Những sản vật đắt đỏ của Phú Quốc được săn lùng

Trao đổi với PV, lãnh đạo huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, những sản vật của "đảo ngọc" đóng góp nhiều giá trị kinh tế cao như hải sâm, hải mã, bào ngư..., sau nhiều năm khai thác đã ngày càng cạn kiệt, và đẩy giá tăng vọt.
1. Hải sâm
Là một trong những loài hải sản quý, có giá trị dinh dưỡng cao nên hải sâm được nhiều du khách cũng như người dân nơi đây săn lùng. Đặc biệt, với ngư dân ở xã Bãi Thơm, huyện đảo Phú Quốc, thì nghề đi săn hải sâm đem lại thu nhập cao.
Nếu cách đây vài năm, các thợ lặn chỉ cần chọn khu ghềnh đá là có khả năng bắt được hải sâm, nhưng hiện nay họ phải ra tận ngoài khơi xa, độ sâu 40-50m mới bắt được hải sản quý này khiến giá bán tăng cao và chênh lệch khá lớn từ 300.000 đến 900.000 đồng một kg tươi. Còn nếu qua chế biến giá lên tới 3-5 triệu đồng.
Thông thường, một chuyến ra khơi của thợ lặn săn hải sâm khoảng 10 - 15 ngày, cho thu nhập trung bình khoảng trên chục triệu đồng mỗi người.
Mới đây, giữa tháng 9, ở Phú Quốc, khoảng 2 tấn hải sâm đã bị sóng biển đánh dạt dày đặc vào các bãi biển Dinh Cậu, Cửa Lấp, Dương Tơ…
Nhiều gia đình bắt được cả trăm kg, bán tại chỗ với giá 60.000 - 80.000 đồng mỗi kg.
Hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính thức khiến hải sâm dạt vào bờ biển, nhưng giả thuyết đáy biển bị cày xới khiến xáo trộn môi trường sống làm hải sâm trồi lên để di cư hàng loạt đã được các chuyên gia nhắc đến.
2. Nấm linh chi rừng
Đây là một trong những thảo dược quý hiếm được người dân địa phương săn lùng vài chục năm nay, nhưng hiện đã không còn nhiều như trước.
Nếu trước đây mỗi chuyến đi "săn", người dân kiếm được cả tạ nấm thì nay hiếm lắm mới mang về được vài chục kg.
Nhiều vựa thu gom linh chi rừng ở Phú Quốc cho biết, thời gian gần đây loại nấm này rất hiếm, cả tháng mới có người mang hàng đến bán.
Vì có tuổi đời vài chục năm, lại ẩn sâu trong rừng già nên mỗi cây nấm nặng 30-40kg khiến nhiều đại gia săn lùng để mua.
Khoảng 10 năm trước, giá linh chi tươi chỉ có giá 18.000 - 20.000 đồng một kg.
Còn hiện tại, người đi rừng bán cho đầu mối với giá 80.000 đồng. Sau khi phơi khô, nấm bán cho người địa phương 250.000-300.000 đồng một kg, còn khách du lịch thì bán với giá 700.000 - 800.000 đồng.
Theo cơ quan quản lý huyện Phú Quốc, linh chi vài chục năm tuổi ở đây giờ chỉ có trong rừng sâu, có nơi quanh năm không nhìn thấy mặt trời, phải kiên nhẫn lắm mới tìm ra.
Thế nên, nhiều người dân nơi đây đã nghiên cứu trồng thành công loại nấm này giúp giá rẻ hơn nhiều lần. Tuy nhiên, du khách và người nước ngoài vẫn ưa chuộng và sẵn sàng chi số tiền lớn để mua cho được loại nấm rừng trên 30 năm tuổi.
3. Hải mã
Đã từ lâu đảo Phú Quốc nổi tiếng là nơi tập trung nhiều hải mã (cá ngựa), một sản vật quý, có thể dùng làm thuốc chữa bệnh trong đông y. Làng chài Hàm Ninh, xã Hàm Ninh được xem là nơi cung ứng hải mã nổi tiếng nhất.
Cách đây vài năm, một cặp hải mã còn sống có giá 50.000 đồng, thì nay một con đã có giá 100.000 đồng.
Riêng cá ngựa khô giá trên chục triệu đồng, thậm chí nếu không am tường, người mua chỉ mua được cá ngựa loại 2, loại 3.
Vì giá trị của sản vật này ngày càng gia tăng khiến nhiều ngư dân coi đây là một nghề mưu sinh.
