Những Tiền Đề Bảo Đảm Năng Suất Lúa Mùa

Ngay sau khi kết thúc gieo cấy hơn 36.000 ha lúa mùa, những ngày này nông dân các địa phương bắt tay ngay chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh giúp lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề quan trọng đạt năng suất, sản lượng đề ra.
Trao đổi với ông Dương Đức Hồng Tuấn, Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp& PTNT) được biết, từ đầu vụ mùa đến nay thời tiết diễn biến tương đối thuận với lượng mưa khá và rải đều trong các tháng đã tạo điều kiện cho nông dân gieo cấy lúa mùa nhanh, gọn.
Đến ngày 25-7, nông dân gieo cấy 36.453 ha lúa mùa, đạt 101,3% kế hoạch. Cơ cấu giống, trà có sự chuyển biến theo hướng mở rộng trà mùa sớm (lên gần 3%) để chủ động quỹ đất gieo trồng các cây màu vụ đông sớm, duy trì ổn định diện tích trà mùa trung với các giống lúa thuần, lúa hàng hóa chất lượng cao.
Để bảo đảm cho toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, ngay từ đầu vụ ngành Nông nghiệp chỉ đạo các Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bắc Ninh, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc và Nam Đuống cung ứng đủ lượng giống, vật tư, chủ động nguồn nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất. Ngành chỉ đạo các địa phương đôn đốc nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ, cấy lúa trong khung thời vụ, bón lót đầy đủ, bón thúc sớm, cân đối NPK để lúa nhanh bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh sớm.
Đồng thời chỉ đạo chuyên ngành bảo vệ thực vật đôn đốc nông dân phòng trừ ốc bươu vàng, chuột hại, bám sát diễn biến, tình hình sinh vật hại để hướng dẫn nông dân phòng, trừ kịp thời, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến sản xuất. Các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, tuyên truyền chính sách, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh các giống lúa mới, đẩy mạnh thanh kiểm tra thị trường vật tư nông nghiệp không để các sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất.
Nhận định diễn biến thời tiết có mưa tập trung từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8, đây là thời điểm lúa mới cấy chưa kịp bén rễ hồi xanh có nguy cơ xảy ra ngập úng nên ngay từ đầu vụ, ngành đã tập trung chỉ đạo 2 Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc và Nam Đuống chủ động bơm tiêu nước đệm, có các phương án phòng, chống úng kịp thời khi có mưa lớn xảy ra. Đến nay, hơn 32.000 ha lúa trà mùa sớm, mùa trung được chăm sóc, làm cỏ sục bùn, tỉa dặm, bón thúc đợt 1 tạo điều kiện cho lúa bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh hữu hiệu.
Có mặt tại xứ đồng Bãi Phượng, xã Phương Liễu (Quế Võ) chúng tôi được ông Ngô Văn Hùng, một trong những nông dân đang chăm sóc lúa cho biết: “Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 9 sào lúa, trong đó gần 3 sào ở trà mùa sớm, còn lại trà mùa trung. Do cấy đúng lịch thời vụ theo chỉ đạo của HTX, lại được bón thúc đầy đủ, kịp thời ngay theo phương châm: “Nặng đầu, nhẹ cuối” nên lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đang trong giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu. Tuy nhiên, qua theo dõi đồng ruộng. tôi nhận thấy dấu hiệu sâu cuốn lá, rầy nâu và rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, châu chấu… đã bắt đầu phát sinh”.
Theo ông Hà Quang Khiết, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Quế Võ, thời gian qua Trạm thường xuyên cử cán bộ theo dõi, bám sát đồng ruộng nắm chắc diễn biến của các đối tượng dịch hại trên đồng ruộng, qua đó khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ, thời gian tới Trạm sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp& PTNT, Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, biện pháp phòng, trừ sâu, bệnh đến bà con nông dân.
Từ nay đến cuối vụ vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, vì vậy thời gian tới nông dân cần tuân thủ nghiêm chỉ đạo của ngành Nông nghiệp. Bảo đảm đủ nước tưới, chủ động tiêu úng, làm cỏ sục bùn, bón thúc cân đối, thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu, bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, đặc biệt chú ý: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh vi rút hại lúa (lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá), bệnh đốm sọc vi khuẩn và bạc lá lúa, bệnh vàng lá sinh lý, bệnh khô vằn… bảo đảm cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề cho năng suất lúa sau này.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP), năm 2011 Chi cục Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm” tại xã Năng Khả, huyện Na Hang với diện tích 0,5 ha, số lượng cá giống thả nuôi là 10.000 con, có 10 hộ gia đình tham gia. Sau 5 tháng thực hiện mô hình đã cho hiệu quả kinh tế khả quan, mở ra hướng làm kinh tế mới cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản ở Na Hang.

Nằm trong “Chương trình khí sinh học dành cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Chương trình ứng dụng khí biogas an toàn sinh học được tổ chức thí điểm cho 22 hộ chăn nuôi gia súc ở xã An Nông, huyện miền núi Tịnh Biên, An Giang đã thành công.

Năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long lũ lớn, giá các loại rau màu tăng mạnh, người trồng màu lãi khá nên rất phấn khởi. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành – vùng trồng màu nổi tiếng tỉnh Tiền Giang, trong mấy ngày qua hầu hết các loại rau đều hút hàng, giá tăng gấp nhiều lần so với trước lũ

Tuy là năm đầu tiên triển khai thí điểm nhưng mô hình “vỗ béo” cua đồng ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã đem lại hiệu quả đáng kể. Nhiều hộ chỉ với 1.000m2 ao nuôi nhưng qua khoảng 5 tháng đã thu được lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng

Họ là cán bộ, chiến sĩ Hải quân Công ty Hải sản Trường Sa Đoàn 129. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, nuôi cá lồng ở Trường Sa góp phần quan trọng trong cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần bộ đội, khẳng định ý chí làm chủ biển đảo, bảo vệ Tổ quốc gắn với xây dựng kinh tế quốc phòng vững chắc.