Nhiều ngư dân vay vốn đóng tàu mới

Thêm nhiều hợp đồng đóng tàu mới
Thời gian qua, bên cạnh việc xem xét, thẩm định, phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển làm việc với các NHTM tham gia thực hiện NĐ 67, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, hướng dẫn ngư dân hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn để đóng tàu mới;
Giới thiệu và kết nối ngư dân với các cơ sở đóng tàu trong và ngoài tỉnh để ký kết hợp đồng đóng tàu.
Nhiều ngư dân tỉnh ta đã ký hợp đồng đóng tàu vỏ gỗ với Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (thuộc Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn)
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 4 đợt đăng ký mới và 2 đợt điều chỉnh danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới 124 tàu cá, trong đó có 70 tàu vỏ thép, 48 tàu vỏ gỗ, 6 tàu vỏ composite.
Trong số 124 tàu cá đã được tỉnh phê duyệt và điều chỉnh, có 8 chiếc hành nghề câu; 13 chiếc hành nghề lưới rê; 67 chiếc hành nghề lưới vây; 31 chiếc hành nghề chụp mực và 5 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Đáng chú ý là đã có thêm nhiều ngư dân ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn với các NHTM để đóng tàu vỏ thép.
Ông Trần Kim Trung, ngư dân ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn), cho biết: “Ngày 12.11, tôi đã ký hợp đồng với NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Phú Tài vay 16,5 tỉ đồng để đóng tàu vỏ thép công suất 811 CV hành nghề lưới rê, trong đó ngân hàng tài trợ 95% vốn đầu tư đóng tàu.
Thời hạn trả nợ vay là 16 năm, lãi suất năm đầu 0%, những năm tiếp theo lãi suất 1%/năm.
Sau đó, tôi đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) để đóng tàu mới, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian 6 tháng”.
Theo Sở NN&PTNT, tiến độ thực hiện NĐ 67 tại tỉnh ta đã có sự chuyển biến tích cực.
Trong số 70 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ thép (đã được UBND tỉnh phê duyệt), hiện có 22 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các NHTM để vay vốn đóng tàu, và đã ký hợp đồng đóng tàu với các cơ sở đóng tàu trong nước.
Đối với 48 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ gỗ, hiện có 6 ngư dân đã ký hợp đồng đóng tàu với các cơ sở đóng tàu trong tỉnh.
Ngoài ra, có 2/6 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vỏ composite cũng đã ký hợp đồng đóng tàu với Trường Đại học Nha Trang.
Tiến độ vẫn còn chậm
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết:
Tuy tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/CP, nhưng khách quan nhìn nhận, kết quả đạt được vẫn chưa cao, tiến độ thực hiện còn chậm.
Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các cơ sở đóng tàu vỏ thép đều ở ngoài tỉnh, nên các NHTM gặp rất nhiều khó khăn trong việc xem xét năng lực tài chính của đơn vị đóng tàu để quyết định ký hợp đồng cho ngư dân vay vốn, dẫn đến tiến độ ký hợp đồng tín dụng với ngư dân chậm.
Với tàu vỏ gỗ, mặc dù tỉnh ta đã có thiết kế mẫu, nhưng giá trị gỗ đóng tàu ghi trên hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế, trong khi đó, NHTM giải ngân cho ngư dân theo giá trị ghi trên hóa đơn, gây khó khăn cho ngư dân và các cơ sở đóng tàu.
Đối với tàu vỏ composite, hiện tại chưa có thiết kế mẫu, nên ngư dân chưa thể lựa chọn mẫu và ký hợp đồng đóng tàu.
Cũng theo ông Hổ, về thuế giá trị gia tăng (VAT), theo NĐ 67, ngư dân được hoàn thuế VAT khi đóng tàu từ 400 CV trở lên, nhưng theo Thông tư số 26/2015 của Bộ Tài chính thì tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế.
Do vậy, đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế VAT, và thuế VAT liên quan đến tàu cá được tính vào chi phí đóng tàu, khiến giá thành đóng tàu tăng cao, gây khó khăn cho ngư dân.
Ngoài ra, một số ngư dân được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu đã xin chuyển nghề, thay đổi vật liệu đóng tàu, nên phải làm lại phương án sản xuất kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại, làm chậm tiến độ thực hiện NĐ 67 chung của tỉnh.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ NĐ 67, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ làm việc với chính quyền các địa phương và các NHTM để nắm bắt tình hình thực hiện NĐ 67;
Đồng thời làm việc trực tiếp với các chủ tàu để nắm bắt cụ thể, chi tiết hơn những vướng mắc trong quá trình thực hiện NĐ 67;
Phối hợp với các NHTM, chính quyền, hội-đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Sở NN&PTNT đôn đốc Trường Đại học Nha Trang tiếp tục hoàn tất hồ sơ thiết kế 2 mẫu ngư lưới cụ và công bố rộng rãi cho ngư dân biết, thực hiện.
Tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ ngành Trung ương xem xét phần thuế VAT liên quan đến việc đóng tàu mới; và chỉ đạo các NHTM đẩy nhanh tiến độ thẩm định, ký hợp đồng tín dụng đối với các ngư dân được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới.
Có thể bạn quan tâm

Do đặc điểm tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, bãi bồi ven biển ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh rất thích nghi nuôi nghêu thịt. Nuôi nghêu thịt đem lại lợi nhuận rất cao, ít rủi ro, ít tốn công chăm sóc, từ khi thả giống khoảng 10 - 14 tháng bắt đầu cho thu hoạch.

Đến đầu tháng 9, diện tích thả tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang hơn 98.410 ha, vượt 9,34% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 1.528 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến gần 20.000 ha và còn lại là tôm - lúa. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi hơn 32.400 tấn, đạt gần 58% kế hoạch, bằng 99% so cùng kỳ.

Trong năm 2015, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cung ứng cho các cơ sở nuôi tôm tại Việt Nam khoảng 20 tỷ con tôm giống.

Thời gian gần đây, giá cá sấu thương phẩm trên thị trường ổn định, người nuôi có lãi nên mô hình nuôi cá sấu theo quy mô hộ gia đình đang được nhân rộng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, quản lý đối tượng nuôi này đang còn nhiều kẽ hở, trở thành nỗi lo cho người dân.

Ngày 27 - 29/8/2015, Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Long An đã tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”.