Nhãn Tam Hiệp... Tỏa Hương Xa

Dẫu còn phải lụy phà giang nhưng người dân ở cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre đang có một niềm vui mới to lớn hơn. Đó là trong tương lai không xa, trái nhãn nơi đây sẽ xuất sang Mỹ.
Cây nhãn chiếm 95% diện tích
Nếu Bến Tre được mệnh danh là xứ Dừa thì cồn Tam Hiệp có thể được xem là “miệt” nhãn. Nói như vậy quả không ngoa, bởi nếu từ trên cao nhìn xuống hoặc len lỏi khắp các con đường trên đất cồn, chúng ta đều thấy cây nhãn phủ khắp, trùng điệp. Theo ông Phạm Hồng Tươi - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, tổng diện tích tự nhiên của cồn trên 550 ha, trong đó 95% là đất trồng nhãn, sản lượng trung bình hàng năm đạt 4 ngàn tấn.
Khởi đầu từ nhãn long, sau đó là tiêu huế (còn gọi là nhãn da bò) rồi đến nhãn xuồng cơm vàng, nhãn Ido. Trước khi có nhãn xuồng cơm vàng, nhãn tiêu huế từng có giai đoạn làm “làm mưa làm gió” với giá từ 30 đến 40 ngàn đồng/kg. Kinh tế trên vùng đất cồn bắt đầu “cất cánh” từ đó.
Sau này, giống nhãn xuồng cơm vàng xuất hiện, với chất lượng cao hơn, giá gấp 2 đến 4 lần so với nhãn tiêu huế. Hiện nay, người dân vẫn trồng xen cả hai loại nhãn trên bởi nhãn tiêu huế cho năng suất cao hơn nhiều lần so với nhãn xuồng, ngược lại nhãn xuồng cơm vàng được giá thị trường cao gấp 2 đến 4 lần so với nhãn tiêu huế.
Hiện tại, nhãn tiêu huế có giá 15 ngàn đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng là 45 ngàn đồng/kg. Có thời điểm, nhãn xuồng cơm vàng đã đạt mức kỷ lục với giá 65 ngàn đồng/kg. Giá trị kinh tế chủ lực từ cây nhãn đã giúp người dân trên đất cồn nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện về vật chất và tinh thần. Theo ông Phạm Hồng Tươi, ước tính đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 29 triệu đồng/người/năm, đạt trước so với kế hoạch năm 2014.
Đủ điều kiện vào “cửa” thị trường khó tính
Ông Nguyễn Ngọc Hữu là một trong những nông dân gắn bó với cây nhãn ngay từ điểm đầu cây nhãn xuất hiện trên đất cồn. Ông phấn khởi cho biết: “Chúng tôi vui nức lòng khi nghe thông tin trái nhãn đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Trước đây, trái nhãn đi xa nhất là Trung Quốc nên giá khá bấp bênh. Nay nhãn được xuất khẩu qua Mỹ, nông dân sẽ dùng kỹ thuật rải vụ để lúc nào cũng có hàng...”.
Khu vườn hơn 2 hecta trồng nhãn của ông Hữu vừa được ông Thomas P.Sutton - Chuyên gia cao cấp về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ đến thăm và tấm tắc khen ngợi. Sau khi dùng thử sản phẩm của nhà vườn, chất lượng trái nhãn đã được ông Thomas đánh giá là quá “tuyệt vời”. Chỉ còn đợi Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ cấp mã số cho nhà máy chiếu xạ nữa là trái nhãn sẽ hoàn thành quy trình xử lý để xuất khẩu vào thị trường này.
Đó là thành quả của quá trình kiên trì gắn bó và không ngừng nỗ lực chăm sóc cây nhãn của người dân đất cồn hàng chục năm qua. Có được thành quả ấy cũng phải kể đến công lao của người dành nhiều năm tìm hướng đi mới cho trái nhãn Bến Tre. Người nông dân có nhiều tâm huyết ấy là anh Nguyễn Hữu Tâm (xã Tiên Long, huyện Châu Thành).
Anh là người đã sáng lập tổ hợp tác nhãn Tam Hiệp, giới thiệu với bà con phương pháp sản xuất trái cây sạch để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo anh, việc làm này chỉ đơn giản là: “Góp gạo đổ thêm vào lu của bà con”. Trước đó, anh Tâm đã thành công trong việc đưa trái chôm chôm Bến Tre sang Mỹ.
Ông Phạm Hồng Tươi - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết, tổ hợp tác trồng nhãn ban đầu được thành lập với 37ha, gồm 18 hộ trồng nhãn. Hiện đã mở rộng trên 200 ha, với hơn 90 hộ. Tất cả những hộ này đều đã được tập huấn trồng nhãn theo quy trình sản xuất sạch, tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật và bảo đảm an toàn thực phẩm. Xã cũng đang xây dựng khu vườn mẫu nhãn. Mỗi ấp đều thành lập tổ hợp tác để hướng dẫn người dân quy trình sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính.
“Người dân bây giờ có nhiều cái hay lắm. Với kỹ thuật rải vụ, thời điểm nào cũng có nhãn để bán. Nhìn màu lá sẽ có thể điều chỉnh sao cho năng suất trái cao hơn. Đặc biệt, hầu hết người trồng nhãn đều biết cách điều trị bệnh chổi rồng ngay từ lúc nhiễm mầm bệnh, không để ảnh hưởng đến sản lượng cây trồng. Kể cả ý thức sử dụng phân hữu cơ, cách ly thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm... của người dân cũng được nâng cao” - ông Nguyễn Ngọc Hữu chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Trong khuôn khổ Dự án Legato “Kỹ thuật thâm canh và công nghệ sinh thái- Công cụ đánh giá rủi ro và cơ hội của hệ thống sản xuất lúa nước” của Đức và các quốc gia Đông Nam Á khác, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cùng với Viện Chính sách và Quản lý - Trường đại học KHXH&NV – đại diện ban điều phối Dự án đã thiết lập “Mô hình công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa nước” triển khai tại 3 tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc và Lào Cai.

