Nhiều mô hình phòng, chống dịch bệnh trên cây ăn trái

Mặc dù các ngành chức năng ra sức hướng dẫn cho nông dân cách phòng, phương pháp trị nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Tuy vậy, nhiều hộ nông dân cũng đã xây dựng nhiều cách phòng, chống đạt hiệu quả cao, mang lại lợi nhuận kinh tế đáng kể.
Nhiều mô hình hay
Gia đình ông Huỳnh Văn Hừng, ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trồng 0,5 ha thanh long ruột đỏ và 0,5 ha thanh long ruột trắng.
Trong những năm qua, ông ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) để xử lý ra hoa nghịch vụ, tỉa cành, tạo tán, bón phân cân đối nên năng suất mỗi mùa đều tăng lên.
Ông Hừng cho biết, dịch bệnh đốm nâu luôn là nỗi lo thường xuyên của nhiều nông dân trồng thanh long trên địa bàn huyện Chợ Gạo nói riêng, các nơi khác nói chung.
Tuy nhiên, gia đình rút tỉa kinh nghiệm, ứng dụng các tiến bộ KH-KT như: Mỗi năm thanh long cho ra từ 3 - 4 đợt cành, gia đình cắt bỏ những cành sâu bệnh, cành vô hiệu để cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
Mỗi cành mẹ chỉ để từ 1 - 2 cành non khỏe mạnh nằm trên đầu trụ và cách xa nhau. Mỗi cành để từ 1 - 2 trái, mỗi trụ để từ 30 - 40 trái.
Mô hình trồng bưởi ở huyện Cái Bè cho hiệu quả cao, hạn chế dịch bệnh.
Chia sẻ kinh nghiệm phòng trừ bệnh đạt hiệu quả trên thanh long, ông Hừng cho biết: “Bệnh đốm nâu rất khó trị, làm cho năng suất trái giảm. Hiện nay chưa có thuốc chữa trị hữu hiệu mà chỉ có cách phòng trừ.
Chính điều đó, gia đình đưa ra cách phòng trừ bệnh như làm sạch cỏ, cắt bỏ cành, trái bị nhiễm bệnh, thu gom và tiêu hủy; cắt bỏ toàn bộ cành non trong mùa mưa, bón phân cân đối; dùng một số loại phân trộn lại với nhau để bón vào gốc, sử dụng vôi bột rắc vào gốc; sử dụng các loại thuốc gốc đồng hay lưu huỳnh để phòng ngừa.
Đối với các loại côn trùng có thể tấn công và gây ra bệnh cho thanh long như kiến lửa, bọ xít, ruồi đục trái, bệnh thối cành, bệnh thán thư thì gia đình dùng một số loại thuốc hóa học cộng với một số thuốc sinh học rải quanh gốc để dẫn dụ hoặc tiêu diệt chúng”.
Theo ông Hừng, mỗi năm ông xử lý thanh long ra bông 2 đợt. Vụ thuận đạt năng suất từ 40 - 50 tấn/ha và bán với giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg thanh long ruột trắng, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ; sau khi trừ chi phí sản xuất ông còn lãi trên 600 triệu đồng. Còn mùa nghịch, giá bán thanh long cao hơn và có khi lãi gấp đôi vụ thuận.
Ông Nguyễn Hữu Đức, ấp Long Hưng, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho trồng 1,3 ha nhãn tiêu Huế.
Tuy nhiên, thời gian qua loại nhãn này bị nhiễm bệnh “chổi rồng” rất nặng nên gia đình ông Đức đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng nhãn Ido.
Ông Đức chia sẻ: “Sau khi thu hoạch xong, tôi tiến hành cắt tỉa, xới gốc, bón phân, tưới nước…
Trong lúc ra hoa, người trồng phải theo dõi chặt chẽ để phát hiện mầm bệnh, sâu rầy và có cách phòng trị kịp thời. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng từ nhãn”.
Tháng 3-2015, vùng trồng nhãn của ông được phái đoàn của Mỹ thẩm định và đồng ý cấp code xuất khẩu sang Mỹ.
Phòng bệnh để bảo đảm năng suất
Trong những năm gần đây, cây ăn trái có những bước tiến rất tích cực, đúng hướng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trước bối cảnh hội nhập quốc tế, sản xuất cây ăn trái nước ta nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng đứng trước những cơ hội lớn, cũng như đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Vì vậy, ngành chức năng cũng như nông dân cần có những giải pháp quyết liệt phát triển bền vững để nâng cao hiệu quả đối với ngành cây ăn trái.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân đã thực hiện quy trình thâm canh cây ăn trái, áp dụng các thành tựu KH-KT vào sản xuất như sử dụng giống mới bằng ghép cải tạo để trẻ hóa vườn cây, bón phân cân đối, kết hợp sử dụng hữu cơ vi sinh, phân bón lá, xử lý ra hoa, đậu trái, tỉa cành tạo tán, áp dụng biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh…
Do người trồng áp dụng KH-KT vào sản xuất nên sản lượng hàng năm luôn tăng.
Tuy nhiên, việc áp dụng quy trình canh tác vẫn chưa thống nhất giữa các vùng, nhiều nơi quản lý giống không tốt nên chất lượng trái chưa đồng đều, dịch bệnh xảy ra thường xuyên như bệnh vàng lá trên cây có múi, bệnh “chổi rồng” trên nhãn, bệnh đốm nâu trên thanh long, sâu đục trái bưởi.
Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, bệnh vàng lá trên cây có múi đã và đang gây hại nặng đến một số loại cây ăn trái của nước ta.
Giải pháp phòng trị bệnh trên cây có múi là loại bỏ cây bệnh, sử dụng giống cây sạch bệnh; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để diệt trừ trung gian truyền bệnh.
Ngoài ra, chiến lược phòng trừ mới là trồng xen cây trồng khác, dinh dưỡng hợp lý để kéo dài tuổi thọ cây có múi, thay đổi thời vụ trồng, trồng thưa, xử lý thuốc trừ sâu lưu dẫn trên cây giống sạch bệnh trước khi trồng.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt còn đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển ngành hàng cây ăn trái vùng ĐBSCL nhanh, bền vững; đáp ứng tốt yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp như tăng cường công tác nghiên cứu, du nhập, tuyển chọn giống cây ăn trái có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh để đưa vào sản xuất, thay dần những giống có hiệu quả kinh tế không cao.
Tích cực đánh giá, bình tuyển, chọn ra giống tốt có năng suất cao, chất lượng tốt, giống đặc sản trong sản xuất. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH-KT về thâm canh, phòng trừ dịch hại.
Trồng theo tiêu chuẩn GAP để nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân. Áp dụng những kỹ thuật rải vụ tiên tiến, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả; bảo đảm cho vườn cây sinh trưởng phát triển tốt, lâu bền...
Có thể bạn quan tâm

