Nhân Rộng Mô Hình Làm Giàu Từ Cây Ăn Quả Giá Trị Cao

Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.
Vườn chuối tiêu hồng của gia đình anh Nguyễn Văn Luyện, xã Vân Nam ước tính cho thu lãi 200 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Quốc Vương, Cụm 1, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ - chủ vườn chuối 2ha chia sẻ, nhờ chất đất bãi phù sa màu mỡ nên cây chuối tiêu hồng lớn nhanh, quả mập, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh lại không tốn nhiều công chăm sóc. Ngoài 2.000 gốc chuối tiêu hồng, gia đình ông còn trồng thêm 2.500 gốc chuối tây để tăng thêm thu nhập. "Dịp Tết Giáp Ngọ này, vườn chuối của tôi cho thu hoạch 4.500 buồng, với giá bán trung bình 100.000 đồng/buồng chuối tiêu hồng và 200.000 đồng/buồng chuối tây, gia đình tôi thu về 700 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi trên 400 triệu đồng" - ông Vương phấn khởi khoe.
Những ngày này, có dịp đến thăm các vườn bưởi của xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ chúng tôi được chứng kiến không khí tấp nập của các thương lái đến đặt mua bưởi về bán Tết. Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận Đỗ Đình Lục cho biết, toàn xã có trên 54ha bưởi Diễn với hơn 200 hộ tham gia sản xuất. Nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh mới, đó là sử dụng túi nilon bao bọc quả và kỹ thuật vệ sinh gốc, phun tưới nước, chặt tỉa cành nên các vườn bưởi đều đạt năng suất cao; mẫu mã đẹp, vỏ nhẵn, sáng bóng, vị ngọt dịu, thanh mát và được nhiều người ưa chuộng. Với giá bán trung bình từ 25.000 - 35.000 đồng/quả, nhiều hộ trồng bưởi có thu nhập 400 - 500 triệu đồng/ha, trừ các khoản chi phí cho thu lãi 200 - 300 triệu đồng/ha, cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu.
Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, việc xây dựng và nhân rộng mô hình theo Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao là phù hợp với xu thế, thị trường và mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô. Thực hiện đề án, năm 2013, Trung tâm đã xây dựng các mô hình sản xuất tại 29 xã của 15 huyện ngoại thành với quy mô 500ha, trong đó, tập trung vào 4 loại cây chủ lực: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng.
Ông Nguyễn Bá Sướng - Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, để tạo động lực thúc đẩy bà con nông dân tham gia các mô hình, ngoài hỗ trợ về vật tư phân bón, giống cây trồng, Trung tâm còn tập huấn, phổ biến kỹ thuật chăm sóc, bón phân, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, nhất là kỹ thuật bảo quản quả sau thu hoạch. Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng và nhân rộng diện tích cây ăn quả, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao.
Có thể bạn quan tâm

Ông Đào Anh Thư, 58 tuổi, một người dân đã có nhiều năm trồng cà phê ở huyện Đác Hà cho biết, đây là những cơn mưa trái mùa, thường niên khi bước vào tháng 12 ở Tây Nguyên rất hiếm khi xảy ra mưa vì thời tiết đã chuyển hẵn sang mùa khô. Mưa trái mùa làm cho không khí dịu xuống, thời tiết mát mẻ. Nhưng đối với những người dân trồng cà phê thì đây là những trận mưa không như mong muốn.

Dù ủng hộ chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển dần sang đóng tàu vỏ sắt, nhưng nhiều ngư dân và chuyên gia cho rằng cần tránh chạy theo phong trào đóng tàu vỏ sắt, bởi tàu gỗ công suất lớn vẫn mang lại hiệu quả cao tùy theo mô hình, phương thức đánh bắt...

Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.

Sử dụng phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm như: giảm được lượng giống so với sạ lan khoảng 5 - 10 kg/công, sạ hàng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí giảm, nhưng năng suất từ bằng đến cao hơn sạ lan. Ngoài ra, sạ hàng khi bị mưa dập thì tỷ lệ chết giống cũng ít hơn sạ lan.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiện nay, nhất là tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 20-30% giá trị sản phẩm; các mô hình liên kết trong sản xuất hiện có của tỉnh do ngư dân tự nguyện hình thành nên tính liên kết thiếu bền vững.