Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Niềm Tin Và Đồng Thuận

Niềm Tin Và Đồng Thuận
Ngày đăng: 09/09/2014

Chương trình 135 có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, làm thay đổi điều kiện sống trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình này không chỉ làm chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về lao động, sản xuất, học hành của con cái, mà còn đổi mới diện mạo chung của các ấp đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện với 4 dự án: hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng. Bên cạnh đó, Chương trình 135 giai đoạn này cũng có chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 của tỉnh từ năm 2009-2014 là trên 60 tỉ đồng.

Qua 5 năm triển khai, Chương trình 135 đã mang lại nhiều kết quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trong vùng đồng bào dân tộc. Nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình 135, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã vươn lên trong cuộc sống, thoát cảnh đói nghèo.

Gia đình của chị Thị Kiển Tiên, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, là một trong những hộ Khmer được thụ hưởng chính sách từ Chương trình 135 và làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Với số tiền vay 8 triệu đồng để phát triển sản xuất cuối năm 2013, chị Kiển Tiên bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi ở gia đình. Mới đầu, chị nuôi chỉ vài chục con vịt, nhưng đến nay qua nhiều lần thu lợi nhuận, đàn vịt, gà của chị đã trên 800 con. Chị Kiển Tiên nói: “Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình tôi hiện đã thoát nghèo.

Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển mô hình chăn nuôi này để thoát nghèo bền vững. Trách nhiệm của chúng tôi khi nhận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì phải cố gắng làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích”. Ngoài được vay vốn phát triển sản xuất, gia đình chị Kiển Tiên còn được hỗ trợ vay vốn chuộc đất, vay vốn sử dụng nước sạch.

Chương trình 135 đã góp phần xóa đói, giảm nghèo đáng kể trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như cuối năm 2010, trên địa bàn huyện Long Mỹ, trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51% với trên 1.220 hộ và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm gần 28,2% với 464 hộ, thì đến năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo còn 38,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,64%. Bình quân hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giảm từ 2-3%.

Theo ông Võ Thành Tài, Trưởng phòng Dân tộc, huyện Long Mỹ: “Chương trình 135 đã góp phần giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên rõ nét. Từ năm 2009- 2014, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 của huyện là 45 tỉ đồng, đã giải quyết được nhu cầu thiết yếu về cầu, đường, ăn, ở, học hành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn đến với từng hộ dân không lớn, nhưng có ý nghĩa kích thích họ phát triển sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân duy trì và phát huy những mô hình hiệu quả”.

Mặc dù tổng số vốn đầu tư thực hiện Chương trình 135 chỉ hơn 6 tỉ đồng (từ năm 2010 đến năm 2013), nhưng sự đầu tư này đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Thành A.

Ông Nguyễn Thành Thơm, Trưởng phòng Dân tộc, huyện Châu Thành A, cho biết: “Chương trình 135 đã thật sự nhận được sự đồng thuận từ phía đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể so với những năm trước, con em của họ được học hành nhiều hơn. Đường sá, cầu, chùa được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số đi lại thuận tiện”.

Tuy nhiên, theo ông Thơm, quá trình thực hiện Chương trình 135 vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nhân lực Phòng Dân tộc của huyện rất ít và không có cán bộ ở cấp xã, thị trấn nên khâu triển khai, giám sát còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra, vì đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có tư liệu sản xuất và chỉ sống bằng nghề làm thuê, làm mướn.

Hiện nay, tỉnh đang thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III với tổng dự toán kinh phí thực hiện đến năm 2020 là trên 64 tỉ đồng.

Trong đó, thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất với các hoạt động bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình.

Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở và hỗ trợ các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.


Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ thả vườn Thu nhập cao nhờ nuôi gà lai Hồ thả vườn

Mô hình nuôi gà lai Hồ của gia đình anh Đoàn đã mở ra hướng mới cho nông dân nơi đây, nhất là khi khuyến nông tỉnh Bắc Giang đang tích cực nhân rộng chăn nuôi

17/10/2019
Nuôi côn trùng 'đẻ trứng vàng' Nuôi côn trùng 'đẻ trứng vàng'

Chỉ cần tận dụng phụ phẩm rau, củ, quả, xác động vật, những thứ bỏ đi của các phế phẩm là nuôi được loài côn trùng đẻ ra trứng đem về lợi nhuận tốt.

18/10/2019
Thu tiền tỷ từ sản xuất giống nhuyễn thể Thu tiền tỷ từ sản xuất giống nhuyễn thể

Trại giống của anh Trần Văn Vỵ ở số 136, đường Chi Lăng, P.12, TP Vũng Tàu chuyên sản xuất con giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ mỗi năm thu lãi cả tỷ đồng

22/10/2019
Nuôi ếch cùng cá, cho ăn tỏi và uống nước cỏ nồi thu cả trăm triệu tại Nghệ An Nuôi ếch cùng cá, cho ăn tỏi và uống nước cỏ nồi thu cả trăm triệu tại Nghệ An

Mô hình nuôi ếch bằng lưới kết hợp với thả cá và phòng bệnh bằng thảo dược đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành địa chỉ cho bà con địa phương học hỏi

23/10/2019
2 triệu đồng một kg chanh ngón tay 2 triệu đồng một kg chanh ngón tay

Chanh ngón tay của ông Anh vừa được một khách sạn 5 sao ở TP HCM đặt mua với giá 2 triệu đồng một kg.

25/10/2019