Những ngôi nhà yến tiền tỉ ở Quảng Ngãi

Mấy năm gần đây, Quảng Ngãi trở thành địa phương có số lượng người nuôi yến sào đông nhất cả nước. Hiện ở Quảng Ngãi có khoảng 200 gia đình nuôi yến sào tại nhà và đã đem lại hiệu quả tích cực.
Xây nhà cho yến ở
Trong căn nhà rộng 3 tầng của anh Nguyễn Ghi Ta, ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) lúc nào cũng rộn rã bởi những tiếng kêu của hàng ngàn con yến bay về.
Anh Ta cho biết năm 2008, trước khi đến với nghề làm yến, anh là một lái xe. Trong một lần chứng kiến người thân bị bệnh nặng nhưng nhờ yến sào mà qua khỏi. Tuy vậy, để mua được yến sào không đơn giản, mà giá lại rất cao. Từ đó, anh Ta quyết định đi tìm hiểu về cách nuôi loại yến sào này trên vùng quê Nghĩa Lâm. Anh Ta đi khắp các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuân… học hỏi về cách nuôi yến.
Sau một thời gian “bôn ba”, anh Ta gom góp tiền bạc được hơn 700 triệu đồng xây một ngôi nhà 3 tầng ngay tại trung tâm xã Nghĩa Lâm để nuôi yến. “Ban đầu họ hàng ai cũng khuyên không nên nuôi yên ở vùng núi non nhưng tôi vẫn kiên quyết làm và thu được hiệu quả bước đầu” - anh Ta phấn khởi.
Ngôi nhà yến được làm khá kỹ lưỡng với hai lớp tường gạch cho mát, hệ thống cách âm, cách nhiệt, máy phun sương tạo độ ẩm, hệ thống âm thanh giả tiếng chim yến, camera theo dõi… Tuy nhiên, mãi đến hai tháng sau khi nhà hoàn thành, mới có những con chim yến đầu tiên đến làm tổ. “Dần dần có nhiều con khác đến làm tổ. Đúng một năm sau, tôi thu hoạch những tổ yến đầu tiên được 100 gr và bán được 3 triệu đồng. Lúc đó tôi mừng đến chảy nước mắt” - anh Ta nhớ lại.
Đến năm 2012, nhà yến đã mang về cho anh Ta hơn 10kg tổ; năm 2013 tăng 20kg và năm 2014 vừa rồi thu hoạch đến gần 30kg yến tươi, thu về trên 300 triệu đồng. Hiện nay, ước tính đàn yến nhà anh Ta đã lên tới gần 10.000 con.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng
Cũng có đàn yến thuộc dạng lớn nhất nhì Quảng Ngãi, anh Nguyễn Văn Quý, ngụ Thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), cho biết nghề nuôi yến vốn hết sức khó khăn nhưng làm đúng cách, đúng kỷ thuật thì yến sẽ về làm tổ.
“Như gia đình tôi, lúc đầu dù đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây nhà nuôi yến nhưng chỉ một thời gian về làm tổ, yến đột ngột bỏ đi vì bị cú lợn vào quấy phá. Sau một thời gian đầu tư sửa chữa lại nhà, yến mới quay trở lại. Đến nay có khoảng 3.000 con yến về làm tổ, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng” - anh Quý cho biết.
Ông Nguyễn Văn Trung, một người nuôi yến lâu năm tại TP Quảng Ngãi, cho biết: “Đây là nghề đầu tư ban đầu vốn lớn nhưng khi có số lượng yến về ở nhiều, có thể đem lại thu nhập rất cao cho gia đình. Với mức giá như hiện nay khoảng 4 triệu đồng/100 gr yến sào, mỗi năm có thể đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có khoảng 200 gia đình nuôi yến sào ở nhiều địa phương khác nhau. Mỗi năm thu hoạch khoảng 2 tấn yến sào, đem doanh thu 100 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt; do nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối bị khô kiệt đã làm cho diện tích nuôi cá bị thu hẹp đáng kể và dịch bệnh cá bùng phát.

Cao su, cà phê đang lâm cảnh khó khăn về giá cả và thị trường, trong khi đó cây hồ tiêu lại đang được giá nên ở nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng ồ ạt trồng tiêu tự phát.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Sa Pa có 27 cơ sở nuôi cá nước lạnh (gồm cá tầm và cá hồi). Từ khoảng trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 6 do thiếu nước nên ở nhiều ao nuôi ươm, cá giống chết hàng loạt. Trong đó, nhiều nhất là các cơ sở ươm cá hồi giống.

Thêm vào đó là những báo động về dịch bệnh đe dọa và phương thức nuôi lạc hậu, không có sự kiểm soát. Tuy rằng nhiều xã vùng sâu, xa, cao của tỉnh vẫn còn bảo tồn giống lợn bản địa nhưng việc nuôi chỉ mang tính tự cung, tự cấp. Vấn đề xây dựng và giữ thương hiệu vẫn chưa được quan tâm để phát triển sản xuất một cách bền vững, hiệu quả.

Nhiều nông dân ở xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm - Vĩnh Long) cho biết, mô hình công nghệ sinh thái, trong đó việc trồng các loại hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ các loài côn trùng có ích phục vụ cho cây lúa rất có hiệu quả.