Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nợ Nần Đeo Bám Người Nuôi Tôm

Nợ Nần Đeo Bám Người Nuôi Tôm
Ngày đăng: 12/05/2012

Tôm là một trong những loại thủy sản nuôi chủ lực của vùng ĐBSCL khi mang về cho đất nước hàng tỉ đô la Mỹ/năm. Tuy nhiên, hiện người nuôi đang đứng trước nguy cơ phá sản, nợ nần bởi dịch bệnh ngày càng lan rộng, tiêu thụ gặp khó, giá bán thấp…

Người nuôi tôm đang trong tình trạng nợ nần chồng chất do dịch bệnh trên tôm liên tục xảy ra. Trong ảnh là nông dân huyện Cầu Ngang, Trà Vinh đang phân loại tôm giao cho khách hàng - Ảnh: Trung Chánh

Giá thấp, tiêu thụ khó

Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2011 kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam lần đầu tiên đạt con số kỷ lục gần 2,4 tỉ đô la Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính giúp tôm Việt Nam giành được thắng lợi đó là do giá tăng cao ngay đầu vụ (cả xuất khẩu lẫn nội địa); các nước xuất khẩu tôm lớn như Indonesia, Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung.

Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ thu hoạch tôm 2012 tình hình lại diễn biến khá phức tạp, giá tôm nguyên liệu sụt giảm mạnh; tiêu thụ khó khăn do lo ngại nông dân sử dụng chất kháng sinh (loại chất mà các nước nhập khẩu liên tục cảnh báo đối với tôm của Việt Nam) để “cứu” tôm thoát khỏi dịch bệnh.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh cho biết, hiện tôm sú nguyên liệu loại 20 con/kg được các doanh nghiệp thủy sản tại Trà Vinh mua tại kho của doanh nghiệp với mức giá chỉ 185.000 - 187.000 đồng/kg; loại 30 con/kg có giá 140.000 - 145.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá 129.000 - 130.000 đồng/kg.

“So với mức giá kỷ lục đạt được ở đầu vụ nuôi năm ngoái, hiện mỗi kí lô gam tôm nguyên liệu thấp hơn từ 40.000 - 50.000 đồng (tùy loại). Không chỉ thu vào với mức giá thấp, các doanh nghiệp mua tôm cũng rất dè chừng, tuyên chọn tôm rất kỹ bởi họ lo ngại tôm nhiễm chất kháng sinh” - anh Tuấn cho biết.

Ông Trần Văn Hải, nông dân nuôi tôm tại xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh cho biết, vụ năm ngoái, tôm đẹp xấu cỡ nào doanh nghiệp cũng thu hết nhưng vụ này họ làm rất gắt. “Nghe nói các nước nhập khẩu đang tăng cường kiểm tra dư lượng kháng sinh đối với tôm của Việt Nam nên họ “siết” lại, làm người nuôi tôm chúng tôi cũng mệt” - ông Hải nói.

Méo mặt đón… nợ

Không chỉ giá bán thấp, tiêu thụ khó khăn, từ đầu năm đến nay hàng ngàn hộ dân nuôi tôm tại các tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… cũng đang méo mặt chờ đón nợ do tôm nuôi bị thiệt hại gây nên.

Ông Nguyễn Công Bình, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh cho biết, vụ tôm năm nay gia đình ông bị thiệt hại trên 30 triệu đồng do ao tôm nuôi bị dịch bệnh gây nên. Ông Bình nói: “Khi vào vụ tôi cũng hớn hở lắm nhưng tôm nuôi chưa được 1 tháng đã chết sạch, bao nhiêu vốn liếng coi như mất hết rồi”.

Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Tiền Giang cho biết, tôm nuôi chết trên diện rộng thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, chế biến và xuất khẩu mà còn ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông dân. Có không ít hộ nuôi tôm đang đối mặt với những món nợ lớn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, hiện toàn tỉnh có trên 1.100 hộ nuôi tôm bị thiệt hại với diện tích lên trên 1.400 héc ta, tập trung nhiều nhất ở các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh xảy ra trên tôm, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã ra quyết định ngưng thả nuôi mới để khống chế dịch bệnh tiếp tục lan rộng.

Từ đầu năm đến nay, dịch tôm cũng đã bùng phát và gây hại ở nhiều địa phương khác của ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau với diện tích lên đến hàng ngàn héc ta, đẩy người nuôi tôm rơi vào cảnh lỗ nặng. Tại Cà Mau tình hình tôm nuôi bị thiệt diễn biến rất phức tạp khi diện tích bị thiệt hại liên tục tăng lên và hiện lên con số trên dưới 600 héc ta.

Có thể bạn quan tâm

Rộn Ràng Mùa Gặt Rộn Ràng Mùa Gặt

Vào những ngày giữa tháng Ba, trên nhiều cánh đồng ở các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Tư Nghĩa, chúng tôi bắt gặp không khí lao động hăng say, sôi nổi của bà con nông dân đang thu hoạch lúa.

14/04/2014
Trao Giấy Chứng Nhận VietGAP Cho HTX Rau An Toàn Rỗng Tượng Trao Giấy Chứng Nhận VietGAP Cho HTX Rau An Toàn Rỗng Tượng

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Gò Dầu cùng với lãnh đạo xã Thanh Phước vừa tổ chức lễ trao giấy chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Rỗng Tượng.

14/04/2014
Tiếp Vốn Cho Doanh Nghiệp Đầu Tư Nông, Lâm Nghiệp Tiếp Vốn Cho Doanh Nghiệp Đầu Tư Nông, Lâm Nghiệp

Đó là Quỹ Xúc tiến đầu tư nông lâm nghiệp (APIF) thuộc Dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp ở Bắc Kạn (3PAD).

15/04/2014
Nông Dân Cần Liên Kết Trong Sản Xuất Nông Dân Cần Liên Kết Trong Sản Xuất

Đó là phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường khi lên thăm làng nghề làm giấy bản truyền thống tại thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, Hà Giang, chiều 14.4. Đây là làng nghề mà Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội) cho vay vốn đầu tư.

15/04/2014
Mía Tắc! Mía Tắc!

Trong bối cảnh "thắt tải trọng”, không chỉ có nông dân long đong mà các nhà máy đường cũng đang khốn khó vì ách tắc hoạt động.

15/04/2014