Nhiều Hộ Nông Dân Đã Trồng Hồ Tiêu Theo Hướng An Toàn, Hiệu Quả

Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.
Gia đình ông Phạm Ngọc Tiếp ở thôn Đắk Kual 3, xã Đắk N’drung cũng có 2 sào tiêu, nhưng nhờ biết chăm sóc tốt nên hàng năm đạt sản lượng hơn 1,2 tấn. Ông Tiếp cho biết: “Tiêu thường phát sinh sâu bệnh chủ yếu trong mùa mưa nên việc đào rãnh thoát nước, tiêu úng cho cây có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh đó, tôi thường rong tỉa bớt những cành sát mặt đất để hạn chế sự lây lan mầm bệnh từ đất cho thân cây”.
Theo UBND xã Đắk N’drung, hiện toàn xã có khoảng 800 ha tiêu, trong đó, có gần 1/3 diện tích đạt mức 5 tấn/ha nhờ được chăm sóc, phòng bệnh tốt. Tương tự, xã Nâm N’Jang cũng xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương, nên cũng thường chú trọng hướng dẫn cho nhân dân phát triển cây tiêu theo hướng bền vững.
Theo đó, hàng năm, xã luôn phối hợp với các ngành chức năng triển khai các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình về thâm canh hiệu quả cây tiêu cho nông dân. Vì thế, hiện nay, hầu hết nông dân đã biết cách chủ động phòng, chống các loại sâu hại như rệp sáp, bọ xít lưới, mối, sâu đục thân.
Ông Nguyễn Hữu Tần, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang cho biết: "Hiện nay, diện tích tiêu trên địa bàn xã đã đạt hơn 1.500 ha, nên xã không khuyến khích mở rộng mà tập trung vào việc tuyên truyền nông dân đẩy mạnh công tác chăm sóc, phòng bệnh nhằm đảm bảo cho cây tiêu đạt năng suất ổn định, không bị chết hàng loạt”.
Theo ông Lê Hoàng Vinh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk Song thì cái khác của phát triển cây hồ tiêu bền vững so với cách thức trồng tiêu truyền thống của nông dân, đó là thay vì sử dụng trụ chết thì cần phải dùng trụ sống bằng các loại cây như muồng đen, hông, gòn. Việc trồng tiêu trên trụ sống không những không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây tiêu mà còn góp phần làm giảm tình trạng chặt phá cây rừng làm trụ tiêu.
Việc sử dụng hợp lý, đúng cách phân bón, trong đó ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học, chế phẩm vi sinh để hạn chế sự phát sinh của các loại dịch bệnh gây hại mạnh nhất trên cây tiêu là héo chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra và bệnh vàng lá chết chậm do tuyến trùng tấn công cũng là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Do đó, đây đang là phương thức phát triển cây hồ tiêu bền vững mà huyện định hướng, khuyến khích nông dân nhân rộng nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Tiền Giang xác định bưởi nằm trong 7 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cần đầu tư phát triển. Địa phương đã mở rộng diện tích bưởi lên trên 4.700 ha trồng các giống bưởi chất lượng cao: bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò mỗi năm cho sản lượng khoảng 80.000 tấn quả cung ứng thị trường. Diện tích trên tập trung nhiều nhất tại các huyện phía Tây: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

Nuôi chim bồ câu Pháp rất đơn giản, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả cao. Hiện mô hình này đang được bà con nông xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) thực hiện và nhân rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Song (thôn 4 Cao Triều - Quảng Công - Quảng Điền - Thừa Thiên - Huế) cho biết: Tôi đã làm nghề nuôi tôm được gần 10 năm, song trước đây, các động cơ phục vụ nuôi tôm như động cơ sục khí hay máy bơm nước đều sử dụng dầu diesel. Thời gian gần đây, tôi chuyển sang sử dụng động cơ điện.

Canh tác 6 héc - ta lúa nằm trong vùng đê bao Vĩnh Thuận, ông Phan Thành Phương (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành - An Giang) cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chưa xả lũ lần nào nhưng lại sản xuất liên tiếp 3 vụ lúa mỗi năm, không xả lũ lấy phù sa màu mỡ và rửa trôi các mầm bệnh còn tích trữ trong đất, nguy cơ làm phát sinh dịch hại trên lúa khó tránh khỏi. Đất nghèo dinh dưỡng nên phải bón nhiều phân hóa học mới giữ được năng suất lúa. Mỗi héc-ta lúa bón khoảng 400 - 450 kg phân các loại/vụ, còn vài năm trở lại đây phải tăng từ 500 kg phân bón/héc - ta trở lên, mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, bón nhiều phân Kali để cải tạo đất lâu năm chưa phơi ải, giúp bộ rễ cây lúa phát triển, hạn chế đổ ngã, giằn phèn”.

Theo thống kê của ngành chức năng, tháng 3/2013, toàn tỉnh Bạc Liêu có 10.194 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, 269 ha tôm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại trên 70% và 9.925 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến kết hợp thiệt hại từ 30 - 70%.