Nhơn Lý Được Mùa Biển

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ngư dân xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn - Bình Định) đã ra khơi đánh bắt hải sản đạt sản lượng khá; giá hải sản cũng tăng, nên bà con ngư dân có thu nhập cao.
Xã Nhơn Lý có trên 55% số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Toàn xã có trên 332 tàu thuyền, trong đó có 14 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, số còn lại chuyên đánh bắt ở ngư trường trong tỉnh.
Thời gian trước và trong Tết Giáp Ngọ, biển động liên tục nên chỉ có các thuyền chuyên khai thác tôm hùm giống hoạt động, còn lại đều nằm bờ. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3 này, thời tiết tương đối thuận lợi, ngư dân Nhơn Lý đã bám biển khai thác hải sản đạt sản lượng khá cao; mỗi chuyến biển thu nhập từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
Ngư dân Phan Văn Sanh, ở thôn Lý Hòa, cho biết: Khoảng hơn tuần nay mực, ruốc, cá sòng, cá cơm mồm, cá cơm than xuất hiện dày, nên ngư dân trúng đậm. Riêng tui có ngày đánh trúng gần 200 két cá cơm (mỗi két khoảng 10-12kg). Giá hải sản cũng tăng khá: cá cơm mồm 500 ngàn đồng/két, cá cơm than 200 ngàn đồng/két, cá cơm ba lài 250- 300 ngàn đồng/két, mực 1,2 triệu đồng/két, cá hố 450 ngàn đồng/két, ruốc 300 ngàn đồng/két nên bà con có thu nhập khá. Tui trúng 3 chuyến thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ngư dân Võ Công Phượng, cũng ở Lý Hòa, bộc bạch: Chiều tối 3.3 ghe tui ra khơi bủa lưới kéo được 160 két cá cơm than, thu về 32 triệu đồng, trừ chi phí dầu nhớt, trả tiền bạn, cũng kiếm lãi hơn 20 triệu đồng.
Một số ngư dân đánh bắt gần bờ bằng thuyền thúng và thuyền nan có thu nhập 1 - 2 triệu đồng/ngày. Hiện toàn xã có khoảng 50 thuyền thúng và 8 thuyền nan. Mỗi thuyền thúng sắm cả ngư lưới cụ hết 5 - 10 triệu đồng, chỉ một người chèo ra biển chừng 500 m, đánh bắt gần các rạn san hô; còn thuyền nan làm mới và sắm ngư cụ khoảng 15 - 20 triệu đồng cho 2 người đi biển.
Biển được mùa, các cơ sở chế biến hải sản ở địa phương luôn nhộn nhịp. Anh Bạch Xuân Thao, một chủ cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu ở Nhơn Lý, cho hay: Mỗi ngày cơ sở tui thu mua, chế biến từ 5 tạ đến 1 tấn cá cơm mồm, giải quyết việc làm cho 8 lao động với thu nhập từ 100- 120 ngàn đồng/người/ngày. Công việc làm chỉ trụng cá vào nước sôi, sau đó đem phơi nắng rồi đóng gói.
Được biết, xã Nhơn Lý hiện có 12 cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu và 42 cơ sở chế biến nước mắm, giải quyết việc làm cho gần 250 lao động địa phương. Hàng năm, các cơ sở chế biến và tiêu thụ trên 50.000 lít nước mắm. Riêng sản lượng cá cơm đánh bắt được khoảng 2.500 - 3.000 tấn/năm, trong đó hơn 20% được đưa vào chế biến nước mắm.
Có thể bạn quan tâm

Ngay từ đầu năm 2014, các ngành của huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đã chỉ đạo các xã, doanh nghiệp và ngư dân ở các địa phương ven biển chủ động khắc phục khó khăn, tập trung chuyển đổi cơ cấu nghề, áp dụng các công nghệ mới vào khai thác thủy sản, góp phần nâng cao đời sống của bà con ngư dân.

Năm 2014, tỉ lệ thiệt hại trên tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng khá cao (trên 41%), tuy nhiên sản lượng vẫn đạt trên 80.000 tấn theo kế hoạch đề ra. Kết quả ấy là do người nuôi tôm đã chuyển đổi cơ cấu giống từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng một cách hợp lý.

Ngày đầu tuần tháng 1, sau chuyến đi biển cuối năm gặp trục trặc về máy móc, tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng ĐNa 90567 được ngư dân Trần Văn Mười cho lên đà bảo dưỡng. Phút rảnh rỗi, Trần Văn Mười tâm sự: “Tuy năm nay mất mùa mực, song giá mực cao hơn năm ngoái khoảng 25.000 đồng/kg, nên thu nhập cũng khá cao so với các nghề khác.

Sò huyết được nuôi xen canh với tôm, cua tại các vuông nuôi thủy sản vùng nước mặn của Cà Mau, tập trung nhiều ở huyện Cái Nước. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Nước thống kê cả huyện có trên 6.600ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.

Trước nhu cầu sử dụng các tuyến ống để phục vụ thoát nước thải và cấp nước mặn trong nuôi tôm chân trắng ở các xã ven biển huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), UBND tỉnh đã hỗ trợ trang cấp hơn 40 ngàn ống PVC các loại, 195 ống buy bê tông các loại và nhiều phụ kiện vật tư khác.