Nhiều Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Thọ đã có bước phát triển ổn định. Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất được xây dựng, triển khai, nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Người dân thị xã đã mạnh dạn đưa các giống lúa năng suất, chất lượng vào gieo trồng, tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật tiến bộ mới như: Gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay, sử dụng biện pháp “Ba giảm, ba tăng”… Đặc biệt là mô hình thâm canh cải tiến lúa theo phương pháp SRI. Mô hình đã được thử nghiệm tại khu 5 xã Văn Lung vào năm 2011.
Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn do người dân sợ cấy mạ non sẽ bị chết rét. Nhưng do được tập huấn, trực tiếp nghe các kỹ sư nông nghiệp giải thích về phương pháp mới này, người dân đã trồng thử nghiệm 4 ha. Kết quả năng suất lúa tăng từ 200kg/sào theo phương thức canh tác cũ lên 350 kg/sào theo phương thức canh tác mới.
Nhận thấy hiệu quả mô hình canh tác mới, từ 38 hộ ban đầu tham gia ở vụ chiêm xuân 2011, đến vụ mùa, ở khu 5 xã Văn Lung đã có 87 hộ tham gia sản xuất theo mô hình cải tiến SRI và đến nay mô hình đã được nhân ra diện rộng trong toàn thị. Vụ mùa năm 2013, thị xã có gần 200 ha lúa được trồng theo phương pháp SRI.
Bên cạnh đó, thị xã còn triển khai thành công các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và kỹ thuật canh tác để nông dân áp dụng vào sản xuất như: Mô hình cấy khảo nghiệm giống lúa lai Việt Nam (3-5 và 7-2), mô hình thâm canh lúa bằng các giống TBR45, BC15, Hoa Ưu 109, DH18, xây dựng thành công 20ha mô hình giống lúa chất lượng cao Jo2 tại xã Thanh Minh…
Các mô hình đạt hiệu quả tốt, được nhân rộng trong sản xuất, giúp năng suất lúa của thị xã ngày một tăng cao.
Không chỉ ứng dụng kỹ thuật mới trong trồng trọt, thị xã đã triển khai nhiều mô hình, dự án chăn nuôi được tổng kết, đánh giá đạt kết quả cao.
Tiêu biểu là: Đề án cải tạo đàn bò địa phương. Năm 2013, thị xã tiếp tục mua thêm 3 con bò đực giống laisind, giao cho các hộ nông dân ở các xã Thanh Minh, Hà Thạch, Văn Lung chăm sóc, quản lý và khai thác. Chất lượng đàn bò đã được cải thiện đáng kể theo hướng sind hóa. Toàn thị hiện có trên 4.200 con bò, trong đó bò laisind chiếm 3.660 con.
Mô hình “Nuôi cá truyền thống trong ao hồ nhỏ ” tại xã Hà Thạch được thực hiện từ tháng 5-2011 trên diện tích 0,5 ha với giống cá thả chủ yếu là trắm và xen ghép một số giống như trôi, chép, mè với số lượng nhỏ. Sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi và bổ sung thêm các loại thức ăn sẵn có. Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng cá bình quân đạt 675 gam.
Trừ chi phí mô hình nuôi cá truyền thống theo hình thức này thu lãi 65 triệu đồng/ha. Trong năm 2013 thị xã tiếp tục đưa vào thử nghiệm thành công mô hình chăn nuôi thủy sản xen ghép cá rô phi với cá chép lai trên đất một vụ lúa, một vụ cá tại xã Hà Thạch và phường Trường Thịnh. Thành công của các mô hình thủy sản nêu trên đã mở ra hướng đi mới cho các hộ chăn nuôi thủy sản trên địa bàn thị xã.
Phát huy hiệu quả đã đạt được, trong năm 2014 thị xã tập trung triển khai dự án sản xuất rau an toàn gắn với phát triển nông nghiệp cận đô thị tại xã Văn Lung, Hà Thạch và phường Trường Thịnh với quy mô 14 ha; phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai các chương trình như: Phát triển giống gia súc, trồng rau, trồng hoa cận đô thị…
Theo đánh giá, các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai trên địa bàn thị xã đã đi đúng hướng, từng bước được nhân rộng, góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương và tạo điều kiện cho người dân làm giàu, tạo sự chuyển biến trong nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, một số mô hình còn bộc lộ hạn chế, không duy trì được; việc thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân còn chậm; việc đẩy mạnh tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả cao hơn nữa các mô hình, dự án nông nghiệp, các ngành chức năng thị xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất; quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp để mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Theo số liệu điều tra, đến nay đàn heo trong tỉnh Vĩnh Long (không kể heo con còn theo mẹ) có 348.625 con, tăng 26,4% (hay 72.796 con) so với cùng kỳ năm ngoái; đàn gia cầm (không kể vịt chạy đồng vụ Đông Xuân) có 7.094.060 con (tăng 35,2% hay 1.845.260 con so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó: đàn gà 3.051.260 con (tăng 43,1%), đàn vịt 1.930.710 con (tăng 26,5%).

Trong vụ xuân và vụ mùa 2014, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm nhiều giống lúa; riêng vụ mùa đã khảo nghiệm so sánh 22 giống lúa tại Trạm thực nghiệm giống cây trồng của trung tâm; khảo nghiệm sản xuất 7 giống lúa có triển vọng và sản xuất thử nghiệm 2 giống lúa mới có tiềm năng về năng suất, chất lượng tại Trạm thực nghiệm và 3 HTX đại diện cho các vùng sinh thái của thành phố.

Vụ hè thu 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang phát động thi đua ứng dụng công nghệ sinh thái (CNST) trên toàn tỉnh thu hút 81 nông dân đăng ký tham gia ứng dụng trên tổng diện tích hơn 1.200 héc-ta. TS. Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đánh giá: “Chương trình rất có ích cho nông dân và nông thôn.

Nhằm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong điều kiện giá mủ cao su đang xuống thấp như hiện nay, gia đình anh Lương Xuân Hùng ở ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm bào ngư. Hiện nay gia đình anh có 3 nhà nấm, mỗi vụ trồng được khoảng 9.000 bịch phôi giống. Với giá bán cho thương lái trung bình 12.000 đồng/kg, gia đình thu lời khoảng 30 triệu đồng/vụ.

Còn vú sữa được trồng nhiều ở Kế Sách và Mỹ Xuyên. Theo nhiều lão nông, vú sữa tím được trồng đầu tiên là ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, nhưng các vườn vú sữa này đang dần suy kiệt và bà con ở đây không còn mặn mà với loại cây trồng này nữa.