Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Những Cử Nhân Đại Học Làm Giàu Ở Quê Nhà

Những Cử Nhân Đại Học Làm Giàu Ở Quê Nhà
Ngày đăng: 19/09/2014

Anh Trần Quang Vinh, xã Xuân Trung (Xuân Trường) tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội; anh Nguyễn Danh Sáng, xã Giao Hà (Giao Thủy) tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), thay vì tìm chọn những Cty, doanh nghiệp lớn hay vào làm trong những cơ quan Nhà nước, 2 anh lại trở về quê hương mở xưởng sản xuất, xây dựng trang trại chăn nuôi, phát triển kinh tế làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nỗ lực vượt khó làm giàu

Sinh ra trong một gia đình “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Trần Quang Vinh được bố mẹ cố gắng cho ăn học để “bằng bạn, bằng bè”. Nỗ lực cố gắng học tập, năm 1997, Vinh đỗ vào Đại học Công nghiệp (Hà Nội) và theo học ngành may mặc, thiết kế thời trang. Tốt nghiệp năm 2001, lận lưng tấm bằng cử nhân, lặn lội đi tìm cơ hội việc làm từ Hà Nội rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh, Vinh may mắn được nhận vào một Cty may mặc của Nhật Bản.

Thỉnh thoảng về quê, Vinh nhận thấy, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, ngoài thời gian nông nhàn, nhiều phụ nữ phải rời quê đi làm ăn xa để kiếm thêm thu nhập chẳng được bao nhiêu. Làm được 2 năm, năm 2002, Vinh quyết định xin nghỉ về quê mở xưởng may túi xuất khẩu với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho chị em trong xã.

Mới đầu, nguồn vốn không có, diện tích nhà chỉ vỏn vẹn hơn 100m2 nên Vinh gặp nhiều khó khăn. Được bố mẹ động viên, anh em khuyến khích hỗ trợ, Vinh mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT và 150 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư mở xưởng sản xuất tại nhà.

Với số vốn vay, anh đầu tư mua 30 máy may công nghiệp, tuyển những phụ nữ trong xã vốn đã có tay nghề thêu ren vào làm việc. Đầu ra cho sản phẩm, anh nhận gia công cho các Cty đầu mối và liên hệ với Cty cũ trong Thành phố Hồ Chí Minh tìm thêm đối tác.

Với sự cần cù chịu khó học hỏi, cộng với kinh nghiệm và kiến thức đã có, cơ sở may túi xuất khẩu của Vinh ngày càng “ăn nên làm ra”. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh xuất trên 45 nghìn sản phẩm, đạt mức doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, cơ sở của Vinh đã tạo việc làm cho 25 lao động trực tiếp và trên 40 lao động gián tiếp, với mức lương bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Cử nhân làm trang trại

Nói đến anh Nguyễn Danh Sáng, xã Giao Hà (Giao Thủy), khắp làng trên xóm dưới không ai không thán phục nghị lực làm giàu của anh. Sinh năm 1985 trong một gia đình thuần nông, Sáng cũng được bố mẹ cố gắng cho ăn học thành tài. Năm 2007, tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Sáng lang thang cầm tấm bằng cử nhân đại học trên tay đi xin việc khắp nơi.

Nhưng đúng vào giai đoạn kinh tế khó khăn, 3 năm ở Hà Nội, nay làm Cty A, mai làm Cty B… nhưng chưa kịp khẳng định mình thì Cty cắt giảm nhân sự nên ý tưởng trụ lại Thủ đô mong đổi đời với Sáng gần như khép lại.

Năm 2010, trong một lần về quê thăm gia đình, Sáng thấy đồng đất quê hương bỏ hoang nhiều nên anh quyết định ở lại quê phát triển kinh tế. Đúng thời điểm đó, địa phương có chính sách khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế trang trại.

Sáng mạnh dạn xin nhận đấu thầu gần 1ha ruộng trũng, trồng lúa kém hiệu quả để đào ao thả cá trắm đen kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, chạy vạy mãi, Sáng mới vay được hơn 100 triệu đồng từ anh em, bạn bè. Được HND xã hỗ trợ, Sáng vay từ Ngân hàng NN và PTNT thêm được 200 triệu đồng.

