Nhân Rộng Loại Hình Tổ, Đội Tàu Cá Vươn Khơi Bám Biển

Theo Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có khoảng 3.700 tổ, đội tàu cá với khoảng 22.000 tàu/140.000 lao động tham gia cùng vươn khơi bám biển.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014, tổ chức chiều 23/12 tại Hà Nội, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hay, tính đến ngày 10/12, cả nước có hơn 117.000 tàu cá, trong đó tàu cá đã đăng ký hơn 116.000 chiếc, chiếm 99% số tàu cá và số tàu đăng kiểm chiếm 95% tổng số tàu (khoảng 58.000 chiếc).
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.700 tổ, đội với khoảng 22.000 tàu/140.000 lao động tham gia. Riêng năm 2013, cả nước đã thí điểm thành lập được trên 50 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản.
Việc tổ chức khai thác hải sản theo hình thức tổ, đội không chỉ giúp ngư dân liên kết, tương trợ khai thác hải sản mà còn kết hợp hiệu quả trong việc bảo vệ an ninh trên biển.
Đánh giá về tình hình khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong năm qua, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phạm Ngọc Tuấn cho biết, năm 2013 sản lượng khai thác thủy sản trên biển ước đạt hơn 2,661 triệu tấn, trong đó, sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 2,474 triệu tấn, khai thác nội địa đạt 187.300 tấn.
Số tàu lắp máy hơn 90 sức ngựa đã tăng mạnh từ hơn 19.000 chiếc (năm 2009) lên 27.000 chiếc trong năm 2013, tăng 42% và tăng mạnh số lượng tàu đánh bắt xa bờ. Ngư dân đã chủ động đầu tư sản xuất theo hướng vươn khơi hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Công tác quản lý tàu cá và phòng chống lụt bão và giảm nhẹ hậu quả thiên tai đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Lĩnh vực cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và giảm tổn thất sau thu hoạch cũng từng bước được cải thiện; nhiều chủ tàu đã quan tâm đầu tư hầm bảo quản, tổ chức tốt hơn khâu bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng.
Trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã có chính sách khuyến khích hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần phát triển đội tàu xa bờ của cả nước và gia tăng sản lượng cho ngành khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn như: Biến động thời tiết ngày càng khó lường; đầu tư cơ sở hạ tầng và vốn sản xuất cho hoạt động khai thác thủy sản còn hạn chế; giá xăng dầu, vật tư, nhiên liệu tăng cao... cũng gây khó khăn cho ngư dân trong sản xuất, khai thác hải sản trên biển.
Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đề nghị Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiếp tục theo dõi sát và nắm chắc tình hình sản xuất, an ninh trên biển cũng như những biến động về thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả, bảo đảm an toàn cho ngư dân trên các vùng biển.
Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình tổ đội sản xuất trên biển, tổ chức các nghiệp đoàn nghề cá, nhất là xây dựng chính sách nhằm thu hút ngư dân tham gia loại hình sản xuất này; chú trọng việc bảo quản hải sản khai thác sau thu hoạch để giảm tổn thất.
Có thể bạn quan tâm

Bước vào mùa vụ ở Bắc Ninh, chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) luôn trở thành “tâm điểm” cần mẫn làm việc trên khắp những cánh đồng lúa chín rộ. Cùng với việc hoàn thành dồn điền đổi thửa ở nhiều địa phương, nhu cầu sử dụng cơ giới trong thu hoạch lúa tăng cao, việc đầu tư cho những chiếc máy GĐLH cũng được nhiều nông dân quan tâm và chuyển theo hướng chất lượng hơn.

Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, sản lượng thủy sản ngư dân Bình Định khai thác được trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 78.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt gần 5.000 tấn, tăng 6,6%. Sản lượng thủy sản khai thác được khá lớn, nhưng ngư dân không vui vì chi phí đầu vào đang ở mức cao, trong khi giá sản phẩm giảm mạnh.

Hiện giá nấm sò đang được các thương lái mua với giá 7 ngàn đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ), giá nấm mèo dao động từ 50-55 ngàn đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg). Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu là Trung Quốc giảm nhập hàng. Với giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, người trồng nấm lỗ hoặc chỉ huề vốn.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao các sở ngành, địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh Nam Định phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.567ha các loại; trong đó nuôi nước ngọt 9.408ha tập trung vào các loại cá truyền thống và 6.159ha nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp...