Nhãn tiến vua sắp lên đường sang Mỹ

Đây có thể coi là bước khởi đầu để nhãn lồng Hưng Yên khẳng định vị thế và mở ra tiềm năng mới về đầu ra.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã làm việc với Bộ NN&PTNT và các DN nhằm xúc tiến XK quả nhãn Hưng Yên sang thị trường Mỹ trong niên vụ 2015, chủ động thực hiện tốt những công việc tại 2 vùng nhãn đã được cấp mã số XK sang thị trường Mỹ và các nước khác.
Chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP
Để bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng XK, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các chủ vườn áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và tuyệt đối sạch. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, quy trình sản xuất, chăm sóc được giám sát chặt chẽ, dịch hại trên cây nhãn được theo dõi và phòng trừ kịp thời, đúng kỹ thuật và quy định, quả nhãn đang phát triển tốt.
Ông Trịnh Văn Thinh - Chủ nhiệm HTX Nhãn lồng Hồng Nam (TP Hưng Yên) hồ hởi cho biết: Xã Hồng Nam có 33 hộ được chọn vào quy hoạch vùng nhãn XK sang thị trường Mỹ. Mặc dù là địa phương có kinh nghiệm thâm canh nhãn nhưng trước đây mạnh ai nấy làm, chủ yếu theo kinh nghiệm, có hộ chưa thực sự quan tâm nhiều đến vấn đề ATTP… Tuy nhiên, thời gian qua, căn cứ vào yêu cầu của phía đối tác và được hướng dẫn của ngành chuyên môn, các chủ vườn đã thực hiện quy trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. “Mới đây, UBND TP Hưng Yên đã đầu tư trên 70 triệu đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và bao quả hỗ trợ các hộ trong vùng. Tổ giám sát theo dõi chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV và có ghi chép sổ sách nhật ký của các hộ để có thể truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hiện nay, các chủ vườn đã kết thúc phun thuốc BVTV, chờ bao quả trước khi thu hoạch” - ông Thinh cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã, đồng thời là chủ vườn nhãn XK ở xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu): Hiện, các hộ trong vùng được cấp mã số sản xuất nhãn XK sang thị trường Mỹ đang tiếp tục áp dụng những quy trình kỹ thuật để có sản phẩm nhãn quả tốt, đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác. Các chủ vườn đã sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc có trong danh mục được phép sử dụng để phòng trừ sâu, dịch bệnh cho nhãn và ghi chép nhật ký chăm bón... Ông Thế cho biết thêm, mặc dù yêu cầu khắt khe nhưng với kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật trong nhiều năm, có thể khẳng định nhãn ở Hàm Tử sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn XK vào thị trường Mỹ với chất lượng, sản lượng cao nhất.
Giám sát nghiêm ngặt
Theo thông tin từ phía DN thu mua XK, nếu nhãn Hưng Yên được thị trường Mỹ chấp nhận sẽ có giá cao hơn nhiều so với giá bán trong nước. Tuy nhiên, các chủ vườn phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải thực hiện các bước kỹ thuật nhằm bảo đảm ATTP và ngăn chặn dịch hại, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; phải bọc quả tối thiểu 3 tuần trước khi thu hoạch; không sử dụng các nhóm thuốc bị cấm; các loại thuốc khác phải dưới ngưỡng cho phép... Trong thời gian thu hoạch, có thể sơ chế tại chỗ nhưng không được dùng hóa chất để giữ cho quả trắng, quả tươi lâu, ngoại trừ việc xông thuốc lưu huỳnh nhưng phải đạt ngưỡng do Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) quy định, sau đó cho chở xe lạnh vào xử lý, đóng gói tại TP Hồ Chí Minh… nếu đủ điều kiện mới cho XK.
Chỉ còn ít ngày nữa là vào vụ chính thu hoạch nhãn. Để quả nhãn Hưng Yên vào được những thị trường khó tính khác, các cấp, các ngành của tỉnh vẫn đang tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt; tuyên truyền, khuyến cáo đến từng hộ sản xuất các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn quả nhãn khi XK; xây dựng kế hoạch chi tiết từ nay đến cuối vụ để chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc thực hiện bao quả trước khi thu hoạch 20 - 25 ngày; phân tích dư lượng thuốc BVTV trong quả nhãn trước khi thu hoạch 7 ngày, giám định đối tượng kiểm dịch thực vật trước khi thu hoạch 10 ngày. Đồng thời thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan T.Ư, tỉnh, các DN XK nhãn trong quá trình đánh giá, kiểm định, giám định…
Năm nay, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 20ha nhãn của hơn 170 hộ thuộc 2 xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) và Hàm Tử (huyện Khoái Châu) được cấp mã số XK sang thị trường Mỹ và các nước khác. Tổng sản lượng dự kiến sẽ thu được khoảng 80 tấn.
Có thể bạn quan tâm

Không mất nhiều công gieo vãi, chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có tác dụng làm đất tơi xốp, bên cạnh đó còn tận dụng được diện tích đất 2 lúa, nên cây đậu tương đã và đang trở thành cây trồng được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn để trồng trong vụ đông trên chân đất 2 lúa trong nhiều năm qua.

Nghề của ông Nguyễn Cao Cường, thôn Tăng Sơn, xã Hoà Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) "độc" nhất trong vùng kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng - nuôi rắn hổ mang phì (rắn hổ phì). Với nhiều người, chỉ cần nghe đến rắn đã rợn tóc gáy, vậy mà nghề "độc" này lại giúp gia đình ông gây dựng được cơ nghiệp.

Chiến tranh đã lùi xa 38 năm, những người lính tham gia kháng chiến một thời, nay trở về đời thường với những vết thương không thể xóa nhòa. Cuộc sống hôm nay với bao khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn hăng say, quyết tâm làm giàu bằng ý chí và nghị lực ngay trên quê hương mình.

Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Lai Châu triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực khu vực miền núi nằm trong dự án phát triển nuôi cá rô phi đơn tính đực quy trình GAP tại thị trấn Tân Uyên và xã Thân Thuộc huyện Tân Uyên, quy mô 01 ha với 13 hộ nông dân tham gia.

Đã hơn một tháng nay, nhiều hộ nuôi tôm ở các xã Trung Hải (Gio Linh) và Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) điêu đứng vì tôm đột nhiên nhiễm bệnh, chết hàng loạt khi vụ nuôi vừa mới bắt đầu. Sau vụ nuôi 2012 có hiệu quả thì năm nay dịch bệnh ở tôm lại bùng phát gây thiệt hại đáng kể cho người dân.