Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm Vui Lúa Cuối Vụ

Niềm Vui Lúa Cuối Vụ
Ngày đăng: 11/08/2014

Giống như các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, hiện nông dân Hậu Giang cũng rất phấn khởi khi giá lúa Hè thu liên tiếp tăng trong những ngày qua. Bên cạnh niềm vui, có không ít bà con cảm thấy tiếc nuối vì đã bán lúa trước đó. 

Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ. Khác với thời điểm cách nay khoảng một tháng, hiện tình hình tiêu thụ lúa rất thuận lợi khi giá tăng, thương lái đẩy mạnh thu mua.

Giá liên tục tăng

Huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp là 2 địa phương còn lại của tỉnh có lúa Hè thu trong thời kỳ thu hoạch. Theo nhận định của thương lái đang mua lúa ở 2 địa phương trên, chưa năm nào lại thấy lúa Hè thu đảo chiều tăng mạnh liên tục như năm nay. Vào thời điểm thu hoạch rộ (khoảng giữa tháng 6) giá lúa rớt mạnh từ 300-400 đồng/kg, xuống còn 4.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn 3.800 đồng/kg.

Thế nhưng, từ đầu tháng 7 đến nay, giá lúa đảo chiều và đã tăng gần 1.000 đồng/kg, đang ở mức 4.600-4.700 đồng/kg đối với lúa tươi (cắt máy) giống IR 50404 mua tại ruộng, còn lúa hạt dài là 5.000-5.100 đồng/kg; nếu bán lúa khô, giá cao hơn từ 1.000-1.100 đồng/kg.

Nông dân xã Vĩnh Viễn đang đẩy mạnh thu hoạch lúa Hè thu cuối vụ.

Hiện nay, cánh đồng lúa tại ấp 5, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đang vào mùa thu hoạch rộ cũng là lúc giá lúa không ngừng tăng, làm cho nhiều nông dân nơi đây rất phấn khởi.

Vừa bán xong 6 công lúa (giống OM 5451) với giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công, bà Nguyễn Thị Thắm vui vẻ cho biết: “Bán được giá như hiện nay, gia đình nào cũng mừng vì có được nguồn lợi nhuận để trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu và mua lại để sản xuất vụ sau.

Cứ tưởng lỗ vì đầu vụ tới giờ giá cứ liên tục bấp bênh, đôi khi còn rớt thảm, nhưng không ngờ lại tăng đúng vào dịp lúa thu hoạch”.

Có chung niềm vui, ông Huỳnh Văn Hải, nông dân ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nhờ bán lúa giá cao nên phần nào cứu vãn được tình thế khó khăn. Bởi trước đó, do trời mưa liên tục nên lúa bị đổ ngã, việc thu hoạch gặp bất lợi và tốn nhiều chi phí”. Hiện, ông Hải cũng vừa thu hoạch xong 6 công lúa (giống IR 50404), bán với giá 4.600 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận mà ông thu về khoảng 30%.

Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho hay: Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch gần 17.000/19.700ha lúa Hè thu, diện tích còn lại chủ yếu ở xã Hòa An, Phương Bình, Hòa Mỹ,… Nếu so với thời điểm đầu vụ thì tình hình tiêu thụ lúa trong lúc này khởi sắc hơn. Đây là điều mà chúng tôi cảm thấy mừng vì người dân bán lúa được giá, có nguồn lợi nhuận đáng kể để tái đầu tư cho mùa vụ sau.

Theo nhận định của cánh thương lái, nguyên nhân giá lúa Hè thu tăng mạnh trong những ngày qua là do thị trường xuất khẩu gạo trong nước được cải thiện đáng kể so với những tháng đầu năm. Hiện có không ít doanh nghiệp ký được hợp đồng với đối tác với số lượng lớn, nhất là các đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia và Philippines.

Ngoài ra, tình hình xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch đang tăng mạnh nên nhiều doanh nghiệp vừa đẩy mạnh chế biến xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới vừa tăng cường xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Dự báo từ nay đến cuối vụ thu hoạch, lúa Hè thu nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá do nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường các nước trên thế giới cần số lượng lớn.

Hết nguồn cung

Vụ lúa Hè thu 2014, toàn tỉnh xuống giống được 77.170ha, hiện nông dân đã thu hoạch gần 66.000ha, ước năng suất bình quân khoảng 5,6 tấn/ha. Do đang vào thời điểm cuối vụ thu hoạch nên giá lúa tuy có tăng nhưng không mấy nông dân của Hậu Giang được hưởng niềm vui vì diện tích và sản lượng lúa còn lại trên địa bàn tỉnh rất ít.

Ông Lương Văn Ngôn, ở ấp 5, thị trấn Long Mỹ, chia sẻ: “Giá lúa tăng lại cũng không có bao nhiêu người được lợi. Bởi, cách đây khoảng một tháng, khi thu hoạch xong là tôi và bà con ở đây đã bán luôn lúa tươi tại ruộng hết rồi. Khi đó, lúa OM 5451 chỉ có giá 4.600 đồng/kg, tính ra chỉ huề vốn vì một phần do năng suất lúa lúc đó cũng không cao”.

