Niềm Tin Và Đồng Thuận

Chương trình 135 có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, làm thay đổi điều kiện sống trong mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình này không chỉ làm chuyển biến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về lao động, sản xuất, học hành của con cái, mà còn đổi mới diện mạo chung của các ấp đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Chương trình 135 giai đoạn II được thực hiện với 4 dự án: hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư, đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng. Bên cạnh đó, Chương trình 135 giai đoạn này cũng có chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 của tỉnh từ năm 2009-2014 là trên 60 tỉ đồng.
Qua 5 năm triển khai, Chương trình 135 đã mang lại nhiều kết quả trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống trong vùng đồng bào dân tộc. Nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình 135, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã vươn lên trong cuộc sống, thoát cảnh đói nghèo.
Gia đình của chị Thị Kiển Tiên, ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, là một trong những hộ Khmer được thụ hưởng chính sách từ Chương trình 135 và làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo. Với số tiền vay 8 triệu đồng để phát triển sản xuất cuối năm 2013, chị Kiển Tiên bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi ở gia đình. Mới đầu, chị nuôi chỉ vài chục con vịt, nhưng đến nay qua nhiều lần thu lợi nhuận, đàn vịt, gà của chị đã trên 800 con. Chị Kiển Tiên nói: “Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, gia đình tôi hiện đã thoát nghèo.
Chúng tôi sẽ cố gắng phát triển mô hình chăn nuôi này để thoát nghèo bền vững. Trách nhiệm của chúng tôi khi nhận được nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì phải cố gắng làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích”. Ngoài được vay vốn phát triển sản xuất, gia đình chị Kiển Tiên còn được hỗ trợ vay vốn chuộc đất, vay vốn sử dụng nước sạch.
Chương trình 135 đã góp phần xóa đói, giảm nghèo đáng kể trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như cuối năm 2010, trên địa bàn huyện Long Mỹ, trong đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 51% với trên 1.220 hộ và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm gần 28,2% với 464 hộ, thì đến năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo còn 38,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 18,64%. Bình quân hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của huyện giảm từ 2-3%.
Theo ông Võ Thành Tài, Trưởng phòng Dân tộc, huyện Long Mỹ: “Chương trình 135 đã góp phần giúp đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nâng lên rõ nét. Từ năm 2009- 2014, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 của huyện là 45 tỉ đồng, đã giải quyết được nhu cầu thiết yếu về cầu, đường, ăn, ở, học hành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn vốn đến với từng hộ dân không lớn, nhưng có ý nghĩa kích thích họ phát triển sản xuất. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân duy trì và phát huy những mô hình hiệu quả”.
Mặc dù tổng số vốn đầu tư thực hiện Chương trình 135 chỉ hơn 6 tỉ đồng (từ năm 2010 đến năm 2013), nhưng sự đầu tư này đã góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Châu Thành A.
Ông Nguyễn Thành Thơm, Trưởng phòng Dân tộc, huyện Châu Thành A, cho biết: “Chương trình 135 đã thật sự nhận được sự đồng thuận từ phía đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đã giảm đáng kể so với những năm trước, con em của họ được học hành nhiều hơn. Đường sá, cầu, chùa được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số đi lại thuận tiện”.
Tuy nhiên, theo ông Thơm, quá trình thực hiện Chương trình 135 vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nhân lực Phòng Dân tộc của huyện rất ít và không có cán bộ ở cấp xã, thị trấn nên khâu triển khai, giám sát còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, tình trạng tái nghèo vẫn xảy ra, vì đa số hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có tư liệu sản xuất và chỉ sống bằng nghề làm thuê, làm mướn.
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III với tổng dự toán kinh phí thực hiện đến năm 2020 là trên 64 tỉ đồng.
Trong đó, thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất với các hoạt động bổ sung và nâng cao kiến thức phát triển kinh tế hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả; hỗ trợ giống, phân bón, vật tư phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế; hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi, cải tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình.
Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; hoàn thiện hệ thống các công trình bảo đảm cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở và hỗ trợ các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 134.000 tấn tiêu, thu về gần 900 triệu USD. Đây là giá trị cao nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam từ trước đến nay. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, sản lượng của vụ mùa tiêu năm 2014 này của cả nước tăng không nhiều. Nhưng do nguồn cung tiêu trên thế giới sụt giảm nên giá tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.

Những năm gần đây, khi hiệu quả kinh tế của cây nhãn tiêu Huế bị ảnh hưởng vì bệnh “chổi rồng”, nhiều nhà vườn ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã mở rộng diện tích trồng nhãn Ido (một giống nhãn Thái Lan) vì năng suất cao, đầu ra ổn định và kháng sâu bệnh tốt.

Bộ trưởng Công nghiệp ưu tiên Úc - ông Willem Westra Van Holthe cho biết, Bắc Úc hiện là nguồn xuất khẩu trâu duy nhất ở nước này và nhà chức trách bang rất nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các đối tác phía Bắc để thúc đẩy kinh doanh.

Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, Đồng Tháp chọn hướng đi mới là áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết”. Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ.

Tuy chỉ cách quốc lộ 20 vài cây số, nhưng đường vào vườn bưởi của ông Phạm Trí Việt ở ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại khá vất vả vì chỉ có con đường mòn đầy sỏi đá, lên dốc xuống đèo.