Niềm vui từ trồng kim tiền thảo ở Yên Dũng - Bắc Giang

Tận dụng những vạt đồi, sườn núi, chân ruộng cao khó khăn về nước tưới, nông dân xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã đưa cây kim tiền thảo vào trồng tại địa phương. Sau vài năm, loại cây dược liệu này đã mang lại thu nhập cao cho các hộ.
Trước kia, những thửa ruộng trên cao của bà Đỗ Thị Duyên, thôn Thành Công, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng chỉ để cấy lúa, nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, 3 năm gần đây, bà Duyên chuyển sang trồng kim tiền thảo.
Tuy chỉ trồng 2 sào, nhưng mỗi vụ, bà Duyên thu lãi 13 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với cấy lúa. Bà Duyên tâm sự: "Kim tiền thảo chăm sóc dễ, chỉ cần năng nhổ cỏ, bón đạm, lân. Hơn nữa, không lo bị trâu, bò, chim, chuột phá hoại như một số cây trồng khác".
Kim tiền thảo là cây họ đậu được dùng làm nguồn dược liệu quan trọng để điều trị các bệnh như sỏi mật, sỏi thận, khó tiêu... Cây có tập tính sống theo dạng bò lan trên mặt đất, nên còn có tác dụng tái tạo, chống xói mòn, giữ nước và bảo vệ đất.
Năm 2010, các hộ dân ở thôn Thành Công và Quyết Tiến, xã Tiền Phong trồng kim tiền thảo với diện tích khoảng 7 - 8 ha. Nhận thấy giá trị kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với trồng lúa, nên số hộ trồng tăng dần ở những năm sau.
Đặc biệt, ở nơi đồi bãi, chân ruộng cao khó khăn về nước tưới rất phù hợp để trồng kim tiền thảo vì cây chịu hạn tốt. Hiện 7/7 thôn của xã đều trồng cây dược liệu này với tổng diện tích khoảng 50 ha, sản lượng đạt 600 tấn/năm, trong đó tập trung ở các thôn: Thành Công, Quyết Tiến, Bình An, An Thịnh.
Anh Lương Văn Vỹ, một hộ trồng kim tiền thảo ở thôn An Thịnh chia sẻ: "Kim tiền thảo được trồng từ tháng Ba đến tháng Tư dương lịch. Thời gian thu hoạch kéo từ tháng Sáu đến cuối tháng Chín và được chia thành nhiều đợt, không tốn nhiều công sức như cấy lúa. Kể từ khi trồng cây kim tiền thảo, gia đình tôi có thu nhập khá hơn trước".
Nhằm khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, ngoài ngân sách huyện hỗ trợ 100 nghìn đồng/sào đối với các hộ trồng từ 0,5 ha trở lên, UBND xã tổ chức tập huấn kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch cây kim tiền thảo cho các hộ.
Cùng đó, để nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất canh tác, bà con trồng xen hành với kim tiền thảo. Theo tính toán, mỗi sào hành, nông dân thu lãi 4 - 5 triệu đồng.
Hiện trên địa bàn xã Tiền Phong có Công ty Dược phẩm Bắc Giang OPC đứng ra thu mua kim tiền thảo. Trung bình, nếu thuận lợi, 1 kg tiền thảo phơi khô giá từ 12 - 15 nghìn đồng. Thời điểm hiện tại, do tác động của thị trường, giá kim tiền thảo thấp hơn 3 - 4 nghìn/kg so với năm 2014, song vẫn mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân.
Ông Phạm Văn Tại, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ có chân ruộng cao, sườn đồi, khó khăn về nước chuyển dần diện tích sang trồng kim tiền thảo. Đồng thời, giúp đỡ các hộ kỹ thuật trồng chăm sóc, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Từ mô hình trồng kim tiền thảo ở xã Tiền Phong, gần đây, một số xã khác của huyện Yên Dũng như Tân An, Yên Lư, Tiến Dũng, Đồng Việt, Đồng Phúc, Xuân Phú, Nham Sơn, Đức Giang cũng đưa vào trồng. Kim tiền thảo được UBND huyện Yên Dũng xác định là một trong những cây trồng hàng hóa.
Tuy nhiên, để kim tiền thảo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn và có tính bền vững, rất cần sự quan tâm phối hợp của các cấp chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp, nhất là khâu tiêu thụ. Qua đó, giúp nông dân yên tâm sản xuất và tăng thêm nguồn thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu suất, giá trị và lợi nhuận cho nông dân đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện. Theo các nhà chuyên môn, trong hoàn cảnh giá lúa bấp bênh, tình hình xuất khẩu gạo gặp khó thì việc giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây khác là vấn đề cấp bách. Song, việc trồng cây gì, bán ở đâu, ai mua, giá bao nhiêu,... vẫn là bài toán nan giải.

Chỉ bằng nghề trồng chuối tây, hàng trăm hộ dân ở xã Kim Bình (huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) đã có thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ trở lên. Chuối tây ở Kim Bình giờ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng và giá cả ổn định.

Không để cái nghèo đói đeo bám khi quanh năm gắn bó với ruộng nương, lão nông Păng Ting Sin đã mạnh dạn chuyển đổi canh tác cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và ông đã thành công với 1ha hoa hồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

"Tôi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm bền vững trên vùng cát nên mới tự tin “dốc” hết vốn liếng, nhân lực để cải tạo và tổ chức sản xuất. Giờ đây, vùng này đã trở thành điểm nuôi trồng thủy sản trù phú bậc nhất của tỉnh Ninh Thuận…”

Mục tiêu của TP.Hội An là phát triển nông nghiệp xanh và sạch để làm động lực cho phát triển bền vững ngành thương mại - du lịch trong những năm tới.