Tại Phú Quốc, hải mã có thể tìm mua ở mọi nơi, từ chợ, cửa hàng cho tới lề đường, thậm chí là bán rong.
Theo các ngư dân, để bắt được cá ngựa, cần những người có kinh nghiệm lặn biển mới có thể bắt được loài vật bé nhỏ, dài như điếu thuốc và to chừng ngón tay này.
Chúng có cái đuôi khá dài để có thể dễ dàng bơi vào trong những khe đá nếu nhận thấy nguy hiểm. Vì vậy, thợ lặn phải có kinh nghiệm và có thêm nhiều dụng cụ hỗ trợ khác mới mong có thể bắt được chúng.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo huyện Phú Quốc cho biết, hiện cá ngựa chỉ còn xuất hiện ở khu vực vùng biển phía Đông và thường sống trên những thảm cỏ biển.
Do tâm lý cho rằng sản vật này tốt cho sức khỏe, đặc biệt là cho các quý ông mà nhiều người đổ đi khai thác khiến chúng không còn dồi dào như xưa, vì thế giá cả cũng trở nên đắt đỏ.
4. Bào ngư
Cũng không kém phần quý hiếm, bào ngư mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện đảo.
Vì lúc nhỏ, loại hải sản này sống gần bờ, nhưng càng lớn càng di chuyển ra xa ngoài biển sâu, có nhiều đá ngầm khiến việc khai thác cũng khó khăn hơn. Do đó, bào ngư càng có tuổi đời cao, sống ở sâu thì càng có giá.
Giá bào ngư biển sau khi chế biến, phơi khô tại Phú Quốc là 10 - 15 triệu đồng một kg, trong đó bào ngư cổ khiếu là loại đắt tiền nhất. Để bắt được loài hải sản này, ngư dân phải lặn sâu xuống biển, tách bào ngư ra khỏi đá ngầm.
Lãnh đạo Phú Quốc cũng cho biết, do bào ngư tự nhiên quý hiếm và số lượng không nhiều, do vậy người dân ở đây đã nghiên cứu và nuôi thành công loại này. Hiện giá bào ngư nuôi chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng một kg.
Thịt bào ngư là một khối cứng giòn, có mùi thơm ngon và rất bổ dưỡng, có tác dụng trong việc tăng khí, hạ nhiệt, bổ thận, chống suy nhược cơ thể.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình mủ cao su bị mất giá trầm trọng, hàng ngàn hộ dân trồng cao su tiểu điền ở khu vực Đông Nam bộ đang cầm cự, đắp đổi qua ngày để giữ lại vườn cao su - tài sản lớn nhất của họ. Nhiều hộ dân cũng đang băn khoăn, không biết sẽ trồng cây gì để thay thế cây cao su.

Hiện nay, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.700- 5.800 đồng/kg, lúa hạt dài khoảng 5.900-6.000 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg so tuần trước. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có giá khoảng 7.500-7.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.400-7.500 đồng/kg tùy chất lượng.

Trước đó, tại bến sông Thín Coóng, TP Móng Cái, lực lượng chức năng đã kiểm tra một đối tượng khả nghi. Khi kiểm tra, đối tượng đã bỏ trốn để lại 12 thùng carton chứa hơn 5.000 quả trứng vịt giống của Trung Quốc. Toàn bộ số trứng đã được Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 phối hợp với Trạm Thú y TP Móng Cái tổ chức tiêu hủy theo quy định.

Khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Nam Định với nhiều vùng sản xuất chất lượng cao như: Nam Hùng, Nam Giang (Nam Trực); Thành Lợi, Liên Minh (Vụ Bản); Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên); Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy)…

7 tháng đầu năm 2014, lượng hoa quả NK từ Trung Quốc ước giảm tới 50% so với cùng kỳ nhiều năm. Thay vào đó, hoa quả NK từ các thị trường có chất lượng cao đang có xu hướng tăng mạnh.