Nhu cầu tiêu thụ cá hồi, cá tầm Sa Pa tăng đột biến

Trưa 9-8, chúng tôi vào nhà hàng Anh Dũng - địa chỉ ẩm thực lớn ở trung tâm thị trấn Sa Pa hỏi giá thì được biết, một suất lẩu cá hồi có giá 650 nghìn đồng/kg, còn cá tầm khoảng 550 nghìn đồng/kg. Chúng tôi muốn chọn loại cá hồi to (loại 1,2 - 1,5 kg/con) nhưng nhà hàng không có, chỉ còn loại nhỏ, cỡ 0,7 - 0,9 kg/con. Nhân viên nhà hàng cho biết, cá hồi loại to từ 1,2kg hiện tại rất hiếm, nhà hàng phải mua cả cá “non” mới kịp đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách. Tham khảo thêm một số nhà hàng ở khu vực thị trấn thì giá cả cũng tương tự.
Nếu so với mùa hè năm trước, giá cá hồi tăng từ 100 - 120 nghìn đồng/kg và rất khan hàng, không có cá to. Theo ông Nguyễn Tiến Thành,Trưởng phòng kinh tế Sa Pa, đó là do cung không đủ cầu. Kể từ khi khánh thành tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (tháng 9-2014), lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng cao đột biến, nhất là vào mùa du lịch hè 2015. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, lượng khách đến Sa Pa trong sáu tháng đầu năm nay đạt khoảng 1,2 triệu lượt người, tăng hơn 20% so với cùng kỳ.
Đa số du khách đến Sa Pa, ngoài nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số bản địa thì đều muốn thưởng thức đặc sản cá hồi, cá tầm được nuôi tại Sa Pa, có hương vị đặc biệt hơn so với cá hồi, cá tầm nuôi ở nơi khác trong nước như: Sơn La, Lai Châu, Tam Đảo, Lâm Đồng… Do nhu cầu tiêu thụ cá tăng cao đột biến nên các cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm tại Sa Pa không đáp ứng đủ sản lượng, dẫn đến khan hiếm nguồn hàng, giá cả tăng cao.
Với thông tin này, chúng tôi tới tìm hiểu cơ sở nuôi cá hồi của ông Nguyễn Văn Thịnh, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa. Đây là một trong những cơ sở lớn, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 30 - 40 tấn cá hồi thương phẩm. Tại đây, có bảy ao nuôi, với tổng thể tích khoảng trên ba nghìn mét khối, có nguồn nước suối mát lạnh, từ trên khe núi đổ xuống. Tính trung bình, mỗi năm, ông Thịnh thả khoảng 40 nghìn con cá hồi, trừ chi phí cám nhập khẩu, công lao động và các chi phí khác còn thu lãi ròng hàng tỷ đồng. Ông Thịnh cho biết: Năm nay, giá cá hồi tăng cao, bán tại bờ ao là 320 - 350 nghìn đồng/kg, tăng từ 80 - 100 nghìn đồng/kg.
“Năm trước, chúng tôi chỉ bán được giá 200 - 230 nghìn đồng/kg, với loại cá có trọng lượng từ 1,2 kg/con trở lên; còn năm nay cá loại nhỏ 0,8 kg/con các chủ nhà hàng cũng mua hết. Năm nay không lo cá ế, bị ép giá mà lo không có cá để bán”, ông Thịnh phấn khởi.
Do các chủ nhà hàng “săn lùng” cá hồi loại to với giá rất cao, ông Thịnh đã dành riêng hai ao, với sản lượng khoảng 1,5 tấn cá để nuôi đạt trọng lượng tiêu chuẩn, xuất bán vào dịp nghỉ lễ 2-9.
Hiện nay, các nhà hàng chế biến cá hồi, cá tầm ở thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai đều rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp cá hồi loại tiêu chuẩn (từ 1,2 - 1,8 kg/con). Chỉ riêng có hệ thống nhà hàng Hồng Long là bảo đảm nguồn cá tiêu chuẩn, do có nguồn cung cá tin cậy từ xã Bản Khoang, huyện Sa Pa.
Dự báo khi cáp treo Phan Xi Păng ở Sa Pa hoàn thành, đi vào hoạt động (khoảng cuối năm 2015), lượng khách du lịch đến đây sẽ còn tăng cao, nhu cầu tiêu thụ đặc sản cá hồi, cá tầm bản địa sẽ rất lớn. Người nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa đang đứng trước cơ hội nâng cao thu nhập, hiệu quả kinh tế từ nghề này.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng kinh tế huyện Sa Pa cho biết: Sa Pa hiện có 21 cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm; với tổng thể tích nuôi khoảng 37 nghìn mét khối nước; tổng sản lượng năm 2014 là khoảng 230 tấn cá thương phẩm. Trong đó, khoảng 70% lượng cá tiêu thụ tại Sa Pa (các khách sạn, nhà hàng, quán ăn), 20% cung cấp cho thành phố Lào Cai, còn lại 10% cung cấp cho thị trường Hà Nội và một số nơi khác.
Đứng trước cơ hội lớn, giá cá tăng cao, tiêu thụ thuận lợi, Sa Pa tập trung tạo nguồn cung cấp giống tốt, bảo đảm thức ăn tiêu chuẩn để khai thác, sử dụng nguồn nước lạnh hợp lý, tập trung thâm canh nuôi cá hồi, cá tầm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cao, xây dựng thương hiệu “cá hồi Sa Pa”, nhằm nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người nuôi cá nước lạnh, đạt mục tiêu thu về từ 50 - 70 tỷ đồng trong năm 2015.
Có thể bạn quan tâm

Ngoài khó khăn do chi phí tăng cao, phải cho tàu nằm bờ, hiện các tập đoàn đánh cá lớn ở Hải Phòng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lao động nghề cá, đặc biệt là lao động có khả năng làm việc trên các tàu vươn khơi xa, khai thác tại vùng đánh cá chung trên vịnh Bắc bộ.

Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Bình Thuận (ACP) vừa phối hợp với Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất (CPTM&SX) Thái Việt Mỹ, hội thảo về ứng dụng chế phẩm sinh học Chitosan trong sản xuất thanh long. Đây là chuyên đề thuộc hợp phần A dự án ACP Bình Thuận, về tăng cường công nghệ nông nghiệp.

Hiện nay, người dân các tỉnh Tây Nguyên đang tiến hành thu hoạch sắn niên vụ 2011-2012. Niên vụ trước do giá sắn trên thị trường tăng cao, đã thu hút đông đảo người dân ở Tây Nguyên đổ xô trồng loại cây này, bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Nong nghiep, nong thon, nha nong, nong dan, khuyen nong

Những năm qua, việc mở rộng diện tích vải thiều sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được các cấp, các ngành và người dân trồng vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) quan tâm. Mặc dù sản phẩm vải thiều VietGAP chưa có thị trường tiêu thụ riêng nhưng sản xuất vải thiều VietGAP đã và đang trở thành xu thế tất yếu ở "kinh đô" vải thiều Lục Ngạn…

Tháng 5 trời nắng gắt, cá mú con vào rạn khá dày. Ngư dân vùng Gành Rái, xã Chí Công (Tuy Phong - Bình Thuận) được dịp giăng bẫy bắt mú con, thu nhập nhờ đó mà tăng khá.