Nhện Đỏ Hại Sắn Khiến Người Dân Lo Lắng Ở Sông Hinh (Phú Yên)

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhện đỏ hại sắn xuất hiện khiến người trồng sắn ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) vô cùng lo lắng.
Gần hai mươi ngày qua, ông Trần Văn Nhất ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông lo lắng bởi rẫy sắn hơn 1ha của gia đình đột nhiên ngưng phát triển, lá chuyển màu đốm trắng, sau đó úa vàng và rụng. Ông Nhất cho biết: “Cả nhà tôi trông chờ vào rẫy sắn này; ngoài tiền công, tôi còn đầu tư hơn chục triệu đồng tiền phân, giống. Chỗ không bị bệnh, sắn đã cao ngang đầu người; còn lại đều bị vàng lá, cây lẹt đẹt đến đầu gối. Không biết vụ này năng suất ra sao?”
Không riêng gia đình ông Nhất, hầu hết các rẫy sắn xung quanh đều có hiện tượng trên. Ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, trạm đã phân công người điều tra, khảo sát toàn bộ diện tích sắn trong huyện và phát hiện nguyên nhân là do nhện đỏ phát sinh gây hại sắn. Qua kiểm tra, nhện đỏ gây hại khiến năng suất ở những diện tích bị bệnh giảm từ 15 đến 30%, cá biệt có những diện tích năng suất giảm từ 50 đến 70%. Nếu không chữa trị kịp thời và thời tiết tiếp tục nắng nóng thì người trồng sắn sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Theo ông Kiện, nhện đỏ rất sợ nước, ở trong môi trường ẩm ướt, nhện đỏ sẽ chết, trứng nhện bị hư, thối. Vì vậy, để phòng trị nhện đỏ nên phun thật nhiều nước, chú ý tập trung phun nước ở mặt dưới lá. Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc rất nhanh, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cần luân phiên sử dụng các loại thuốc khác nhau. Khi dùng thuốc cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn lao động và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Sông Hinh thì cho hay: Diện tích sắn bị nhện đỏ gây hại tập trung nhiều ở các xã Đức Bình Đông 15ha, Sơn Giang 20ha và Ea Bia khoảng 5ha. Đặc biệt, nhện đỏ chỉ tấn công trên sắn giống KM 98 - 5. Thời điểm này năm trước, nhện đỏ xuất hiện ở khu vực thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông trong phạm vi vài hộ gia đình. Sau khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách phòng trừ, nông dân đã khống chế được nhện đỏ và sắn phát triển bình thường. Phòng NN-PTNT huyện cũng khuyến cáo bà con không nên sử dụng sắn bị bệnh làm cây giống. Tuy nhiên, do đây là giống sắn mới có năng suất cao nên bà con bất chấp khuyến cáo, vẫn lấy lại những cây sắn vụ trước để làm giống.
Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có kế hoạch mở rộng hệ thống bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thay vì chỉ tập trung bán sản phẩm qua các nhà phân phối như lâu nay.

Cũng chừng thời gian này năm ngoái, giá cà phê trên các thị trường tăng mạnh. Mấy ngày qua, giá lại sôi nổi không kém dù ở đỉnh thấp hơn năm ngoái. Có gì xảy ra? Phản ứng thế nào với thị trường như thế này?

Tính đến ngày 26-9-2015, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cả nước đã ký được hợp đồng xuất khẩu đạt 721.200 tấn sản phẩm các loại, theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).

Sau hơn 4 năm triển khai chương trình bảo hiểm nông nghiệp, chỉ mới có hơn 300.000 hộ trong tổng số hơn 11 triệu hộ tham gia. Theo nhiều chuyên gia hợp tác công tư trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp sẽ là phương thức giúp loại hình này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Lần đầu tiên, TPHCM có vùng an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi tại 9 xã thuộc hai huyện Củ Chi và Hóc Môn, sau khi các xã này áp dụng tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt (VietGap).