Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhà vườn tất bật vào vụ trái cây mùa Tết

Nhà vườn tất bật vào vụ trái cây mùa Tết
Ngày đăng: 09/11/2015

Như đến hẹn lại lên, thời điểm này, việc chuẩn bị trái cây Tết đã “nóng” dần lên khi nhà vườn bắt đầu “tung” các “tuyệt chiêu” kỹ thuật, tài nghệ trong chăm sóc, xử lý để cây cho trái đẹp, năng suất cao và nhất là thu hoạch đúng thời điểm, góp phần làm sôi động, phong phú cho thị trường cuối năm.

“Toan tính”

Nắm bắt nhu cầu trái cây Tết tăng cao nhằm phục vụ yêu cầu tiêu dùng, chưng Tết của người dân, nhiều năm qua, nhà vườn rất quan tâm áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, xử lý để cây cho trái chín thu hoạch bán đúng vào dịp Tết.

Năm nay cũng vậy, để có trái cây chín đúng vào dịp Tết, nhà vườn đã phải tính toán rất kỹ, chọn thời điểm xử lý phù hợp cho từng chủng loại cây ăn trái với số lượng hợp lý để bán được giá tốt nhất, cho lợi nhuận cao nhất.

Bà Thái Thị Bông, ấp Mỹ, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành) cho biết, dù sa pô cho trái quanh năm, vú sữa cho trái vụ chính vào thời điểm Tết nhưng để có trái đẹp, số lượng theo ý muốn, bà phải điều chỉnh cách chăm sóc.

Theo bà Bông, mấy tháng qua, sa pô cho thu hoạch rất ít, nhưng lứa trái cho thu hoạch từ nay đến Tết đã khá hơn, nhất là đợt Tết. Hiện nay, lứa sa pô thu hoạch đợt Tết đã cho trái bằng ngón tay cái.

Còn vú sữa năm nay cho 2 đợt trái: 1 đợt thu hoạch trong Tết và 1 đợt ngoài Tết.

Lứa vú sữa bằng ngón chân cái cho thu hoạch đợt Tết năm nay ước trên 1.000 trái. Nhưng loại trái cây được ưa chuộng hơn cả trong thị trường Tết là các loại trái cây có múi như bưởi, quýt.

Bởi đây là những trái cây được người dân thích dùng để chưng trên mâm ngũ quả, bàn thờ tổ tiên.

Dù cho trái nhiều đợt trong năm, khâu xử lý không quá phức tạp, nhưng để có trái bưởi thu hoạch bán Tết vừa to vừa đẹp, từ khoảng 7, 8 tháng trước Tết, nhà vườn đã tập trung bón phân, chăm sóc, loại bớt những trái không đạt kích cỡ, không đẹp để cây bưởi có thể tập trung dinh dưỡng cho những trái thu hoạch đúng Tết.

Dù còn đến hơn 3 tháng nữa mới đến Tết, nhưng vườn bưởi da xanh Tết của vườn bà Phan Thị Út, ấp Phú Hòa, xã Long Khánh (TX.

Cai Lậy) đã cho trái đạt kích cỡ trên dưới 1 kg/trái.

Đó là nhờ nhiều tháng qua, bà thường xuyên cắt bỏ những trái không đạt yêu cầu, tuyển chọn những trái đẹp, đạt kích cỡ bán Tết. “Năm rồi, bưởi cho trái ít mà vườn của tôi thu hoạch đợt Tết cũng bán được gần 1 tấn, với giá 58.000 đồng/kg.

Năm nay, cây cho trái nhiều hơn nên khả năng thu hoạch trên 1 tấn. Cùng với đó, giá bưởi da xanh từ đầu năm đến giờ luôn ở mức cao (thấp nhất cũng 40.000 đồng, lúc cao lên gần 60.000 đồng/kg).

Với tình hình này, khả năng Tết năm nay giá bưởi da xanh sẽ không dưới 50.000 đồng/kg” - bà Út dự đoán.

Cùng với nhiều loại trái cây khác, hơn 1 tháng qua, nông dân trồng khóm phụng, khóm son cũng đã bắt đầu vào vụ Tết.

Dù thịt vừa dai lại “lạt nhách”, nhưng khóm phụng rất được người dân ưa chuộng vào dịp lễ, Tết, bởi nó có màu sắc sặc sỡ, hình dáng kỳ vĩ nên rất được người dân ưa dùng chưng trên mâm ngũ quả.

Anh Lê Văn Sáu Nhỏ, ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) cho biết, khoảng 1.000 cây khóm phụng của anh đã được xử lý bằng khí đá vào ngày 25-8 (ÂL) vừa rồi.

Từ đó đến nay, anh thường xuyên chăm sóc, bón phân để cây sung sức cho trái to, đẹp (trái càng đẹp bán giá càng cao).

“Hiện nay, cây khóm phụng phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ cho trái đẹp.

Vụ Tết năm rồi, vườn khóm phụng của tôi cho trái rất đều, đẹp nên bán được giá cao (500.000 đồng/trái đẹp).

Tôi hy vọng năm nay cũng thế” - anh Sáu Nhỏ cho biết.

Cùng họ với khóm phụng, tuy không có hình dáng kỳ vĩ nhưng với màu đỏ tươi bắt mắt, khóm son cũng được nhiều người dân ưa chuộng dùng chưng Tết, thể hiện sự sung túc cũng như mong ước trong năm mới mọi việc đều tốt đẹp.

