Nho Trung Quốc gắn mác nho Mỹ giá siêu rẻ, bán tràn lan ở vỉa hè

Tại TP HCM và các tỉnh, thành lân cận, hàng chục điểm bày bán nho với giá siêu rẻ. Những người bán thừa nhận, đây là hàng Trung Quốc nhưng đề bảng nho Mỹ cho dễ bán.
Khoảng 1 tháng nay, tại địa bàn TP HCM và Long An xuất hiện nhiều điểm bán nho Mỹ với giá chỉ 30.000 – 40.000 đồng/kg. Nhưng thực tế đây là nho Trung Quốc. Người bán chủ yếu tập trung tại các tuyến quốc lộ thuộc cửa ngõ TP HCM, Tân An (Long An) như quốc lộ 1A, 13.
Để thu hút khách mua hàng, người bán đã không ngần ngại treo biển nho Mỹ. Thử ghé vào một vài quầy trên tuyến quốc lộ 13, chúng tôi hỏi thăm nguồn gốc của loại nho này, ban đầu người bán cho rằng, đây là nho Mỹ.
Tuy nhiên, sau một hồi trò chuyện, biết chúng tôi lấy mối số lượng lớn để kinh doanh nước ép, anh Thảo - một người bán nho bật mí: “Nếu ở TP HCM tui sẽ cho số điện thoại của người quen ở Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức đến mua hàng. Giá rẻ hơn một nửa, tức 1 kg chỉ còn 15.000-18.000 đồng”.
Nho Trung Quốc gắn mác "nho Mỹ” được bán tràn lan trên thị trường thời gian qua.
Khi bị truy về nguồn gốc, người bán thật thà: “Thật ra đây là giống nho Mỹ nhưng được trồng ở Trung Quốc, nhập về Việt Nam nên có giá thấp.
Nho này được nhiều người bình dân mua lắm, vì ngọt mà rẻ”. Mỗi ngày, một điểm có thể bán được vài trăm kg nho, có rất nhiều người đi đường ghé mua. Theo người bán, sở dĩ họ chọn bán tại các cửa ngõ thành phố, tuyến quốc lộ vì nhắm tới đối tượng người nông thôn, lao động phổ thông.
Trao đổi với PV, đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, loại nho được gắn mác nho Mỹ, bày bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg trên các vỉa hè hiện nay thực chất là nho Trung Quốc, được tiểu thương trong chợ nhập về từ một công ty xuất nhập khẩu trái cây ở tỉnh Lào Cai.
Hầu hết các tiểu thương nhập loại trái cây này đều có hóa đơn chứng từ ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là Trung Quốc. Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng, tránh nhầm lẫn khi chọn mua mặt hàng trái cây này.
Cũng theo vị đại diện trên, người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt nho Trung Quốc với nho Mỹ bằng mắt thường, kể cả bằng vị giác.
Cụ thể, nho Trung Quốc có màu vỏ hơi nhạt, lớp phấn trắng bên ngoài, ăn có vị chua và nhiều hạt. Trong khi đó nho Mỹ thật trái to vừa phải, màu vỏ sậm hơn, ăn có vị ngọt đậm đà. Phần lớn nho Mỹ thật chỉ có 1-2 hạt trong trái, giá bán trong siêu thị hiện nay luôn ở mức trên 200.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm

Ở Dak Lak, ngoài diện tích cà phê, cao su, hồ tiêu... cho hiệu quả kinh tế cao, diện tích đất canh tác còn lại chủ yếu là trồng cây ngắn ngày như: lúa, ngô, đậu đỗ các loại. Các loại cây trồng ngắn ngày kể trên có nhiều hạn chế, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp - chỉ bình quân 20 triệu đồng/ha.

Sáng sớm, khi những giọt sương sa còn vương trên lá, bà con nông dân ở thôn Long Yên, xã Bình Long (Bình Sơn - Quảng Ngãi)- một trong những vùng trồng kiệu lớn nhất tỉnh đã ra đồng thu hoạch kiệu để kịp chiều giặt rửa bán tho thương lái. Đâu đâu cũng thấy người thu hoạch kiệu, giặt kiệu, cân kiệu. Những chiếc xe chở kiệu nặng trĩu nối đuôi nhau chạy trên khắp đường quê, ngõ xóm.

Vụ đông năm 2014 – 2015, huyện Bát Xát (Lào Cai) đưa cây lúa mỳ vào gieo trồng tại 8 xã là Mường Vi, Bản Xèo, Cốc Mỳ, Dền Thàng, A Lù, Nậm Chạc, Nậm Pung và A Mú Sung, với diện tích 50 ha.

Tràng Lương là xã miền núi của huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ở những khu vực trồng lúa kém hiệu quả, các hộ trồng thêm khoai, lạc, nhưng giá trị kinh tế không cao. Trước thực tế đó, anh Tạ Văn Chiến (SN 1986, ở thôn Linh Tràng, xã Tràng Lương) đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang phát triển trồng cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cây tiêu có mặt trên địa bàn huyện cách đây hơn chục năm, do một số người dân xã Cát Sơn trồng tự phát trên cây rừng, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất không cao. Gần đây, giá tiêu khá cao, 120 - 150 ngàn đồng/kg, nên phong trào trồng tiêu ở Phù Cát được đẩy mạnh.