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa công nhận giống Lúa Cẩm Cai Lậy do Phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) lai tạo và 13 giống lúa do Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo là "Giống cây trồng nông nghiệp mới" đồng thời chỉ đạo các sở nông nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức sản xuất thử nghiệm.

Bất kỳ chứng nhận nào, nếu không có khách hàng thì không có nhu cầu thị trường, đồng nghĩa với việc, nếu một sản phẩm được chứng nhận bằng một tiêu chuẩn mà không được chấp nhận ở thị trường đó thì không có giá trị và chẳng ai quan tâm. Vậy liệu VietGAP có tạo được chỗ đứng đối với người tiêu dùng và cộng đồng quốc tế?

Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu bán được giá trên thị trường đang thu hút nông dân quay trở lại trồng mới và chăm sóc phục hồi vườn tiêu. Tuy nhiên, trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu diễn biến phức tạp gây thiệt hại nhiều cho người trồng tiêu. Việc xây dựng biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của địa phương đang là vấn đề quan tâm của các cấp chính quyền trong vùng có khả năng trồng tiêu và ngành chuyên môn. Là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chất đất nên phát triển các mô hình trồng tiêu sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong điều kiện tình hình bệnh trên cây tiêu tràn lan.

Hiện thanh long của Việt Nam được xuất khẩu qua hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá khá tốt, đạt cao nhất trên 90.000 đồng/kí lô gam. Phó giáo sư - tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, thuộc Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho biết như vậy tại hội nghị: “Phổ biến kết quả nghiên cứu về chuỗi giá trị thanh long và nhân rộng đối với sản phẩm trái cây khác”, được tổ chức tại Tiền Giang sáng ngày 17-10.

Chiều 23-10, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, Võ Văn Út cho biết đã chuyển giao sản xuất thành công hơn 270 ha lúa siêu chịu mặn trên “cánh đồng chó ngáp” của huyện vốn xưa nay bỏ hoang hóa.