Nhiều Lợi Ích Từ Cánh Đồng Mẫu Dừa

Nhằm giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng dừa, tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng mẫu dừa” (CĐMD) trên địa bàn huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình này đang mang lại hiệu quả khả quan.
Mô hình “độc” nhất cả nước
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, mô hình CĐMD ở huyện Giồng Trôm là mô hình “độc” nhất của cả nước kể cả về quy mô lẫn số hộ dân tham gia. Ông Huỳnh Thanh Hùng – nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, người “khởi xướng” và rất tâm huyết với mô hình này cho biết: Tháng 7.2012, mô hình CĐMD đã được triển khai trên địa bàn xã Châu Bình với quy mô gần 1.200ha, gần 1.800 hộ dân tham gia.
Mô hình đã giúp các nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau theo quy trình sản xuất tiến bộ, góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.
“Ngoài việc được hỗ trợ đầu vào như: Cây giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình còn bán dừa với giá cao hơn thị trường nên ai nấy cũng đều phấn khởi. Phấn khởi nhất là khi tham gia vào mô hình này thì đầu ra của trái dừa đều được các doanh nghiệp bao tiêu” – anh Nguyễn Văn Lộc, một nhà vườn hồ hởi nói.
Đa phần các hộ dân tham gia mô hình đều tỏ ra hết sức tâm đắc, bởi không chỉ sản phẩm được ổn định đầu ra, giá cao, thì lợi ích lâu dài là vườn dừa được cải tạo một cách bài bản, tươi tốt và cho năng suất cao hơn.
Cũng theo ông Hùng, mô hình CĐMD tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Theo đó, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua sản phẩm dừa; nông dân và nhà khoa học (qua việc thành lập tổ hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ nông dân quy trình sản xuất tiên tiến); nông dân với Nhà nước (giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện để nông dân vay vốn sản xuất, vận động doanh nghiệp tham gia mô hình).
Nhân rộng mô hình
"Mô hình CĐMD là loại hình kinh tế hợp tác có tính chất bền vững cũng là cách hiệu quả để người dân cùng nhau liên kết làm ăn, không lo về đầu vào và đầu ra”.
Ông Võ Văn Nam
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Võ Văn Nam – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết thêm: “Qua gần 2 năm triển khai mô hình CĐMD nhận được sự đồng tình của bà con rất cao. Để mô hình đem lại hiệu quả cao nhất, chúng tôi triển khai thí điểm mô hình trồng mẫu để qua đó giúp bà con nông dân quan sát, học tập, truyền đạt kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật kể cả về mật độ và diện tích trồng dừa nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất”.
Ngoài lợi nhuận từ cây dừa, mô hình trên còn giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập bằng cách tham gia sơ chế dừa trái tại các điểm thu mua, với thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, trong quá trình thực hiện mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh còn định hướng bà con nhà vườn thực hiện một số mô hình nuôi trồng xen canh trong vườn dừa, như trồng cây ca cao, chanh, bưởi, nuôi ong lấy mật... góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.
Ngoài các công ty đã liên kết, định hướng trong thời gian tới ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia mô hình. Theo đó, các công ty này sẽ phối hợp với các nhà khoa học tổ chức lớp các hội thảo, tập huấn; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm dừa cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Nhiệt tình, năng nổ, luôn đi đầu trong mọi hoạt động, đặc biệt là tấm gương điển hình trong phong trào thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương; đó là những gì mà đoàn viên, thanh niên xã Na Khê và người dân địa phương nói về anh Lý Seo Sáng, Bí thư Đoàn xã Na Khê (Yên Minh).

Thời gian gần đây, nhiều người lạ mặt đến các vùng quê trên địa bàn tỉnh để lùng sục thu gom cau với giá cao ngất ngưởng. Điều đáng quan tâm là, các đối tượng này chỉ thu mua cau non (trái cau chỉ bằng đầu ngón tay cái) và gom cả nguyên buồng nên đây được xem là việc làm rất bất thường.

Ngành chuyên môn cùng các nhà vườn ở địa bàn được xem như “thủ phủ” vườn trái cây có múi của tỉnh là huyện Châu Thành đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh vàng lá gân xanh đang hoành hành dữ dội.

Ở tổ 7, phường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), ai cũng thán phục ông Trần Thanh Cảnh là người nuôi lợn giỏi. Dù quy mô nuôi lợn không lớn, nhưng ông đã duy trì nghề nuôi lợn liên tục hơn 20 năm, không gây ô nhiễm môi trường, chưa lúc nào lỗ vốn.

Với bản chất cần cù, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, anh Võ Đình Chiến (SN 1975, ngụ ấp Bình Hiếu, xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đã thành công và vươn lên làm giàu bằng chính đặc sản quê nhà.