Nhân Rộng Mô Hình Tổ, Đội Khai Thác Trên Biển

Ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang tích cực triển khai thực hiện mô hình tổ, đội khai thác hải sản trên biển nhằm tăng năng lực đánh bắt và bảo vệ tốt vùng biển quốc gia.
Để phát triển và nhân rộng mô hình tổ, đội khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngư dân thấy được lợi ích của việc tổ chức khai thác hải sản theo tổ, đội, đặc biệt là các tổ, đội khai thác hải sản xa bờ, kết hợp với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển.
Đồng thời tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức tổng kết và phổ biến các bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai mô hình tổ, đội và lựa chọn các mô hình hiệu quả để nhân rộng toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các thuyền trưởng về pháp luật quốc tế và Việt Nam liên quan đến khai thác hải sản; về kiến thức phòng tránh bão, thông tin liên lạc, cứu hộ cứu nạn, an toàn cho người và tàu cá trên biển; các kỹ năng tự vệ khi có cướp biển, tàu nước ngoài tấn công. Tỉnh cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tổ, đội mới thành lập về: phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, máy dò cá và cơ chế tiếp cận nguồn vốn.
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết tổ, đội và nhà máy chế biến trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ tránh tình trạng đầu nậu, vựa ép giá. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng chợ đầu mối buôn bán theo hình thức đấu giá sẽ giúp nâng cao giá bán của sản phẩm khai thác.
Cùng với triển khai thực hiện những chính sách hiện có, tỉnh Bạc Liêu cũng đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các chủ tàu đầu tư lắp đặt trang thiết bị, hầm cách nhiệt bảo quản sản phẩm trên các tàu cá, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, sơ chế các sản phẩm thủy sản trên tàu cá.
Có chính sách đào tạo thuyền viên khai thác hải sản xa bờ, nhằm bảo đảm chất lượng đi biển, tránh tình trạng khủng hoảng lao động trong khai thác hải sản...
Bạc Liêu đã thành lập 43 tổ đoàn kết khai thác thủy sản, thu hút hơn 270 tàu cá tham gia. Qua thời gian hoạt động, mô hình tổ khai thác này mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả kinh tế cao, sản lượng khai thác tăng.
Nhờ có sự liên kết nên các phương tiện mạnh dạn ra khơi thăm dò, tìm kiếm nhiều ngư trường mới, hải sản đánh bắt phong phú và bán được giá rất cao. Ngược lại, các phương tiện không tham gia tổ, đội thì lợi nhuận thu được thấp hơn từ 30 - 40% mặc dù khai thác cùng thời gian, cùng ngư trường.
Bên cạnh đó, các tàu tham gia tổ, đội còn phát huy tối đa lợi ích của việc liên kết trên biển từ cứu nạn, cứu hộ; làm tốt công tác y tế trên biển; hỗ trợ nhau khi phát hiện tàu lạ xâm phạm ngư trường, vùng biển; đuổi bắt, trình báo ngành quản lý về nạn trộm ngư lưới cụ của ngư dân...
Cùng với mô hình tổ, đội khai thác thì mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá, mô hình cào đôi và các nghề khai thác mới cũng tiếp tục phát triển. Đến nay, huyện Đông Hải đã có hơn 80 cặp cào đôi và mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá đang được ngư dân phát triển. Qua đó, nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển, giảm bớt chi phí đầu tư, tăng giá thu mua nguyên liệu, nhất là các loại thủy sản tươi sống.
Có thể bạn quan tâm

Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu,... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.

Xã Trà Linh bây giờ vẫn còn là một miền đất cao vợi, xa xôi nhất ở Nam Trà My, mặc dù đường sá đã được thảm nhựa. Và các nóc làng người Xê Đăng sống quanh lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.589m, quanh năm mây phủ nên muốn lên đây chỉ có cách duy nhất là leo núi với những dốc cao dựng đứng. Người khỏe mạnh đi bộ từ trung tâm xã (đoạn cuối đường giao thông) về các thôn mất ít nhất 4 giờ.

Năm 2015, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi theo quy trình tiên tiến, Vĩnh Long sẽ tăng cường quản lý chất lượng cá tra giống theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật.

Nghề đánh bắt tôm nhí (tôm hùm con) từ lâu nay được biết đến là một trong những nghề có thu nhập "khủng" của ngư dân vùng biển. Song, để có nguồn thu nhập đó là điều không đơn giản. Có đi, nghe và thấy mới hiểu được những những khó khăn của ngư dân trong những đêm trắng mưu sinh trên biển "săn lộc trời"!