Có vốn, anh tập trung đầu tư cải tạo ao nuôi, xây dựng chuồng trại nuôi 1.000 con ngan, vịt và trồng rau màu. Anh Sáng tâm sự: “Thấy mình về quê nuôi lợn, nuôi gà, vịt, đào ao thả cá, nhiều người cho mình là gàn dở. Nhưng mình không nói gì, quyết tâm chứng minh cho mọi người thấy sự lựa chọn của mình là đúng”.

Với nỗ lực vượt khó, đầu tư đúng hướng, trang trại của Sáng ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm, trang trại của Sáng xuất bán 10 tấn cá trắm đen và 60-80 tấn cá truyền thống các loại và hàng chục tấn ngan, vịt cho các thị trường Hà Nội, Nam Định… Trừ chi phí, bình quân mỗi năm, trang trại mang lại cho gia đình anh mức thu nhập 250-300 triệu đồng.

Anh Vinh, anh Sáng chỉ là một trong số hàng chục cử nhân đại học mang kiến thức đã được trang bị trong những năm tháng ở giảng đường đại học về xây dựng quê hương. Tâm sự với chúng tôi, anh Vinh, anh Sáng đều có chung một quan điểm, mỗi người đều có con đường lập nghiệp khác nhau song dù trong hoàn cảnh nào, ý chí và nghị lực quyết tâm vượt khó vẫn là chìa khoá của thành công.

Cùng với anh Vinh, anh Sáng, còn rất nhiều cử nhân đại học hiện đang ngày đêm bám đồng ruộng, trở thành những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi như anh Đỗ Văn Khương, cử nhân Đại học Thủy sản Nha Trang, xã Giao Thịnh (Giao Thủy) về quê xây dựng trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng nước ngọt, một hướng đầu tư bền vững, hiệu quả. Hay anh Nguyễn Văn Trường, cử nhân Đại học Nông nghiệp, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) với mô hình nuôi cá lóc bông…

Với họ, được đóng góp cho quê hương không chỉ là niềm vui, làm giàu cho chính mình và gia đình mà còn là trách nhiệm với quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Tìm giải pháp khắc phục meo nấm kém chất lượng Tìm giải pháp khắc phục meo nấm kém chất lượng

Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.

03/07/2015
Giá gừng giảm 20.000 đồng/kg Giá gừng giảm 20.000 đồng/kg

Năm 2015, toàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) xuống giống được 59ha gừng, tập trung nhiều ở các xã Phương Bình, Hòa An, Kinh Cùng và Hiệp Hưng… đến nay đã thu hoạch khoảng 4,5ha. Sau khoảng thời gian dài giá gừng đứng ở mức cao trung bình từ 40.000 - 45.000 đồng/kg thì đến nay giá gừng chỉ còn 25.000 đồng/kg, giảm khoảng 20.000 đồng/kg.

03/07/2015
Phú Yên tìm hướng phát triển bền vững cho rau an toàn Phú Yên tìm hướng phát triển bền vững cho rau an toàn

Nhiều năm nay, rau củ an toàn là một vấn đề được rất nhiều người tiêu dùng cũng như các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiện diện tích trồng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn rất hạn chế; người trồng rau chưa thực sự mặn mà đầu tư cho sản phẩm này.

03/07/2015
Bình Phước nặng tình với cây điều Bình Phước nặng tình với cây điều

Cách đây khoảng 5 năm, khi giá cao su tăng cao, nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đổ xô chặt điều trồng cao su. Nay, nhiều nông dân lại chặt cao su trồng tiêu, điều… trong khi các loại cây công nghiệp lâu năm đầu tư chi phí nhiều, chắc gì đến khi thu hoạch sẽ không có một loại cây khác lên ngôi. Hiểu được quy luật đó, từ nhiều năm qua, nhiều nông dân vẫn thủy chung với cây điều, làm giàu từ trồng xen trong vườn điều.

03/07/2015
Nuôi gà thu tiền tỷ Nuôi gà thu tiền tỷ

Anh Trần Văn Hiệu, ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là chủ của một trang trại chăn nuôi gà với doanh thu gần 3 tỷ đồng/tháng do mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.

03/07/2015