Nhu Cầu Đường Tăng Khá

Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu tiêu thụ đường nội địa trong năm nay sẽ tăng khá so với năm ngoái.
Đến thời điểm này, ngành mía đường đã cơ bản kết thúc vụ ép 2013-2014 với sản lượng cao. Lượng đường tồn kho hiện vẫn còn rất lớn, nhưng với dự báo nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng khá, cộng với nhu cầu tiêu thụ những tháng hè tăng cao, đang giúp cho ngành mía đường giảm được lượng đường tồn kho và cải thiện giá bán ra.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 5 đã có 43/44 nhà máy đường trên cả nước kết thúc vụ ép, chỉ còn Nhà máy đường KCP vẫn còn tiếp tục ép mía. Tính từ đầu vụ đến 2/6, các nhà máy đường đã ép được 15.914.752 tấn mía, sản xuất ra 1.581.340 tấn đường.
Riêng đường sản xuất từ đường thô của Nhà máy Đường luyện Biên Hòa là 81.025 tấn, Nhà máy đường Biên Hòa – Tây Ninh là 4.920 tấn; Nhà máy Đường NIVL là 19.610 tấn. Như vậy, tổng sản lượng đường niên vụ 2013-2014 của nước ta đạt gần 1,6 triệu tấn.
Trong khi đó, thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu tiêu thụ đường nội địa trong năm nay sẽ tăng khá so với năm ngoái. Cụ thể, Bộ Công thương đã yêu cầu các DN chế biến thực phẩm có sử dụng đường báo cáo nhu cầu sử dụng đường năm 2014.
Báo cáo của các Cty này cho thấy, nhiều Cty đang có kế hoạch mở rộng sản xuất. Chẳng hạn Cty Tân Hiệp Phát mở rộng sản xuất tại nhà máy mới ở Hà Nam để tăng sản lượng các sản phẩm nước uống các loại thêm 10%.
Các Cty Orion, Cà phê Biên Hòa, RedBull, CocaCola, Nestle, Bibica … cũng nâng công suất sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, nước ngọt ... Do đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong năm 2014 dự báo sẽ vào khoảng 1,2 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2013.
Trong đó, các DN đăng ký khoảng 890.000 tấn đường tinh luyện cho kế hoạch sản xuất trong năm nay. Cho dù Hiệp hội Mía đường Việt Nam vẫn còn có chút nghi ngờ về nhu cầu tiêu thụ đường thực tế trong năm 2014, nhưng cho rằng so với năm ngoái, nhu cầu tiêu thụ đường trong năm nay trên thị trường nội địa sẽ tăng.
Tính đến đầu tháng 6, các nhà máy đường đã tiêu thụ được gần 1,5 triệu tấn đường (tính cả lượng đường từ niên vụ trước chuyển sang). Trong kho của các nhà máy vẫn còn tồn một lượng đường rất lớn là 608.919 tấn, tồn kho tại các Cty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 34.435 tấn.
Tuy vậy, với việc tiêu thụ đường trên cả nước đang vào lúc cao điểm, sẽ khiến cho lượng đường tồn kho sẽ giảm nhiều ngay trong tháng này. Mùa hè cũng là mùa thi cử, du lịch …, góp phần không nhỏ vào việc gia tăng mức tiêu thụ đường.
Vì thế, theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhiều khả năng đến cuối tháng 6, lượng đường tồn kho sẽ còn 500 ngàn tấn, giảm tới trên 100 ngàn tấn so với hồi đầu tháng.
Bên cạnh thị trường nội địa, thị trường Trung Quốc cũng đang góp phần ít nhiều vào việc làm giảm lượng đường tồn kho quá lớn hiện nay. Mặc dù đang có căng thẳng trên biển Đông và sản lượng đường 2014 ở Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 0,4 triệu tấn, nhưng việc XK đường tiểu ngạch sang nước này vẫn đang tiếp tục diễn ra bình thường. Không những thế, giá đường XK sang Trung Quốc từ giữa tháng 5 đã tăng thêm được 400-500 đ/kg so với trước đó, đang ở mức 13.800 đ/kg.
Ngoài ra, giá giao dịch đường kỳ hạn trên thị trường thế giới vẫn đang dao động quanh mức 470 USD/tấn (tại London). Những yếu tố nói trên được cho rằng sẽ có tác động tích cực cho việc cải thiện giá đường trong nước thời gian tới. Trong tháng 5 vừa rồi, giá đường kính trắng bán buôn đã tăng nhẹ khoảng 100-200 đ/kg, nhưng chủ yếu là do giá cước vận tải tăng.
Đến đầu tháng 6 này, giá bán buôn đường kính trắng trên thị trường Hà Nội là 13.100–13.700 đ/kg, tại miền Trung từ 12.800-13.100 đ/kg, tại TP.HCM 12.950–13.400 đ/kg. Giá bán sỉ tại các nhà máy ở miền Bắc từ 12.160–13.200 đ/kg, các nhà máy miền Trung – Tây Nguyên 12.355–13.500 đ/kg, các nhà máy ĐBSCL khoảng 13.000 đ/kg.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm hạn chế những thiệt hại do chuột gây ra, đảm bảo an toàn cho cây lúa đông xuân phát triển trong giai đoạn từ nay đến cuối vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột bằng các loại bẫy, ưu tiên dùng những loại bẫy bả sinh học để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

Theo lịch thời vụ, nuôi tôm nước lợ năm 2015 ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh sẽ được bắt đầu từ ngày 5.3.2015 và kết thúc vào ngày 30.9.2015. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Quảng Nam về công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong vụ mới này.

Xã Sơn Bua (Sơn Tây) có điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp để nuôi thủy sản. Vừa qua, huyện đưa cá tầm vào nuôi đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân ở xã vùng cao Sơn Bua.

Để ngành nông nghiệp thực sự là một trong những ngành chủ lực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, việc “làm mới” nông nghiệp đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Trong đó không thể chấp nhận kiểu làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mà phải chuyển sang mô hình lớn, hoạt động tập thể; đồng thời phải đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất. Có như vậy ngành nông nghiệp mới thực sự là “tứ trụ” trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Vì vậy, dồn điền đổi thửa là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh (chương trình) sau 4 năm triển khai, thực hiện đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn tỉnh.