Nhiều Hộ Chăn Nuôi, Nuôi Trồng Thủy Sản Ven Đô Bị Mất Trắng Sau Bão

Mặc dù cơn bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào thành phố Hà Tĩnh, tuy nhiên, do mưa to kèm theo gió lớn nên các khu vực nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi ven đô bị thiệt hại khá nặng.
Anh Nguyễn Văn Nguyên – Chủ trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở xóm Đông Đoài (xã Thạch Hạ) cho biết, sau khi nhận được thông tin về cơn bão số 10, hộ gia đình đã chủ động chồng chéo nhà cửa, lán trại, đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Song, do nước thủy triều dâng quá nhanh, toàn bộ trang trại chăn nuôi bị cô lập, nước ngập hơn 1m, gia đình không kịp sơ tán nên hầu hết vật nuôi đã bị chết do ngạt nước
Theo thống kê, hơn 1 vạn con gà từ 1 đến 2 tháng tuổi đã bị chết do ngạt nước, thiệt hại ước tính hơn 1,2 tỷ đồng. “Khu vực này mấy chục năm nay không hề ngập, nên chúng tôi có phần chủ quan không tính đến phương án di dời vật nuôi đến chỗ an toàn dẫn nên mất trắng cả!”, ông Nguyên chia sẻ.
Ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại của mô hình chăn nuôi gà ở Thạch Hạ, Trung tâm ƯDKHKT& Bảo vệ cây trồng, vật nuôi thành phố đã cấp phát thuốc khử trùng, cử cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ gia đình tiêu hủy tàn bộ vật nuôi bị chết theo vệ sinh môi trường theo quy định, không để dịch bệnh bùng phát dịch bệnh, đồng thời phân loại tình hình sức khỏe số vật nuôi còn lại để chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo ông Lê Huy Chương – Chủ nhiệm HTX nuôi cá lồng bè Thạch Hạ, mặc dù các xã viên đã kịp thời sơ tán vật nuôi ra khỏi lòng bè, nhưng do thủy triều lên quá nhanh, các ao hồ dùng để làm nơi trú ẩn cho đàn cá bị tràn ngập nên toàn bộ số lượng cá được di chuyển vào đây cũng trôi theo dòng nước. Tính riêng hộ gia đình ông Chương đã bị mất trắng hơn 5.000 con cá chẽm 6 tháng tuổi, nếu tính chung của cả hợp tác xã thì thiệt hại do mưa bão gây ra lên đến hàng tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ Trương Công Trung cho biết thêm, ngoài những thiệt hại về tài sản do nhà cửa, trường học bị tốc mái thì đợt mưa bão hôm qua, các hộ nuôi trồng thủy hải sản là những người phải gánh chịu nhiều tổn thất nhất. Toàn bộ sản lượng thủy sản trên 109 ha diện tích nuôi trồng của địa phương bị mất trắng, đáng chú ý hơn cả là 2 ha cá đối nục, cá Hồng Mỹ và 4 ha nuôi tôm, 10 ha nuôi cá chẽm đang vào mùa chính vụ đều bị cuốn trôi.
Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, bão số 10 đã làm tốc mái, hư hỏng 19 ngôi nhà; 55 nhà dân bị ngập lụt; gần 12.000 con gia cầm bị chết; 800m kênh mương cứng và kênh bê tông bị sập, bồi lấp; 121 ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng; 58 cột điện các loại bị nghiêng, gãy đổ… Ước tính thiệt hại gần 5,2 tỷ đồng.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh đã kịp thời đến thăm hỏi, động viên các gia đình chịu thiệt hại do mưa bão gây ra. Tại cuộc kiểm tra, đánh giá thiệt hại do mưa bão gây ra vào sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, sớm phục hồi sản xuất.
Đối với các hộ chịu ảnh hưởng, tùy theo mức độ thiệt hại, thành phố sẽ có các chính sách hỗ trợ, tuyệt đối không để các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ.
Có thể bạn quan tâm

Dẫu vất vả, cực nhọc, quanh năm “lấy ruộng đồng làm nhà” và đối mặt với nguy cơ trắng tay hay có thể nhiễm bệnh khi có dịch cúm gia cầm, song nhiều gia đình vẫn xem nghề chăn vịt là nghề chính, có người gắn bó với nghề này gần trọn cuộc đời…

Sáng 31/3, Ban Chỉ đạo Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm BHNN thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2013.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hà Nội đã tư vấn cho các địa phương lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích 2.080,9ha; trong đó có 10/31 dự án đã được phê duyệt đầu tư và đang thi công, một số dự án đã thi công xong và bàn giao đưa vào sử dụng như: Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa,...

Nông dân các huyện Cầu Ngang, Châu Thành (Trà Vinh) đang thu hoạch rộ vụ ớt chỉ thiên năm 2014. Giá ớt được thương lái mua 15.000 - 18.000 đồng/kg, với năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời 150 - 300 triệu đồng/ha; mức lợi nhuận khá cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Sau khi giá lúa nhích lên được vài ngày, mấy ngày qua giá lúa đã liên tục giảm trở lại. Nhiều nông dân, dù đã nhận tiền đặt cọc của thương lái nhưng vẫn không bán được lúa.