nước lũ không ngập sâu nên bà con chúng tôi đang cảm thấy lo lắng cho quá trình sản xuất lúa Đông xuân tới đây sẽ gặp nhiều bất lợi do dịch bệnh tấn công.
Ngoài chuột bọ cắn phá, thì phải tính đến chuyện đối phó với mấy con rầy di trú đầu vụ nữa”.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, lũ thấp, khiến lượng phù sa ngoài đồng ruộng giảm khoảng 60-70%, tương đương 1ha mất từ 3-4 bao phân URE và khoảng 70kg phân lân.
Nước ít cũng là điều kiện tốt cho cỏ dại, ốc bươu vàng và nhiều loại dịch bệnh khác lây lan gây hại.
Do đó, giá thành sản xuất lúa có thể cao hơn khoảng 30%.
PGS-TS Trần Văn Hai, bộ môn Bảo vệ thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ, khuyến cáo: “Năm nay, bà con phải làm đất thật kỹ vì lý do cỏ dại khá nhiều, bằng cách áp dụng phương pháp nhử cỏ cho mọc lên rồi tiến hành cày bừa trước một bước.
Sau đó, tiếp tục trang bằng mặt ruộng, đánh rãnh thoát nước đảm bảo rửa phèn, tránh ngộ độc hữu cơ.
Đồng thời bón thêm phân lân và vôi cho đất để cải thiện lượng phù sa.
Tùy vào giai đoạn phát triển mà kịp thời bón phân cho đủ lượng, đúng chủng loại, đáp ứng đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cây lúa để xử lý dịch bệnh làm ảnh hưởng năng suất về sau”.
Có thể bạn quan tâm

Báo Hải Phòng số ra ngày 10-10, có bài “Huyện An Dương (Hải Phòng): Nhiều diện tích trồng cà chua chết không rõ nguyên nhân”. Ngay sau khi báo đăng, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp- PTNT tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp hướng dẫn nông dân khắc phục tình trạng này.

Hội Nông dân huyện Châu Đức đã phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh BR - VT xây dựng mô hình trình diễn sản xuất tiêu sạch theo tiêu chuẩn VietGap tại 4 xã: Bàu Chinh, Sơn Bình, Láng Lớn và Quảng Thành. Theo Hội Hồ tiêu tỉnh, đây là một trong những bước chuẩn bị tiếp đón Hiệp Hội hồ tiêu thế giới đến khảo sát, đánh giá về tình hình sản xuất và chất lượng sản phẩm hồ tiêu trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, vụ mùa 2014 vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên mặc dù điều kiện khí hậu diễn biến phức tạp, tuy nhiên năng suất trồng trọt tại khu vực này đạt cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt là cây lúa. Theo đó, năng suất lúa bình quân toàn vùng đạt 63,1 tạ/ha, cao hơn năm trước 3,5 tạ/ha; sản lượng đạt 1,66 triệu tấn, tăng gần 142.000 tấn.

Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại ở các năm trước, năm nay nông dân hạn chế "ngâm" mì ở những vùng trũng. Vì vậy, mới bước vào mùa mưa, bà con gấp gáp thu hoạch mì ở những vùng thấp bán cho nhà máy. Bên cạnh đó, phía nhà máy cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân bán sản phẩm của mình, thu lại tiền đầu tư và công sức sau bao ngày nhọc nhằn canh tác.

Thu hoạch xong gần 1ha quýt cách nay 3 ngày, ông Nguyễn Văn Nhu, ở ấp 3, xã Long Trị, cho biết: “Quýt trồng hơn 2 năm là có thể cho thu hoạch, năng suất đạt từ 2,5 - 3 tấn/công (cây 3 năm tuổi), còn 4 - 5 tấn/công (cây 4 - 5 năm tuổi). Mặc dù giá có giảm, nhưng sau khi trừ chi phí, mỗi công quýt cũng đem lại lợi nhuận từ 35 - 40 triệu đồng”.