Nỗi Lo Giống Dỏm

Do hạt giống kém chất lượng làm hơn 800 hécta bắp hè - thu không hạt tại Đồng Nai vừa qua khiến nông dân thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ở các loại cây trồng khác, chất lượng giống cũng đang là nỗi lo lớn của nông dân.
Thiệt hại lớn ở cây bắp được xác định là do gieo trồng giống bắp kém chất lượng của Công ty TNHH Syngenta và Công ty TNHH Pioneer Hi-Bred Việt Nam.
Thiệt hại lớn
Đa số nông dân trong tỉnh sử dụng giống bắp lai để gieo trồng. Bình thường, năng suất bắp khoảng 6-8 tấn/hécta/vụ, trừ chi phí nông dân còn lời trên 20 triệu đồng/hécta/vụ. Ở vụ đông - xuân, năng suất bắp đạt từ 10-12 tấn/hécta nông dân lời 40-50 triệu đồng/hécta. Song không may mua phải bắp giống “dỏm”, ngoài mất lợi nhuận nông dân còn thiệt hại thêm 15-18 triệu đồng/hécta tiền giống, vật tư đầu vào.
Ông Vũ Văn Bốn, ấp 5, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), nói: “Những vụ trước, mua được giống tốt với 4 sào bắp tôi lời 15 triệu đồng. Nhưng vụ này mua phải giống kém chất lượng, bắp không hạt làm tôi mất trắng khoản lời và mất thêm 8 triệu đồng tiền giống vật tư đầu vào”.
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 422 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống cây trồng nông, lâm nghiệp. Trong đó, có 280 cơ sở sản xuất - kinh doanh hạt giống và 142 cơ sở sản xuất - kinh doanh cây giống. Các cơ sở kinh doanh đa số lấy hạt giống, cây giống từ các tỉnh khác về tiêu thụ.
Tuy nhiên, cây bắp là cây hàng năm, thiệt hại không lớn như cây lâu năm. Với cây lâu năm, phải mất 3-5 năm sau mới thu hoạch, nếu trồng giống xấu, sẽ mất thêm 3-5 năm nữa mới có thu. Ông Lê Văn Tự, ấp Bình Lục, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), than: “Tôi trồng gần 4 sào bưởi, sau 5 năm cây cho trái mới phát hiện giống bưởi kém chất lượng. Tôi đành phải chặt bỏ và trồng lại giống bưởi khác, nhưng bưởi trồng lại phát triển rất chậm và mất thêm 5 năm nữa mới có trái”.
Với cây ăn trái, như: bưởi, sầu riêng, măng cụt… khi trồng phải giống “dỏm”, ngoài mất tiền đầu tư hai lần thì trong 10 năm nông dân không có nguồn thu. Sau khi bị thiệt hại do giống, phần thua thiệt luôn thuộc về nông dân. Với cây trồng hàng năm, mua giống từ các công ty uy tín thì số tiền được bồi thường cũng chỉ gần đủ chi phí đầu vào. Còn với cây trồng lâu năm, đa số đều thua trắng tay.
Chỉ quản trên giấy
Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, khẳng định: “Bắp giống nông dân Đồng Nai trồng hầu hết là bắp lai được nhập khẩu về. Vì thế, có những loại giống cho năng suất cao, nhưng cũng có loại giống năng suất rất thấp”. Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thừa nhận: “Hạt giống nhập khẩu về đa số chỉ kiểm soát chất lượng trên giấy, chỉ khi xảy ra trục trặc, người dân phản ánh mới xuống kiểm tra thực tế. Và biện pháp xử lý là buộc thu hồi lại giống kém chất lượng và xử phạt hành chính”. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính rất nhẹ, từ vài trăm đến vài triệu đồng, so với lợi nhuận từ việc bán giống kém chất lượng chẳng thấm tháp gì.
Năm 2012, Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn chỉ kiểm tra được 37 cơ sở sản xuất - kinh doanh giống cây trồng, trong đó có 17 cơ sở thiếu hồ sơ chứng nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng các loại giống cây trồng của nhà sản xuất. Ngoài ra còn các vi phạm khác, như: không đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh giống, giấy chứng nhận nguồn giống đã hết hạn. Hình thức xử lý các cơ sở chủ yếu là nhắc nhở. Từ đầu năm 2013 đến nay, đoàn mới đang thực hiện một đợt kiểm tra các cơ sở giống vì xảy ra tình trạng quá nhiều diện tích bắp không hạt do giống.
Với cây trồng lâu năm, hiện nay chất lượng cây giống khá “bát nháo”, nông dân chỉ dựa vào sự tin tưởng các đại lý. Sau vài năm, cây cho thu hoạch mới đánh giá được chất lượng thực sự của cây trồng. “Khi mua giống cây ăn trái, đại lý nào cũng nói giống của mình tốt, được nhập từ các vườn cây đầu dòng ở miền Tây về. Nông dân chúng tôi chỉ biết tin đại lý chứ làm sao xuống đó tìm hiểu được nguồn gốc xuất xứ của cây trồng” - ông Trần Văn Giỏi, xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) nói.
Về chất lượng cây giống, theo ông Trần Lâm Sinh, để giảm rủi ro khi mua, nông dân chọn những đại lý lớn có uy tín lâu năm và cây giống phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hàng năm, ngoài thanh tra định kỳ khoảng 2 lần/năm thì chỉ khi xảy ra những sự cố về chất lượng giống, cơ quan quản lý mới tổ chức thanh tra đột xuất. Song số đại lý kiểm tra được cũng chỉ chiếm chưa đầy 5% số lượng cơ sở kinh doanh giống.
Có thể bạn quan tâm

Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Khác với tâm trạng mong chờ, háo hức tới phiên chợ Tết như mọi năm, thời điểm này, nhiều người trồng chuối xanh ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội) tỏ ra buồn bã vì chuối mất mùa. Nguyên nhân là do cơn bão số 8 (10/2012) đã làm gãy, đổ phần lớn diện tích chuối trên địa bàn xã.

Dự án cạnh tranh nông nghiệp và Trung tâm Tư vấn - phát triển công nghệ Nha Hố đã đầu tư 1,7 tỉ đồng cho 750 nông hộ xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải - Ninh Thuận) và phường Văn Hải (T.p Phan Rang Tháp Chàm) nhằm mở rộng 50 ha diện tích trồng tỏi an toàn trong vụ đông xuân 2012 – 2013.

Giá củ hành tím ở Sóc Trăng đã tăng trở lại và đang ngập ngừng ở mức 15.000 đồng/kg khiến một số nhà rẫy đang trong tâm trạng phập phồng càng nôn nao hơn. Bởi trước đó không lâu, từ tháng 10 âm lịch, giá hành đầu mùa bỗng nhảy lên 25.000 đồng/kg rồi lao dốc mạnh đã khiến người dân trồng hành đặc sản ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hụt hẫng.

Giá gà công nghiệp lại giảm mạnh sau gần hai tháng giữ ở mức giúp người chăn nuôi có lãi 500 – 1.000 đồng/kg. Hiện, gà công nghiệp bán tại trại chỉ còn 27.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 4.500 đồng/kg so với hồi đầu tháng, khiến cho người nuôi bị lỗ 3.000 đồng/kg.