Không ít rủi ro

Những năm gần đây, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng cây ăn trái ngày càng rộng rãi trong nhà vườn.

Cùng với đó thời tiết ngày càng diễn biến bất thường nên sản xuất trái cây vụ Tết ngày càng đối diện với nhiều rủi ro.

Đó là chưa nói đến, giá trái cây Tết lên xuống bất thường.

Ông Hòa, xã Kim Sơn (huyện Châu Thành) cho biết: “Bên cạnh thời tiết, giá trái cây Tết những năm gần đây rất khó nói.

Có khi từ ngày 10 - 20 tháng Chạp, sa pô giá rất cao, nhưng đến ngày 20 trở đi giá xuống rất thấp và ngược lại.

Riêng vú sữa, nếu chín rộ vào dịp gần Tết thì giá sẽ xuống rất thấp, còn nếu chia thành nhiều đợt chín thì giá sẽ tốt hơn.

Ngay cả bưởi là mặt hàng “nóng” nhất trong thị trường Tết nhưng cũng nhiều khi bị ế hàng, dội chợ”.

Ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, Châu Thành có những loại trái cây chủ lực phục vụ thị trường Tết như bưởi, sa pô, vú sữa…

Đến giờ chưa thể nói được trái cây vụ Tết năm nay như thế nào nhưng những rủi ro, áp lực mà nhà vườn đang và sẽ phải đối mặt là áp lực giá cả và diễn biến bất thường của thời tiết.

“Có thể do thời tiết nên nhiều loại cây cho trái chín tập trung vào thời điểm Tết mà không chín rải rác thành từng đợt như những năm trước nên nhiều khả năng sẽ tăng áp lực về sản lượng và giá cả trái cây Tết năm nay” - ông Huỳnh Hữu Hòa cho biết.

Giá cả trái cây Tết giờ đã trở thành nỗi lo chung của nhà vườn sản xuất trái cây Tết.

Để đối phó điều này, nhiều nhà vườn cho biết chọn giải pháp thu hoạch bán trước Tết.

Thậm chí, có nhà vườn còn bán trái trên cây trước Tết cả tháng (thương lái đặt cọc và ấn định mức giá tại thời điểm thỏa thuận nhưng đến gần Tết mới thu hoạch).

Nhưng xem ra giải pháp này cũng khó thể “lưỡng toàn kỳ mỹ”, bởi khi giá trái cây xuống thấp, thương lái sẽ “dạt” rất mạnh tay.

“Giờ chỉ còn cách: Một mặt, nhà vườn cố gắng xử lý, chăm sóc cho trái đẹp, năng suất; mặt khác vừa nghe ngóng thị trường để kịp thời quyết định “tung hàng” vào thời điểm giá có lợi nhất” - một chủ vườn cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Xuống Giống Ồ Ạt, Nhiễm Rầy Hàng Loạt Xuống Giống Ồ Ạt, Nhiễm Rầy Hàng Loạt

Phần lớn lúa đông xuân niên vụ 2011-2012 đang còn ở trên đồng, nhưng nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã lại nôn nóng xuống giống lúa vụ xuân hè (hè thu sớm) trên diện tích lớn. Và một diện tích lớn vụ này đã sớm bị nhiễm rầy nâu.

21/03/2012
Nuôi Chim Yến Trên Cao Nguyên Nuôi Chim Yến Trên Cao Nguyên

Nói tới nghề nuôi chim yến, người ta thường nghĩ ngay tới các vùng ven biển như Khánh Hòa, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Giờ - TP HCM… Nhưng ít ai biết rằng, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng lại đang phát triển nghề nuôi chim yến, mở ra hướng chăn nuôi mới cho người dân nơi đây.

19/03/2012
Trùn Quế Mang Lại Nguồn Lợi Lớn Trùn Quế Mang Lại Nguồn Lợi Lớn

Trùn quế là loại thức ăn giàu đạm giúp các loại gia cầm như: gà, vịt, bồ câu... lớn nhanh. Không những thế trùn quế còn có khả năng rất đặc biệt là có thể xử lý phân gia súc, gia cầm thành loại phân vi sinh giàu dinh dưỡng dùng để bón cây trồng. Nắm bắt được lợi ích đó, anh Nguyễn Văn Tánh ở thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp (TP. Phan Thiết - Bình Thuận) đã mạnh dạn đầu tư nuôi trùn quế. Hiện mô hình này đã mang lại nguồn lợi lớn cho gia đình anh.

27/06/2012
Kiểm Soát Chặt Dư Lượng Thuốc BVTV Trong Rau Quả Xuất Khẩu Kiểm Soát Chặt Dư Lượng Thuốc BVTV Trong Rau Quả Xuất Khẩu

Muốn giữ vững thị trường lớn cho xuất khẩu rau quả như thị trường EU, không còn cách nào khác, chúng ta phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong rau quả.

22/04/2012
Nuôi Tôm Nước Lợ 2012 - Áp Dụng Tiêu Chuẩn An Toàn Nuôi Tôm Nước Lợ 2012 - Áp Dụng Tiêu Chuẩn An Toàn

Những hạn chế trong công tác kiểm soát tôm giống, liên kết trong sản xuất… là chuyện không mới trong nuôi trồng thủy sản. Tại hội thảo đánh giá nuôi trồng thủy sản năm 2009- 2011 vừa được Sở NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng những tiêu chuẩn an toàn, bền vững trong nuôi tôm sẽ tháo gỡ được những hạn chế trên.

07/01/2012