Nhiều Loại Cây Trồng Cạn Thu Nhập Gấp Nhiều Lần Cây Lúa

Chuyển đổi cây trồng đang là một yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu
Thời gian gần đây, sản xuất lúa gạo ở khu vực ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, giá xuất khẩu liên tục bị giảm khiến nông dân trồng lúa không thu được hiệu quả như mong đợi.
Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn khuyến khích chuyển đổi cây trồng, nhưng chưa đồng bộ vì còn khó khăn trong việc liên kết tiêu thụ.
Chính vì vậy, yêu cầu chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa đang là nhiệm vụ đặt ra để đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Về huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang giờ đây đâu đâu cũng nghe dân bàn việc chuyển đổi cây trồng. Bởi nơi đây, phong trào nông dân chuyển đổi cây lúa sang trồng rau màu, cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Đặc biệt, trước tình hình lúa rớt giá, nông dân lại càng mặn mà với rau màu và trồng vườn hơn. Ở các xã Kiến An, Bình Phước Xuân... hầu hết nhà nông đưa ra sự so sánh rất thực tế. Đó là nếu trồng lúa, năng suất bình quân 500 kg/công, giá 4.800 đồng/kg sau khi trừ chi phí thì đâu lại vào đó. Còn làm vườn, trồng màu, thực hiện mô hình đa canh, hiệu quả gấp nhiều lần so với lúa.
Ông Nguyễn Tâm Bửu, nông dân ở xã Kiến An đã “phất lên” nhờ áp dụng mô hình đa canh là trồng xoài kết hợp với trồng bắp thu trái non, nuôi bò đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Bửu cho biết, cây bắp sau khi thu hoạch trái non người dân sử dụng để chăn nuôi bò, vừa tận dụng phụ phẩm, vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động nông nhàn làm tăng kinh tế gia đình. Ngoài ra phân bò có thể tận dụng để cải tạo đất hoặc bón cho xoài giảm bớt chi phí phân bón. Từ cách làm này mà hơn 5 năm qua, mỗi năm gia đình ông có dư hàng trăm triệu đồng: “Ở đây có nhà máy bao tiêu nên tôi mạnh dạn chuyển sang trồng bắp thu trái non. Hiệu quả lắm. Thu nhập từ bắp cũng khá, còn nếu nuôi bò nữa thì thu nhập gấp 5 lần. Chuyển dịch cây trồng vật nuôi như vậy thì khỏe rồi”.
Sản lượng lúa của cả nước đang dư thừa, giá thấp, đời sống người nông dân đã vất vả lại thêm phần cơ cực. Xuất khẩu gạo cũng liên tiếp gặp khó khiến nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bán rẻ, bán thấp để tiêu thụ lúa hàng hóa.
Trước tình thế đó, nhiều địa phương đã “rục rịch” chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng các cây hoa màu khác.
Tại nhiều địa phương như Tháp Mười, Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp, mô hình trồng sen cũng giúp cho người dân yên tâm hơn với nghề làm nông nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Bền ở xã Phú Cường trong vài năm gần đây đã chuyển toàn bộ diện tích đất canh tác của mình để trồng sen. Anh cho biết, mỗi vụ thu hoạch, năng suất sen cỡ 3 tấn/ha, lãi khoảng 21 triệu đồng, so với vụ lúa hè thu lợi nhuận cao gấp 8 đến 10 lần: “Trồng sen vừa tiết kiệm nước, vừa cải tạo phèn, hiệu quả kinh tế cao hơn vụ lúa Hè Thu. Về giá cả, khi có công ty bảo đảm đầu ra, nông dân mạnh dạn trồng sen”.
Ở nhiều địa phương có điều kiện khó khăn hơn về nguồn nước tưới, cây mè (vừng) cũng được người dân lựa chọn trong chuyển dịch cây trồng. Bình quân mỗi công mè cho thu hoạch khoảng 180 - 200 kg, thương lái đến tận ruộng mua với giá 32.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư mỗi công mè gần 2 triệu đồng, nông dân lời từ 3 - 4 triệu đồng/công.
Ông Nguyễn Văn Chí ở phường Thới An, quận Ô Môn cho biết, được sự tư vấn, hướng dẫn của trạm khuyến nông quận, ông đã mạnh dạn chuyển sang trồng 1 vụ mè luân canh lúa. Với mỗi ha mè năng suất bình quân gần 2 tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 30 - 40 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 lần trồng lúa.
Theo PGS-TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, trước đây trồng lúa trên đất phèn ở ĐBSCL là bước chuyển đổi khoa học – kỹ thuật từng mang lại hiệu quả cho nông dân. Hiện nay việc chuyển đổi cây trồng thay thế cây lúa là điều cần thiết. Qua thực tế đã có những mô hình chuyển đổi sản xuất gia tăng lợi tức: “Có nhiều loại cây có thể đưa vào cơ cấu cây trồng, đặc biệt là ở vụ xuân hè và vụ hè thu. Trong khi cây lúa là 2 triệu đồng thì cây đậu nành lợi nhuận là 16 triệu, cây bắp lai là 11 triệu, mè là 25 triệu, cây sen là 46 triệu.
Lợi nhuận thu được từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nhiều hộ nông dân cá thể trong từng thời điểm được xem là khá cao. Tuy nhiên, cần cảnh báo rằng sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào giá cả, đầu ra trong từng thời điểm.
Có thể bạn quan tâm

Theo Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang cấp mới 30 giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y cho các trang trại chăn nuôi lợn, gà; lò ấp nở gia cầm; điểm giết mổ tập trung tại các huyện Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam và Lạng Giang, nâng tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận lên 160.

Hầu hết các loại cây trồng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Sản phẩm được các doanh nghiệp như: Công ty G.O.C Bắc Giang, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Nông Bắc Giang, chi nhánh Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Sơn Động... đặt hàng bao tiêu.

Những ngày này, về các vùng quê trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang), ngoài không khí hối hả thu hoạch lúa, còn dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân tất bật ủ rơm và xuống meo cho những giồng rơm chất nấm của mình. Một mùa nấm rơm đang khởi động nơi đây, đặc biệt phong trào bán “nấm rơm đêm” cho thu nhập cao đang tiếp tục được duy trì.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm đối với từng lô hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ và sản phẩm chế biến từ nhuyễn thể hai mảnh vỏ đăng ký xuất khẩu vào EU về chỉ tiêu vi sinh vật. Chỉ lô hàng được áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường theo quy định mới được cấp giấy chứng nhận ATTP xuất khẩu vào EU.

Song đáng buồn là cà phê của nước ta chủ yếu vẫn xuất khẩu thô, 93% sản phẩm xuất khẩu là cà phê nhân xô đã rang hoặc chưa rang. Cà phê hòa tan và các loại đã chế biến chỉ chiếm 7%. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ cà phê nội địa của Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm 10% tổng sản lượng hằng năm.