Nhiều đơn hàng xuất khẩu, giá lúa gạo tăng mạnh

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 10 ngày đầu tháng 10/2015, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 42.569 tấn gạo, trị giá FOB 18,558 triệu USD, trị giá CIF 18,786 triệu USD.
Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1 đến ngày 8/10/2015 đạt 4,394 triệu tấn, trị giá FOB 1,828 tỷ USD, trị giá CIF 1,880 tỷ USD.
Sau thông tin trúng thầu 450.000 tấn gạo sang Philippin, vào cuối tháng 9, giá lúa gạo trong nước đã quay đầu tăng giá từ 100-200 đồng/kg so với thời điểm tháng 8.
Mới đây, ngày 13/10, xác nhận với ANTARA News - Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế của nước này, ông Darmin Nasution cho biết, Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị nhập khẩu gạo do hạn hán từ El Nino và đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam và Thái Lan.
Theo ông Darmin Nasution, dựa trên những thỏa thuận này, Indonesia sẽ quyết định về thời điểm nhập khẩu và các nước xuất khẩu sẽ có một tháng để thực hiện.
Những thông tin tích cực về các đơn hàng xuất khẩu đã khiến giá lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tiếp từ đầu tháng 10 đến nay.
Cụ thể, đến ngày 15/10, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.100-5.200 đ/kg, lúa dài khoảng 5.300-5.400 đ/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.600-6.700 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.500-6.600 đ/kg.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.500-7.600 đ/kg, gạo 15% tấm 7.350-7.450 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.100-7.200 đ/kg.
So với cuối tháng 9 thì giá lúa nguyên liệu đã tăng từ 100-200 đồng/kg, giá gạo thành phẩm tăng cao hơn, từ 300-450 đồng/kg.
Nguyên nhân tăng giá được cho là do người nông dân có tâm lý găm giữ hàng, chờ giá lúa gạo tăng thêm nữa.
Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo tại Đồng Tháp cho biết, giá gạo nguyên liệu IR 50404 những ngày đầu tháng 10 đã tăng lên khoảng 300 đồng/kg, ở mức 6.200 - 6.300 đồng/kg nhưng thương lái và doanh nghiệp cũng rất khó mua.
Tính đến ngày 15/10/2015, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2015 được khoảng 1,668 triệu ha/ 1,6 triệu ha diện tích kế hoạch; thu hoạch khoảng 1,650 triệu ha với năng suất khoảng 5,6-,5,7 tấn/ha, sản lượng khoảng 9,32 triệu tấn lúa.
Đối với vụ Thu Đông 2015, khu vực này đã xuống giống được khoảng 800.000 ha/ 886.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 270.000 ha với năng suất khoảng 5 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 1,35 triệu tấn lúa.
Nguồn cung lúa gạo so với cuối tháng 9 đã tăng khá nhiều.
Tuy nhiên, theo dự báo của VFA về các hợp đồng xuất khẩu gạo sắp tới thì việc cân đối lượng gạo còn trong kho để ký tiếp các hợp đồng cũng như đảm bảo thời gian giao hàng của các doanh nghiệp vẫn rất cần tính toán kỹ.
Hiện tại, lượng gạo tồn kho còn khoảng 1,4 triệu tấn.
Ông Huỳnh Minh Huệ - Phó chủ tịch VFA - cho biết, dự báo tiêu thụ lúa gạo những tháng cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 sẽ ổn định.
Tuy nhiên, các địa phương sản xuất lúa gạo cần rà soát nguồn cung, đưa ra những kế hoạch cụ thể để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trong những tháng tới.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 7-7, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Huy Điền khẳng định, không có chuyện Việt Nam ồ ạt nhập tôm nguyên liệu, “sản xuất thì ít mà xuất khẩu nhiều” như tin đồn vừa qua.

Nhìn thấy lợi nhuận thu được từ các hộ nuôi tôm hùm thời gian qua, từ đầu năm đến nay nhiều người dân ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đua nhau đầu tư tiền tỷ để mua vật liệu làm bè và mua tôm giống thả nuôi với hy vọng đổi đời.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng nắng nóng liên tục kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh những thiệt hại về cây trồng do thiếu nước tưới, nắng nóng còn khiến cho một số diện tích tôm nuôi vụ 2 trên địa bàn tỉnh bị thất thu. Chỉ tính riêng trong tháng 6, toàn tỉnh có gần 80 ha tôm nuôi bị thiệt hại hoàn toàn.

Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), hằng năm thành phố bố trí 15 - 20 tỷ đồng cho phát triển vùng thủy sản tập trung, bảo đảm môi trường không dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn thành phố có 70 - 80 vùng nuôi có quy mô từ 30 đến 200ha, hơn 1.000 trang trại nuôi thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 19 cơ sở sản xuất giống, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu về giống cho người nuôi.

Hiện nay, giá cá điêu hồng nuôi bè ven sông Tiền thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang được các thương lái thu mua với giá từ 35.500 - 36.500 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với hơn nửa tháng trước. Với giá này, nông dân nuôi cá điêu hồng trên bè lãi từ 17 - 23 triệu đồng/bè sau 6 tháng nuôi. Đây là mức lãi khá cao giúp người nuôi cá điêu hồng làng bè yên tâm đầu tư tái sản xuất cho vụ cá điêu hồng nuôi bè sắp tới.