Nhiều Triển Vọng Cho Xuất Khẩu Rau Quả

Lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt cột mốc gần 1,5 tỉ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2013. Kim ngạch mặt hàng này những năm tới sẽ còn cao hơn nữa bởi hiện các DN không chỉ xuất tươi mà còn tập trung chế biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng.
Xuất thô nên phụ thuộc vào thị trường gầnSố liệu thống kê cho thấy, các mặt hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào thị trường châu Á khi chiếm 7/10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, do châu Á là thị trường gần Việt Nam nên việc vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, những thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc hiện đã mở cửa lại cho rau quả Việt Nam nên DN có cơ hội mở rộng thị phần, tăng giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, những năm trước, DN chủ yếu tập trung xuất rau quả chưa chế biến nhưng nay đã có thêm một số DN đầu tư dây chuyền để làm ra những sản phẩm đóng hộp, đông lạnh phục vụ xuất khẩu.
Rau quả chế biến sâu không chỉ tăng giá trị mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh, giúp sản phẩm dễ dàng hơn trong việc vượt qua những rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu. Lý do bởi những sản phẩm ở dạng đóng hộp, đông lạnh thường không bị kiểm tra chặt về vệ sinh thực phẩm như sản phẩm ở dạng tươi.
“Mấy năm qua, rau quả tươi xuất sang EU như ớt, rau húng, quế, thanh long… thường xuyên bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo”, đại diện Vinafruit cho hay.
Điều này khiến lợi thế của một nước nhiệt đới có nhiều loại rau quả rất được các thị trường có khí hậu ôn đới như Bắc Á, châu Âu hay Bắc Mỹ ưa thích ở một khía canh nào đó đã không thể phát huy lợi thế.
Chế biến sâu để hướng đến thị trường xa
Để xuất vào những thị trường lớn, nhiều tiềm năng nhưng ở xa, cách duy nhất là phải chuyển hướng, giảm tỷ trọng xuất khẩu tươi, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng qua chế biến.
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, trước đây, DN xuất ở dạng tươi do thiếu vốn cũng như kinh nghiệm về phát triển thị trường. Nhưng vài năm trở lại đây, xuất khẩu rau quả khá thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước nên nhiều DN đã tích lũy đủ để đầu tư chế biến sâu theo hướng gia tăng giá trị. Đây chính là lý do tin tưởng trong những năm tới giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexcovn), đơn vị đang chiếm hơn 10% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiết lộ, nhằm hướng đến các thị trường xa, trong những năm qua, Vegetexcovn đã tập trung đầu tư vào chế biến. Năm 2014, mặt hàng rau quả đông lạnh chiếm 50%, rau quả đóng hộp chiếm 40%, sản phẩm tươi chỉ chiếm 10% các mặt hàng của công ty.
Tuy nhiên, muốn có được những hợp đồng xuất khẩu rau quả dạng đông lạnh hoặc chế biến đóng hộp, cách thứ nhất là DN tự tìm kiếm thị trường, cách còn lại là làm theo đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu. Với cách làm này, DN tiết kiệm được những chi phí về tìm hiểu thị trường, tiếp thị sản phẩm nhưng phải có khả năng nghiên cứu sản phẩm mới, đầu tư dây chuyền chế biến.
“Muốn được các nhà nhập khẩu đem hợp đồng đến thì các công ty phải có bộ phận nghiên cứu, phát triển sản phẩm có đủ năng lực, thậm chí chỉ cần nghe đối tác mô tả sơ qua về sản phẩm là phải làm được nếu không họ sẽ tìm đối tác khác”, ông Bình nói.
Diện tích rau quả trong nước khoảng 1.650 ha. Trong đó, rau khoảng 850.000 ha, sản lượng 14,5 triệu tấn; cây ăn quả trên 800.000 ha, sản lượng trên 7,5 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ rau quả chế biến sâu chiếm tỷ trọng thấp, chỉ có khoảng 10% rau quả xuất khẩu qua chế biến.
Hiện cả nước có trên 100 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất 300.000 tấn sản phẩm/năm. Trong số này, 50% sản phẩm chế biến là đóng hộp.
Các mặt hàng tiềm năng, thị trường thế giới có nhu cầu cao là: Rau quả tươi (Thanh long, bưởi, xoài, vải, chôm chôm, bắp cải, cà chua, dưa chuột, các loại đậu rau, rau gia vị…); rau quả chế biến (Dứa, vải, ngô, cà rốt, hành, gấc…); chiên dòn (Mít, khoai, chuối…).
Có thể bạn quan tâm

Nhờ xuất khẩu thuận lợi đã kéo giá tôm nguyên liệu ở mức rất cao. Chiều 2-1, thương lái các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 320.000 đồng/kg; loại 30 con/kg, giá 250.000 đồng/kg; loại 40 con/kg, giá 220.000 đồng/kg…

Trong đó, chi phí thức ăn từ 10.500đ tăng lên 17.880đ (gấp 1,7 lần) do hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn đều được nhập khẩu từ nước ngoài; chi phí lãi vay ngân hàng từ 500đ tăng lên 1.880đ (gấp 3,76 lần).

Trong các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu, con tôm luôn là thế mạnh của Cà Mau. Những tháng cuối năm, giá tôm tăng cao, người nuôi tôm phấn khởi và tích cực đầu tư vào sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến các mô hình nuôi tôm bền vững như quảng canh cải tiến (QCCT), nuôi tôm sinh thái (NTST).

Cá chình là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhưng lượng cá tự nhiên ngày càng khan hiếm. Nắm bắt được tình hình đó, một số nông dân ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn - An Giang) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá chình giống đạt lợi nhuận gấp bội so với nuôi cá thương phẩm.

Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm từ sữa bò tươi, trứng gia cầm, thịt lợn được sản xuất từ các trại chăn nuôi quy mô lớn cho tới các sản phẩm chăn nuôi truyền thống của các địa phương như gà Mía Sơn Tây, vịt cỏ Vân Đình, trứng vịt Liên Châu.