Nhãn Ido Cây Trồng Triển Vọng Ở Cù Lao Tân Phong (Tiền Giang)

Những năm gần đây, khi hiệu quả kinh tế của cây nhãn tiêu Huế bị ảnh hưởng vì bệnh “chổi rồng”, nhiều nhà vườn ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã mở rộng diện tích trồng nhãn Ido (một giống nhãn Thái Lan) vì năng suất cao, đầu ra ổn định và kháng sâu bệnh tốt.
Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Văn Lựa ở ấp Tân Bường A mang giống nhãn Ido về trồng ở cù lao Tân Phong. 6 công đất vườn của ông khi đó trồng nhãn tiêu Huế và chôm chôm nhưng giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Một lần nghe đài giới thiệu giống nhãn Ido tương đối dễ trồng, cho năng suất cao nên ông mua vài cây giống từ tỉnh Đồng Tháp về trồng thử.
Sau thời gian chăm sóc, thấy cây thích nghi, phát triển tươi tốt nên ông chiết nhánh, nhân rộng ra diện tích vườn còn lại và bán cây giống cho các nhà vườn lân cận. Ông cho biết, ưu điểm của nhãn Ido là sau ba năm trồng cây bắt đầu cho trái, sản lượng trái cao, giá bán hơn nhãn tiêu Huế từ 2-3 lần. Hiện nay, nhãn Ido được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra ổn định, nhà vườn có thể yên tâm canh tác.
Cũng chọn nhãn Ido làm cây trồng chuyên canh, anh Trần Thanh Nhàn ở ấp Tân Bường A cho biết ngoài ưu điểm năng suất cao, ít sâu bệnh thì loại nhãn này có thể xử lý ra hoa, cho trái theo ý muốn. Nhờ học hỏi kỹ thuật chăm sóc và chăm chỉ, kiên nhẫn nên nhiều năm qua, vườn nhãn của gia đình anh Nhàn là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trong khu vực.
Với 4 công nhãn Ido, mỗi năm anh thu hoạch 8 tấn trái, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh thu lãi 100 triệu đồng. Anh chia sẻ: “Giống nhãn này nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc lại phù hợp với vùng đất cát pha nơi đây nên phát triển tốt.
Trung bình mỗi cây nhãn Ido có thể cho thu hoạch từ 100kg - 200kg trái, cây cũng ít sâu bệnh hơn những giống nhãn khác nên cho lợi nhuận cao”.
Theo kinh nghiệm của anh Nhàn, năng suất nhãn Ido khá cao nên anh chỉ chừa lượng trái nhất định để trái to, mẫu mã đẹp, bán được giá và đảm bảo tuổi thọ cho cây. Sau khi thu hoạch nên tiến hành tỉa bỏ cành già, tạo tán cho cây. Điều quan trọng là người trồng nên đầu tư chăm sóc để cây khỏe, xử lý ra hoa dễ thành công. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng quyết định tỷ lệ cây ra hoa, đậu trái, do đó cần chọn mùa vụ, thời điểm thích hợp.
Ông Kiều Mạnh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong cho biết, 5 năm lại đây nhãn Ido được nhà vườn Tân Phong chọn trồng mới hoặc để cải tạo vườn già cỗi, bị thiệt hại vì dịch bệnh. Đặc biệt tại hai ấp Tân Bường A và Tân An, nhãn Ido trở thành cây trồng triển vọng do phù hợp thổ nhưỡng.
Trung bình mỗi công nhãn Ido đem lại lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/năm. Vì thế, cùng với các loại cây ăn trái đặc sản như sầu riêng, chôm chôm, nhãn Ido đang được xã khuyến khích và hướng dẫn người dân chọn lựa, thay đổi cây trồng phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn.
Có thể bạn quan tâm

Sản lượng cá tra nuôi của cả nước đã giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2013 gây khó cho doanh nghiệp trong việc thu mua chế biến xuất khẩu.

Ông bộc bạch với chúng tôi: “Ai cũng hè nhau ra rừng phi lao đào ao thả tôm. Vốn liếng chưa thu hồi được bao năm thì tôm thả xuống là chết. Mấy vụ liền như thế nên bà con nản chí, bỏ hồ không”.

Nhân kỉ niệm 54 năm ngày Bác Hồ về thăm làng cá 1.4, sáng ngày 28/3, Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam và Chi cục nuôi trồng thủy sản và Hội nghề cá Quảng Nam tổ chức thả 1.000 con tôm sú giống đã qua kiểm dịch đảm bảo chất lượng trước khi thả ra khu vực sông, thuộc rừng dừa Bảy mẫu xã Cẩm Thanh, TP Hội An.

Có những thời điểm, ông Hoàng Văn Thân ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm - Bắc Kạn) nuôi tới gần 100 con bò sinh sản. Bà con trong vùng khâm phục tài nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình nên đã trìu mến đặt cho ông Thân biệt danh là “vua bò”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, năm 2013, tỉnh phấn đấu đưa tổng diện tích sản xuất vụ lúa mùa, hè thu, đông xuân và thu đông lên hơn 733.850 ha; dự kiến năng suất bình quân 6 tấn/ha và phấn đấu đưa sản lượng lên 4,4 triệu tấn.