Nỗi lo bùng phát dịch lở mồm long móng

Cách đây khoảng 10 ngày, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc xuất hiện tại thôn Ngọc Sơn Đông, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, khiến 7 con bò và 1 con heo nái bị nhiễm dịch. Không riêng gì huyện Thăng Bình, từ cuối tháng 5 đến nay dịch LMLM cũng đã gây hại rải rác tại nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Nam như Hiệp Đức, Quế Sơn, Đại Lộc, Đông Giang… khiến gần 100 con gia súc bị mắc bệnh. Càng đáng lo khi Quảng Nam có số lượng trâu, bò lớn với trên 222.000 con, trong đó bò trên 151.000 con và trâu gần 71.000 con, nhưng chỉ mới tiêm phòng vắcxin LMLM đợt 1 năm 2015 đạt 67,57%.
Trước sự bùng phát trở lại của dịch LMLM, người chăn nuôi rất lo ngại. Ông Nguyễn Đại Nam, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh là người có số lượng chăn nuôi bò lớn bày tỏ lo lắng: “Người chăn nuôi chúng tôi nghe tin dịch LMLM tái xuất là như ngồi trên đống lửa. Không lo sợ sao được, bao nhiêu công sức của cải đổ vào chăn nuôi, lở đàn gia súc vướng dịch là coi như trắng tay!” Đó cũng là nỗi lo chung của nhiều hộ chăn nuôi ở miền Trung.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch LMLM, trong đó theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là việc vận chuyển, buôn bán gia súc trái phép vẫn diễn ra thường xuyên tại nhiều nơi. Quảng Nam cũng là điểm dừng chân của những chuyến xe Bắc - Nam vận chuyển gia súc. Cùng với đó là công tác quản lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống và chăn nuôi gia súc ở các địa phương không được chú trọng. Ý thức chấp hành pháp luật thú y của người tham gia vận chuyển, kinh doanh động vật chưa tốt.
Đặc biệt là khâu tiêm phòng chưa thực hiện theo đúng quy trình và tỷ lệ đàn gia súc được chích ngừa vắc xin trong đợt 1 năm 2015 đạt thấp. Cụ thể, theo Chi cục Thú y Quảng Nam, chỉ đạo của UBND tỉnh thì đợt 1 năm 2015 phải đảm bảo có tối thiểu 80% tổng đàn gia súc được tiêm phòng vắc xin LMLM. Thế nhưng, kết thúc đợt cao điểm này toàn tỉnh chỉ có 67,57% tổng đàn gia súc được chích ngừa loại vắc xin này. Thậm chí tại một số nơi tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp, chẳng hạn như Nam Trà My 47,46%, Phước Sơn 51,4%, Nam Giang 52,19%, Thăng Bình 55,64%, Tiên Phước 55,59%, Hội An 57,18%, Đông Giang 59,55%, Duy Xuyên 61,7%.... Đó cũng là nguyên nhân lớn góp phần cho dịch LMLM tái xuất mạnh.
Nỗ lực dập dịch
Trước tình hình dịch LMLM tái xuất, Trạm Thú y huyện Thăng Bình đã cử cán bộ kỹ thuật về địa phương hỗ trợ lực lượng thú y cơ sở và người chăn nuôi triển khai cấp bách những biện pháp phòng chống để nhanh chóng khống chế sự phát tán của mầm bệnh. Ông Bùi Thanh Việt - Trưởng trạm Thú y huyện Thăng Bình cho biết, huyện đã khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, hóa chất tổ chức vệ sinh chuồng trại và phun tiêu độc, khử trùng trên phạm vi rộng.
Sở NN&PTNT Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị UBND các địa phương trong toàn tỉnh khẩn trương chỉ đạo chính quyền cấp xã tiến hành rà soát các thôn, tổ có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp để nhanh chóng tổ chức tiêm bổ sung, kể cả tiêm nhắc lại mũi thứ 2 sau 3 - 4 tuần đối với những gia súc tiêm lần đầu nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn. Yêu cầu các đối tượng liên quan đến việc vận chuyển, kinh doanh gia súc trên địa bàn, chấp hành nghiêm những quy định về vận chuyển, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Những địa phương đang có bệnh LMLM huy động ngay mọi nguồn lực xử lý, khống chế nhanh các ổ dịch. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao, cơ sở giết mổ, tổ chức tiêm phòng bao vây nhằm không để dịch lây lan trên diện rộng. Tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, kiên quyết xử lý những trường hợp không thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam cho biết, ngoài việc điều động các cán bộ kỹ thuật về đứng điểm tại một số nơi để hỗ trợ đội ngũ thú y cơ sở đối phó hiệu quả với dịch, Chi cục cũng đã chi viện 5.000 liều vắc xin cùng 800 lít hóa chất các loại để các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc và thực hiện đồng loạt khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng.
Cho dù các cơ quan chức năng ở Quảng Nam đã tích cực triển khai các biện pháp chống, dập dịch LMLM, nhưng phải thấy một thực tế là dịch LMLM năm nào cũng tái xuất, cũng khiến người dân gặp khó khăn. Cơ quan thú y thì có từ xã đến tỉnh nhưng trâu bò vẫn cứ bị LMLM. Câu hỏi đặt ra là chống dịch nhưng chống như thế nào cho hiệu quả và làm sao để triệt tiêu dịch không tái phát xem ra còn là sự nan giải.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tại giá cà phê nhân tại Tây Nguyên đã tăng lên 40.900 - 41.600 đ/kg. Niềm vui cũng được nhân lên khi dịp này sắn khô cũng tăng giá.

Hiện tại, giá xoài cát Hòa Lộc là 55.000 đ/kg, sầu riêng cơm vàng hạt lép 45.000 đ/kg, nhãn Ido (Thái Lan) trên 30.000 đ/kg.

Hiện tại, lúa IR 50404 được thu mua ngay tại ruộng với giá từ 4.500 đến 4.600 đ/kg, lúa hạt dài Jasmin 4.900 - 4.950 đ/kg. Dự báo trong những ngày tới, giá lúa sẽ tăng nhẹ và ổn định khi các DN thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cho đến thời điểm này, mô hình hội đồng ngành hàng như Ban điều phối ngành hàng càphê Việt Nam (được thành lập tháng 7/2013) vẫn được đánh giá là một mô hình khá mới mẻ đối với chúng ta. Làm thế nào để Ban điều phối hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị hạt cà phê và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới vẫn là câu hỏi khó.

Rong nho biển đang là một loại sản phẩm mới ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Tại Khánh Hòa, ngoài Viện hải dương học Nha Trang, Công ty TNHH Trí Tín cũng đã trồng thử nghiệm 200 g giống được mang đến từ Okinawa (Nhật Bản) từ tháng 10/2005.