Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhiều Mô Hình Làm Ăn Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Nhiều Mô Hình Làm Ăn Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Ngày đăng: 18/06/2013

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả, có hộ thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.

Điển hình như hộ ông Đặng Trường Thành ở ấp Đông Huề, xã Tân Khánh Đông, thị xã Sa Đéc. Cuộc sống gia đình ông trước đây gặp không ít khó khăn: không nghề nghiệp, nhà chỉ có 8 công đất vườn luôn bị ngập lũ hàng năm. Để thoát nghèo, ông quyết định vét mương đất vườn nhà nuôi cá. Ông tận dụng nguồn xác dừa của các cơ sở chế biến dầu dừa cùng với rau muống để cho cá ăn hàng ngày. Đồng thời, ông lên liếp trồng thêm 7 ha chuối già cấy mô xuất khẩu và kết hợp nuôi tôm càng xanh trên sông với diện tích nuôi trên 15 ha.

Hàng năm, ngoài một vụ cá bán nghịch mùa, ông Thành còn thu hoạch 2 vụ tôm cộng với hơn 12 nghìn cây chuối già xuất khẩu, lợi nhuận kinh tế thu về khá cao, đời sống của gia đình ông bắt đầu khấm khá lên. Đến nay, diện tích đất của ông đã là 65 ha với 700 gốc xoài, 150 gốc mít, 40 gốc sầu riêng và hơn 5 công ruộng. Bình quân một năm, 60 ha đất vườn của ông Thành thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Cũng như ông Thành, hộ gia đình anh Châu Văn Mum ở ấp Mỹ Thạnh, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười , qua nhiều năm nuôi ếch đồng đạt hiệu quả không cao, đến năm 2002, sau khi tham quan học tập kinh nghiệm tại một số cơ sở nuôi ếch tại huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh và được cán bộ trạm khuyến nông huyện hướng dẫn, anh quyết định chuyển sang nuôi giống ếch Thái Lan lai Trung Quốc.

Anh Mum tận dụng mảnh đất trống sau vườn nhà để làm 6 vèo nuôi 7.000 con ếch giống. Các vèo nuôi ếch của anh được thiết kế khá đơn giản bằng cách xây tường xi măng trên khoảng đất hình chữ nhật rộng 4 m, dài 8 m và xây lên khoảng 0,4m , có rào lưới B40 bên ngoài cao 1 m. Bên trong tường được lót bằng tấm nilon “da rắn”, phía trên phủ bằng lưới cước để tạo bóng râm. Mỗi vèo đều có hệ thống bơm thoát nước ra ngoài.

Anh Mum cho biết, thức ăn chủ yếu của ếch là thức ăn viên công nghiệp. Ếch con sau 2 - 3 tháng thả nuôi sẽ đạt trọng lượng 200 – 300 g, bình quân 1kg ếch thịt chi phí khoảng 5.000 đồng, giá bán dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, anh Mum còn cho ếch sinh sản để dự trữ cho mùa sau và cung cấp ếch giống cho các cơ sở khác. Với 50 cặp ếch giống bố mẹ sinh sản 3 lần/năm, mỗi lần cho từ 2.000 - 3.000 ếch con.

Ếch từ lúc mới nở đến khoảng 30 - 40 ngày đã cứng cáp, thích nghi được với điều kiện tự nhiên, khi đó anh đem bán cho các cơ sở nuôi với giá 700 - 900 đồng/con. Như vậy, ngoài việc xuất bán 5 - 7 tấn ếch thịt mỗi năm, anh Mum còn cung cấp cho các cơ sở trong và ngoài tỉnh hơn 200 nghìn con ếch giống, trừ các khoản chi phí, anh Mum lãi trên 200 triệu đồng.

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Hồng Dân (Tư Dân) ở xã Tân Hòa (Lai Vung) lại có những nét khác. Sau nhiều năm buôn bán, tích lũy được số vốn kha khá, ông quyết định mua đất làm vườn. Giống cây ông chọn trồng là sầu riêng Thái Lan lai Miến Điện. Ông Tư Dân cho biết, để cây có trái đều, giai đoạn thụ phấn là rất quan trọng.

Khi trái to bằng nắm tay thì bắt đầu “tỉa” trái, nếu không cây sẽ không đủ dinh dưỡng để nuôi số lượng trái quá nhiều dẫn đến “cơm” sầu riêng bị “sượng”, quả nhỏ, năng suất thấp. Ngoài ra, ông Tư Dân còn tận dụng các diện tích trống còn lại trồng xen kẽ thêm gần 700 gốc măng cụt. Ước tính, với 4 ha đất trồng sầu riêng và măng cụt hơn 10 năm tuổi, mỗi mùa gia đình ông Tư Dân thu lãi 500 - 800 triệu đồng.


Có thể bạn quan tâm

Phật Thủ Bonsai Giá Chục Triệu Đồng Đắt Hàng Phật Thủ Bonsai Giá Chục Triệu Đồng Đắt Hàng

Hơn một tuần trước Tết Nguyên đán, gần 1.000 cây phật thủ cảnh trong khu vườn tại Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) của anh Bình đã được khách đặt gần hết. Chủ vườn chia sẻ, chơi cây cảnh phật thủ (bonsai) không còn là mới, nhưng hầu hết đều được ghép cành, quả tuy to những màu sắc và kiểu dáng không bắt mắt. Trong khi đó tại khu vườn này, phật thủ lần đầu được trồng và chăm sóc để tự cho ra quả.

09/02/2015
Quýt Đường Ở Suối Giêng Quýt Đường Ở Suối Giêng

Vùng đất thôn Suối Giêng, xã Tân Đức (Hàm Tân) có nhiều người dân vùng sông nước miền Tây lên lập nghiệp. Ở đó có những gia đình đã gây dựng cho mình cuộc sống mới ổn định, nhờ trồng cây ăn trái. Vườn quýt đường 600 cây đang thu hoạch của gia đình ông Tô Văn Viễn là một minh chứng cho cách làm hiệu quả.

09/02/2015
Phong Phú Thị Trường Hoa Kiểng Chơi Tết Phong Phú Thị Trường Hoa Kiểng Chơi Tết

Từ hoa bản địa đến hoa ngoại nhập với đủ loại từ bình dân đến cao cấp. Mai, quất là loại cây kiểng truyền thống được người tiêu dùng chọn mua nhiều nhất để trưng bày trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Tại cơ sở cây cảnh Thịnh Thảo (vòng xoay gần Lotte Mart) những cành hoa mai đang chớm nụ dự báo nở rộ đúng ngay dịp tết.

09/02/2015
Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Thủy Sản Và Gạo Đồng Bằng Sông Cửu Long Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Thủy Sản Và Gạo

Theo số liệu từ Cục Thống kê Cần Thơ, tháng 1/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đạt 850 triệu USD, tương đương 8,3% kế hoạch năm, chiếm 75,2% tổng kim ngạch hàng hóa đã xuất của khu vực này trong tháng đầu năm.

09/02/2015
Mong Ngày “Hái Quả” Mong Ngày “Hái Quả”

Vượt qua mọi khó khăn, mạo hiểm ban đầu, đến nay giấc mơ chinh phục “vàng trắng” với người trồng cao su ở Điện Biên đang dần hiện thực hóa khi dòng “vàng trắng” đầu tiên sắp chảy về. Với người dân góp đất trồng cao su cũng như những người “đứng mũi chịu sào” thì ngày “hái quả” đang đến gần.

09/02/2015