Vĩnh Long đang bước vào cao điểm thu hoạch rộ lúa Đông Xuân 2014 - 2015. Tính đến trung tuần tháng 2, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 16.000/61.000ha gieo sạ, năng suất bình quân 6,7 tấn/ha. Diện tích còn lại tập trung giai đoạn từ đòng trổ đến chín.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lương. Tuy đang bận bịu với vụ mùa nhưng ông vẫn dành thời gian say sưa kể cho chúng tôi nghe về kỹ thuật trồng và chăm sóc để cây lạc đạt năng suất, chất lượng cao. Một quy trình bài bản từ làm đất, chọn giống, bón phân cho đến chăm sóc lạc thời kỳ sinh trưởng, thu hoạch… ông đều thuộc nằm lòng.

Giá hiện tại ở địa phương là 3.000 đồng/kg, 1 sào khoai lang giống mới này bà con có lãi khoảng 2,5 triệu đồng, cao hơn hẳn các loại cây trồng khác, thời gian canh tác ngắn và đầu tư ít hơn. Nông dân ở các địa phương lân cận có chất đất tương tự như xã Tân Dân sẽ được hội nông dân, phòng nông nghiệp huyện hướng dẫn để trồng đại trà vào vụ xuân năm 2015, đây mới là chính vụ.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự) cho biết, thời điểm này việc thu hoạch hoa màu trên địa bàn xã trầm lắng, bởi giá cả nhiều loại hoa màu giảm mạnh (từ 40 - 50%) so với thời điểm cận Tết. Giá hoa màu giảm là do nguồn cung vượt cầu, trong khi đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Người dân trồng hoa màu đang hy vọng giá cả sẽ tăng lên trong những ngày tới vì trúng vào dịp rằm tháng Giêng năm 2015.