Nhân Rộng Mô Hình Tổ, Đội Khai Thác Trên Biển

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai thực hiện mô hình tổ, đội khai thác hải sản trên biển nhằm tăng năng lực đánh bắt và bảo vệ tốt vùng biển quốc gia.
Để phát triển và nhân rộng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển.
Đồng thời tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tổng kết và phổ biến các bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai mô hình tổ, đội và lựa chọn các mô hình hiệu quả để nhân rộng toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các thuyền trưởng về pháp luật quốc tế và Việt Nam liên quan đến khai thác hải sản; về kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển; các kỹ năng tự vệ khi có cướp biển, tàu nước ngoài tấn công. Tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tổ, đội mới thành lập về: phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, máy dò cá và cơ chế tiếp cận nguồn vốn.
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết tổ, đội và nhà máy chế biến trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ tránh tình trạng đầu nậu, vựa ép giá. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chợ đầu mối buôn bán theo hình thức đấu giá sẽ giúp nâng cao giá bán của sản phẩm khai thác.
Cùng với triển khai thực hiện những chính sách hiện có, tỉnh Bạc Liêu cũng đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các chủ tàu đầu tư lắp đặt trang thiết bị, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm trên các tàu cá, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế các sản phẩm thủy sản trên tàu cá.
Có chính sách đào tạo thuyền viên khai thác hải sản xa bờ, nhằm bảo đảm chất lượng đi biển, tránh tình trạng khủng hoảng lao động trong khai thác hải sản...
Bạc Liêu đã thành lập 43 tổ đoàn kết khai thác thủy sản, thu hút hơn 270 tàu cá tham gia. Qua thời gian hoạt động, mô hình tổ khai thác này mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế cao, sản lượng khai thác tăng.
Nhờ có sự liên kết nên các phương tiện mạnh dạn ra khơi thăm dò, tìm kiếm nhiều ngư trường mới, hải sản đánh bắt phong phú và bán được giá rất cao. Ngược lại, các phương tiện không tham gia tổ, đội thì lợi nhuận thu được thấp hơn từ 30 - 40% mặc dù khai thác cùng thời gian, cùng ngư trường.
Bên cạnh đó, các tàu tham gia tổ, đội còn phát huy tối đa lợi ích của việc liên kết trên biển từ cứu nạn, cứu hộ; làm tốt công tác y tế trên biển; hỗ trợ nhau khi phát hiện tàu lạ xâm phạm ngư trường, vùng biển; đuổi bắt, trình báo ngành quản lý về nạn trộm ngư lưới cụ của ngư dân...
Cùng với mô hình tổ, đội khai thác thì mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, mô hình cào đôi và các nghề khai thác mới cũng tiếp tục phát triển. Đến nay, huyện Đông Hải đã có hơn 80 cặp cào đôi và mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá đang được ngư dân phát triển. Qua đó, nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng giá thu mua nguyên liệu, nhất là các loại thủy sản tươi sống.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 5-10, UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã tổ chức lực lượng cưỡng chế, tháo dỡ hàng loạt bè nuôi tôm trái phép tại khu vực gần bãi tắm Bình Sơn - Ninh Chữ.

Mận (roi) là giống cây ăn trái được trồng nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta, mận được trồng phổ biến ở miền Tây và Đông Nam Bộ, thích hợp ở nhiệt độ từ 28 - 30oC.

Nhiều năm qua, nông dân trồng lúa ở Cà Mau sử dụng phân bón không theo một công thức nào mà chỉ bón theo cảm tính nên chi phí dành cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khá lớn. Việc áp dụng công thức phân bón cho cây lúa tại ấp 6, xã Khánh Hòa đã mang lại triển vọng giảm chi phí sản xuất của một vụ lúa…

Cuối tháng 10-2012, thực hiện chuyển giao mô hình sản xuất cấp huyện, Hội Nông dân huyện Ninh Sơn ký kết hợp đồng kinh tế với ông Cao Ngọc Sinh Yên (Phan Rang – Tháp Chàm) triển khai thí điểm mô hình trồng hoa lan (loại Dendro) tại khu phố 6, thị trấn Tân Sơn. Sau gần 7 tháng thực hiện, mô hình đã mang lại nhiều tín hiệu vui cho người trồng.

Ngày 21/6, UBND huyện Bảo Lâm phối hợp với Công ty TNHH Sygenta Việt Nam tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình trình diễn giống ngô lai F1 NK 54.