Nhện Đỏ Hại Sắn Khiến Người Dân Lo Lắng Ở Sông Hinh (Phú Yên)

Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhện đỏ hại sắn xuất hiện khiến người trồng sắn ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) vô cùng lo lắng.
Gần hai mươi ngày qua, ông Trần Văn Nhất ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông lo lắng bởi rẫy sắn hơn 1ha của gia đình đột nhiên ngưng phát triển, lá chuyển màu đốm trắng, sau đó úa vàng và rụng. Ông Nhất cho biết: “Cả nhà tôi trông chờ vào rẫy sắn này; ngoài tiền công, tôi còn đầu tư hơn chục triệu đồng tiền phân, giống. Chỗ không bị bệnh, sắn đã cao ngang đầu người; còn lại đều bị vàng lá, cây lẹt đẹt đến đầu gối. Không biết vụ này năng suất ra sao?”
Không riêng gia đình ông Nhất, hầu hết các rẫy sắn xung quanh đều có hiện tượng trên. Ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh cho biết: Ngay sau khi nhận được tin báo, trạm đã phân công người điều tra, khảo sát toàn bộ diện tích sắn trong huyện và phát hiện nguyên nhân là do nhện đỏ phát sinh gây hại sắn. Qua kiểm tra, nhện đỏ gây hại khiến năng suất ở những diện tích bị bệnh giảm từ 15 đến 30%, cá biệt có những diện tích năng suất giảm từ 50 đến 70%. Nếu không chữa trị kịp thời và thời tiết tiếp tục nắng nóng thì người trồng sắn sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Theo ông Kiện, nhện đỏ rất sợ nước, ở trong môi trường ẩm ướt, nhện đỏ sẽ chết, trứng nhện bị hư, thối. Vì vậy, để phòng trị nhện đỏ nên phun thật nhiều nước, chú ý tập trung phun nước ở mặt dưới lá. Nhện đỏ có khả năng kháng thuốc rất nhanh, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cần luân phiên sử dụng các loại thuốc khác nhau. Khi dùng thuốc cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh an toàn lao động và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Sông Hinh thì cho hay: Diện tích sắn bị nhện đỏ gây hại tập trung nhiều ở các xã Đức Bình Đông 15ha, Sơn Giang 20ha và Ea Bia khoảng 5ha. Đặc biệt, nhện đỏ chỉ tấn công trên sắn giống KM 98 - 5. Thời điểm này năm trước, nhện đỏ xuất hiện ở khu vực thôn Bình Giang, xã Đức Bình Đông trong phạm vi vài hộ gia đình. Sau khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách phòng trừ, nông dân đã khống chế được nhện đỏ và sắn phát triển bình thường. Phòng NN-PTNT huyện cũng khuyến cáo bà con không nên sử dụng sắn bị bệnh làm cây giống. Tuy nhiên, do đây là giống sắn mới có năng suất cao nên bà con bất chấp khuyến cáo, vẫn lấy lại những cây sắn vụ trước để làm giống.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 19-6, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản ở lưu vực thượng nguồn sông Gianh, tại bến đò Phú Hội, thuộc thôn Hồng Sơn, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa).

Nông dân trồng khóm ở xã Hỏa Tiến đều biết khoảng từ tháng 5 là giá khóm tăng, nên có thể chủ động xử lý ra trái sao cho đến thời điểm này là thu hoạch. Anh Trang Văn Tỷ, ở ấp Thạnh Thắng, dẫn chúng tôi tham quan rẫy khóm của gia đình mình và nói: “Năm nay, khóm thuận mùa giá rẻ, nhưng bù lại giá tăng từ tháng 5, tháng 6 và có khi trên 7.000 đồng/trái loại nhất. Hiện tại, giá khóm vẫn còn cao, khoảng 6.000 đồng/trái loại nhất. Nhiều nông dân bán khóm nghịch mùa được giá cao rất phấn khởi”.

Cùng với gói 3.000 tỷ mà Ngân hàng Đầu tư -Phát triển (BIDV) đã công bố cho ngư dân vay vốn ưu đãi, với lãi suất 3%/năm (có sự tài trợ của Nhà nước), các ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Càng gần đến cuối năm, thịt ngoại đổ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều. Đặc biệt là mấy tháng qua, với việc Nga cấm nhập khẩu thịt từ Mỹ, EU, khiến các nhà xuất khẩu tiếp tục đổ xô vào Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng. Với ưu thế về chất lượng, giá cả, thịt ngoại đang dần lấn át thịt nội, khiến người chăn nuôi khốn đốn...

Tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, nơi có diện tích cây vải thiều lớn nhất miền Bắc, chiều 18-6 có hàng trăm xe tải, xe container vẫn nối đuôi nhau chờ nhận hàng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay thị trường vải tại Lục Ngạn chủ yếu được các thương lái ở các tỉnh phía Nam mua. Thương lái Trung Quốc mua vải tại Lục Ngạn năm nay giảm so với nhiều năm trước.