Nỗi buồn ở vựa lúa

Chỉ tay về phía những bao lúa tươi chất nơi góc ruộng, anh Sáu Ngọc Tam ở phường Điện An nói: “Cũng tại ông trời gây hại mà vụ này gia đình tui thất thu 100kg lúa khô. Trâu bò không nuôi, gà vịt chẳng có, mất mùa lúa là khổ bội phần”.
Hè thu năm nay, vợ chồng anh Sáu gieo sạ cả thảy 5 sào lúa. Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới luôn chủ động, phòng trừ hiệu quả các loại sâu bệnh nguy hiểm nên từ đầu đến giữa vụ toàn bộ diện tích ấy sinh trưởng và phát triển rất tốt.
Thế nhưng, trong mấy ngày cuối tháng 7 dương lịch, khi tất cả ruộng lúa của anh Sáu Ngọc Tam bước vào giai đoạn trổ đòng rộ thì bỗng dưng xuất hiện những đợt mưa kéo dài khiến quá trình thụ phấn bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo anh Sáu, do lúa đang đồng loạt phơi màu gặp trời mưa dầm nên đã xảy ra hiện tượng lem lép và thối hạt. Vì vậy, năng suất bình quân mỗi sào chỉ đạt 270kg lúa khô, giảm 20kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái.
Chia tay anh Sáu, quay ngược vào xã Điện Minh, Tư tôi thấy chị Ba Khúc Lũy đang lom khom giê những đống lúa vừa phơi xong. Nghe hỏi đến chuyện mùa màng, người phụ nữ 47 tuổi này lắc đầu: “Vụ ni thất bại, chú mi ơi.
Khổ thiệt, khi 4 sào lúa của tui mới kết thúc thời kỳ ngậm sữa thì bị mưa dông và gió mạnh quật ngã tả tơi.
Ngay sau đó, rầy nâu, rầy lưng trắng và bệnh đốm vằn hoành hành dữ dội khiến tất cả số diện tích ấy bị cháy chòm nghiêm trọng. Hè thu năm trước, nhờ thời tiết thuận lợi và sâu bệnh ít tấn công nên bình quân 1 sào ruộng tui thu về 320kg lúa khô, còn bây giờ cao tay lắm chỉ đạt chừng 260kg”.
Theo tìm hiểu của Tư Ruộng tôi, hè thu 2015 nông dân thị xã Điện Bàn canh tác tổng cộng 5.600ha lúa, tính đến sáng hôm qua 7.9 đã có ít nhất 60% diện tích được thu hoạch và dự kiến tới ngày 15.9 nhà nông sẽ gặt xong.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, qua số liệu thống kê mới nhất từ các địa phương thì vụ này năng suất lúa bình quân toàn thị xã đạt khoảng 54 tạ/ha, giảm hơn 1,8 tạ/ha so với hè thu năm 2014.
Theo ông Chơi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhiều đồng lúa khi trổ đòng và phơi màu rộ gặp mưa nên xảy ra hiện tượng lem lép và thối hạt trên diện rộng. Không chỉ vậy, hàng loạt diện tích lúa ngã đổ vì mưa dông đã bị bệnh khô vằn gây hại rất nặng.
Lâu nay, Điện Bàn được xem là một trong những vựa lúa lớn nhất của xứ Quảng.
Vụ hè thu 2015, địa phương này thất thu năng suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tổng sản lượng lúa toàn tỉnh. Và, điều rõ nhất là, trong thời gian tới cuộc sống của nhà nông nơi đây gặp khó khăn là chuyện không thể tránh khỏi…
Có thể bạn quan tâm

Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là vùng đồng bằng ven biển có diện tích tự nhiên khá lớn nhưng 3/4 diện tích là đất cát bạc màu, hàng năm phải đối mặt với hạn hán, đất nghèo sinh dưỡng, cát lấp và cát bay.

Cụ thể, đối với vùng thấp thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng vào gieo cấy; đối với vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả thì chuyển sang đào ao nuôi trồng thuỷ hải sản; còn vùng đồi núi thấp thì trồng cây ăn quả.

Nhiều năm trước, Trấn Dương là xã nghèo của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vì hầu hết diện tích canh tác đều cấy lúa, năng suất thấp. Từ khi đưa cây ớt về "ngự trị", nhiều hộ nông dân ở đây đã phất lên nhanh.

Những ngày qua, tuy thương lái từ Bình Thuận tấp nập đến tranh nhau mua trái thanh long ruột đỏ với giá ngất ngưởng từ 70-80 ngàn đồng/kg, nhưng người trồng thanh long ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) vẫn không có hàng để bán. Nhiều nhà vườn ở đây tính toán, nếu trái thanh long giữ được mức giá như hiện nay, chỉ với 1 hécta, nông dân có thể thu nhập trên 2 tỷ đồng.

Mặc dù Đà Lạt đã vào vụ thu hoạch khoai tây nhưng một số cơ sở kinh doanh khoai tây tại chợ nông sản Đà Lạt vẫn ồ ạt nhập khoai tây Trung Quốc rồi “tái xuất” ra thị trường (chủ yếu là TPHCM).