Niềm Vui Với Khoai Mì Vùng Bảy Núi

Khác với tình hình rớt giá thê thảm của các loại nông sản khác dịp trước, trong và sau Tết, nông dân hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) đang rất phấn khởi trong vụ thu hoạch khoai mì được mùa, được giá.
Các nhà nông cho biết, vụ khoai này là lứa để lại từ vụ trước, mục đích chờ giá lên mới thu hoạch. Trước Tết, 1 tạ khoai mì (73kg) có giá 115.000 đồng thì hiện nay, đã lên đến 130.000 đồng. Cô Huỳnh Thị Anh (53 tuổi), ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo (Tịnh Biên), cho biết: “Đợt khoai mì bán trước Tết vừa rồi, 2 héc-ta rẫy của tôi cho năng suất trên 50 tạ/công (trên 3,5 tấn), với mức giá 155.000 đồng/tạ, trừ chi phí, tôi còn lời gần 4 triệu đồng/công”.
Khoai mì được bà con nông dân miền núi trồng phổ biến là loại khoai công nghiệp (bà con hay gọi là khoai mì Nhà nước). Theo nông dân, đây là loại rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có thể chịu được sự khô cằn của thổ nhưỡng trong vùng, chi phí sản xuất thấp (trung bình từ 1,5- 2 triệu đồng/công) nên các hộ gia đình ít vốn cũng có thể tạo thu nhập nhờ trồng loại cây này. Ngoài ra, loại cây này còn thích hợp trồng xen canh với các cây trồng khác, như: Vú sữa, xoài, mãng cầu ta… nhằm lấy ngắn nuôi dài và hạn chế cỏ dại.
Điều kiện miền núi vốn đất đai khô cằn, thiếu nước tưới tiêu, kèm với khí hậu thất thường nên cây khoai mì được trồng vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4 âm lịch) và bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng chạp.
Anh Nguyễn Văn Minh (34 tuổi), ngụ ấp Tà Lọt, với hơn 6 năm kinh nghiệm trồng khoai mì trên vùng đất thiếu nước này, cho biết: Công đoạn đầu tiên của việc trồng khoai mì là làm đất. Đất được dọn sạch cỏ, cày sâu 20-25cm, bừa 2-3 lượt để tạo độ tơi cho đất, sau đó tạo luống để trồng cây. Cây giống là những cây của vụ trước được cắt thành từng đoạn dài từ 10- 15 cm. Được trồng theo tỉ lệ: Cây cách cây 50 cm, hàng cánh hàng 1m. Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch chỉ bón phân 2 lần.
Lần thứ nhất sau khi trồng 2 tháng, lúc này, nông dân thường lấy đất đắp lên phần luống, sau đó bỏ phân vào và tiến hành đắp đất một lần nữa. Công đoạn trên được bà con gọi là “ốp máng”. Đến tháng 8-9 âm lịch, bắt đầu “ốp máng” một lần nữa rồi dứt phân chờ đến ngày thu hoạch.
Cũng theo anh Minh, đợt khoai mì vừa rồi, do nhiều nhà vườn thu hoạch đồng loạt dẫn đến khoai mì có giá không cao, nên gia đình anh để sau Tết mới thu hoạch. Hiện nay, khoai mì đang có giá 130.000 đồng/tạ, với 2,5 công khoai mì anh trồng, năng suất trên 50 tạ/công, trừ chi phí, anh còn lời gần 5 triệu đồng/công.
Ngoài việc tăng thu nhập cho bà con nông dân miền núi, cây khoai mì còn giúp cho hơn 100 lao động nông nhàn tại địa phương có thu nhập hằng ngày bằng việc tham gia thu hoạch khoai mì. Anh Trương Văn Thống (27 tuổi), ngụ ấp Ba Xoài, xã An Cư (Tịnh Biên) cho biết, từ mùng 7 Tết, anh đã bắt tay vào việc thu hoạch khoai mì cho các chủ vườn ở Tri Tôn, Tịnh Biên.
Bình quân mỗi ngày, anh có thu nhập trên 120.000 đồng từ việc nhổ khoai và di chuyển khoai lên xe. Cũng như anh Thống, chị Võ Thị Huệ cũng kiếm cho mình nguồn thu nhập 100.000 đồng/ngày. Số tiền tuy không lớn nhưng vẫn đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày của bà con vùng núi.
Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, ít tốn công, chi phí thấp… nên trong năm nay, nhiều nhà vườn ở Tri Tôn, Tịnh Biên tiếp tục chọn cây khoai mì làm cây chủ lực trên mảnh vườn của mình.
Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc có bước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, từ vị trí thứ 6 năm 2009 lên vị trí thứ 4 năm 2013. Dẫu vậy, đây không hẳn là tín hiệu vui.

Thêm một sản phẩm trong loạt 7 chủng loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang là sầu riêng Ngũ Hiệp vừa được Ban quản lý dự án QSEAP tỉnh này trao chứng nhận VietGAP.

Ngày 24-3, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (BCĐ NTM) tổ chức sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các bộ ngành và 19 tỉnh thành trong 3 khu vực tham dự hội nghị.

Dù có nhiều nước cùng xuất khẩu cá hồi như Chile, Canada… nhưng Na Uy chiếm 72% thị trường thế giới. Với chất lượng và nghệ thuật tiếp thị, các công ty của Na Uy đã thuyết phục được người tiêu dùng Nhật Bản, vốn rất khó tính, thay đổi suy nghĩ, sử dụng cá hồi nuôi Na Uy như món ăn không thể thiếu, thay vì trước đó chỉ sử dụng cá khai thác từ biển để chế biến các món ăn truyền thống.

Khánh Hòa hiện có 62 cơ sở đang nuôi chim yến, tập trung phần lớn tại TP.Nha Trang, với tổng đàn khoảng 26.000 con. Ngoài ra, tỉnh còn có 30 cơ sở nuôi mới hình thành, chưa có chim yến làm tổ.