Theo bà con nông dân, khác với thời điểm cách nay khoảng một tháng, khi người dân tìm “mỏi mắt” cũng rất ít thấy bóng dáng thương lái, nhưng thời điểm này lại xuất hiện khá nhiều. Để cạnh tranh và có được lúa, các thương lái sẵn sàng đặt tiền cọc trước với người dân và người sau thường cao hơn người trước từ 50-100 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Thắm, ở ấp 5, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết thêm: “Do tôi lấy tiền cọc cách nay khoảng 5 ngày nên có giá 5.000 đồng/kg, riêng những hộ mới nhận cọc thì được nâng lên 5.100 đồng/kg. Việc thương lái đang tranh nhau mua lúa nên bà con thu hoạch đến đâu là bán hết lúa tươi đến đó, ít có trường hợp vựa lại”.

Bên cạnh việc tiếc nuối khi diện tích lúa còn lại không nhiều, hiện người dân còn xót lòng vì năng suất lúa vụ này bị giảm do đổ ngã vì ảnh hưởng đợt mưa bão vừa qua. Ông Lê Văn Ô, ở cùng ấp 5, xã Vĩnh Viễn, thông tin: “Vụ Hè thu năm trước, năng suất lúa của tôi đạt đến 850kg/công, còn vụ này chỉ 700kg/công vì bị thất thoát trong thu hoạch do lúa đổ ngã trước đó. Đã lâu rồi, giá lúa mới cao như năm nay, nhưng vì năng suất thấp nên ảnh hưởng đến nguồn lợi nhuận, tính ra thấy tiếc lắm”.

Trước tình hình giá lúa có nhiều khởi sắc theo hướng có lợi cho nông dân và được dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, trong khi Hậu Giang không còn nhiều lúa Hè thu. Chính vì vậy, giải pháp hiện nay là ngành nông nghiệp tỉnh đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục chăm sóc, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại trên các trà lúa Thu đông, đảm bảo lúa đạt chất lượng khi thu hoạch để bán giá cao.

Trong đó, cần tập trung cho khoảng 12.000ha lúa ở giai đoạn làm đòng - trổ chín, đặc biệt gần 2.000ha đang trổ chín ở huyện Vị Thủy và Châu Thành A…


Có thể bạn quan tâm

Thực Hiện Các Biện Pháp Cấp Bách Kiểm Soát Tồn Dư Hóa Chất Kháng Sinh Trong Sản Xuất Và Xuất Khẩu Thủy Sản Thực Hiện Các Biện Pháp Cấp Bách Kiểm Soát Tồn Dư Hóa Chất Kháng Sinh Trong Sản Xuất Và Xuất Khẩu Thủy Sản

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn yêu cầu các ngành hữu quan tỉnh đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản theo tinh thần Chỉ thị số 10318 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

26/01/2015
Tôm Hùm Đứng Giá Tôm Hùm Đứng Giá

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba, xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa), cho biết: Nếu như mọi năm càng gần tết, giá tôm hùm thương phẩm càng tăng mạnh, thì khoảng 2 tháng nay giá tôm hùm vẫn đứng ở mức trên, thấp hơn thời điểm này năm ngoái từ 200 - 300 ngàn đồng/kg. Nhiều người nuôi tôm hùm vẫn tiếp tục chăm sóc đợi giá nhích lên mới xuất bán.

26/01/2015
Ninh Thuận Nuôi Tôm Nước Lợ Theo Kỹ Thuật VietGAP Ninh Thuận Nuôi Tôm Nước Lợ Theo Kỹ Thuật VietGAP

Tỉnh Ninh Thuận có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Tổng diện tích thả nuôi hiện nay là 1.040 ha; trong đó, tôm sú 40 ha, tôm thẻ chân trắng 1.000 ha, tổng sản lượng đạt gần 9.000 tấn/năm. Nghề nuôi tôm nước lợ đang ngày càng phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Tuy nhiên, điểm hạn chế là vẫn còn nhiều hộ sản xuất mang tính tự phát, nhỏ lẻ nên khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng tôm thịt thấp.

26/01/2015
Nông Dân Vĩnh Châu Băn Khoăn Trước Vụ Nuôi Tôm Năm 2015 Nông Dân Vĩnh Châu Băn Khoăn Trước Vụ Nuôi Tôm Năm 2015

Do ở vụ nuôi năm 2014, thời tiết diễn biến phức tạp, nên bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm xảy ra khá nhiều, làm cả vụ nuôi có gần 50% diện tích bị thiệt hại. Cho nên vụ nuôi này bà con vẫn rất lo lắng về chất lượng con giống, môi trường ô nhiễm và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

26/01/2015
Ngư Dân Mỹ An “Trúng” Tôm Hùm Giống Ngư Dân Mỹ An “Trúng” Tôm Hùm Giống

Từ tháng 11.2014 đến nay, ngư dân xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã đánh bắt được trên 45.000 con tôm hùm giống (THG) các loại, tăng gấp 3 lần so với cùng vụ năm trước, cao nhất từ trước tới nay ở địa phương. Trong đó, chủ yếu tôm sao, chiếm trên 90%.

26/01/2015