Nhân Rộng Mô Hình Nông Thôn Mới

Ngày 24-3, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (BCĐ NTM) tổ chức sơ kết 3 năm xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, và Tây Nguyên. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các bộ ngành và 19 tỉnh thành trong 3 khu vực tham dự hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 3 năm qua, các địa phương đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nông thôn mới, trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm, nhất là thủy lợi, giao thông, nước sạch, xây dựng trường học, công trình văn hóa, chợ, nhà ở…, làm thay đổi nhanh về phát triển hạ tầng, tạo động lực phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, như TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Bình Định…
Vấn đề phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất được xác định là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Mỗi khu vực, mỗi địa phương, với những lợi thế của mình đã xác định những hướng đi thích hợp, hiệu quả.
Các tỉnh Đông Nam bộ tập trung phát triển một số loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, hồ tiêu, phát triển chăn nuôi heo, bò sữa; các tỉnh Nam Trung bộ đã xây dựng nhiều đội tàu thuyền khai thác hải sản quy mô lớn đánh bắt xa bờ, từng bước thể hiện vai trò trung tâm lớn về đánh bắt hải sản; xây dựng các khu nuôi trồng thủy hải sản tập trung;
Khu vực Tây Nguyên, với trên 2 triệu hécta đất bazan màu mỡ, có lợi thế rất lớn về phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc. Nhiều địa phương đã xây dựng được những vùng chuyên canh lớn về cà phê, cao su, hồ tiêu, hình thành được cơ cấu cây trồng, vật nuôi khá ổn định theo hướng bền vững, mang lại thu nhập cao, như rau, hoa ở Lâm Đồng, cà phê ở Đắk Lắk, hồ tiêu ở Gia Lai…
Hiện cả 3 vùng đã có 42 xã đạt 19 tiêu chí NTM, (trong đó, Nam Trung bộ có 2/829 xã, Tây Nguyên 13/597; Đông Nam bộ 27/470); một số địa phương đang mở rộng quy mô xây dựng huyện NTM. Tuy nhiên, hiện 10/19 tỉnh ở 3 khu vực trên còn “trắng” NTM, nhất là còn nhiều xã mới chỉ đạt 4 - 5 tiêu chí.
Các tham luận tại hội nghị cũng cho thấy quyết tâm rất lớn của các địa phương trong việc triển khai xây dựng NTM. Các đại biểu nhất trí cho rằng vấn đề nâng cao thu nhập có ý nghĩa cốt lõi để cải thiện đời sống người dân, và cũng là nội lực để đóng góp xây dựng NTM.
Do đó, cần có sự hỗ trợ lớn của nhà nước trung ương, địa phương về vốn, giống cây trồng vật nuôi và ứng dụng công nghệ, để gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất; đặc biệt, cần có sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM Vũ Văn Ninh nhấn mạnh xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, bền bỉ, kiên trì, đây là địa bàn quan trọng nơi có 70% dân số. Mục tiêu của NTM là của dân, phục vụ dân, vì thế dân làm là chính, phải phát huy dân chủ trong huy động sức dân.
Việc huy động dân vừa sức, không huy động bắt buộc. Thậm chí phải nghĩ đến việc giao công trình cho dân để tạo công ăn việc làm, thêm thu nhập cho dân. Xây dựng NTM phải vừa triển khai điểm vừa triển khai diện, phải nhân rộng mô hình NTM ở các địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Khi nghe bão số 11 đang đến gần, gia đình tôi khẩn trương thuê nhân công chằng chống lại các trại, chòi nuôi tôm. Do không thể xuất bán tôm mới chỉ nuôi được hơn 1 tháng nên tôi gia cố ao nuôi, tránh để tôm thoát ra bên ngoài.

Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tổng kết việc thí điểm để thực hiện trên diện rộng.

Hải Hà (Quảng Ninh) là một huyện có đường bờ biển kéo dài với nhiều diện tích tự nhiên phù hợp để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trong những năm qua, huyện Hải Hà đã có nhiều cố gắng để phát huy lợi thế ven biển, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi và hình thức nuôi trên đồng triều, từng bước đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, tháng 5-2013, Trạm Khuyến nông huyện Hoằng Hóa phối hợp với UBND xã Hoằng Châu (Thanh Hóa) thực hiện mô hình “Nuôi cua xanh xen vụ nuôi tôm sú”.

Năm 1994, từ Thanh Hóa anh Mai Văn Khẩn vào Lâm Đồng lập nghiệp. Thấy vùng này phát triển cây rau tốt, anh cũng lân la tìm hiểu và tìm đất canh tác.