Nhà Vườn Đua Nhau Trồng Kiểng Bán... Lá, Thu Ngàn Đô

Thay vì trồng cây để bán củ, trái, hoa…, thời gian gần đây nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang đua nhau trồng cây kiểng để bán lá, nhờ đó nhiều hộ đã có thu nhập lên tới 20 triệu đồng/tháng.
Trò chuyện với chúng tôi, lão nông Nguyễn Văn Liệt ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) - một trong những nhà vườn khởi xướng phong trào trồng cây kiểng bán lá trên địa bàn xã Tân Thiềng cho biết: “Trước đây có một số thương lái đến vườn nhà tôi đặt thẳng vấn đề về việc họ có nhu cầu mua lá của một số loại cây kiểng với giá cao, số lượng nhiều. Họ khuyên tôi trồng và hứa sẽ thu mua hết sản phẩm. Lúc đầu tôi cũng do dự lắm, tuy nhiên thấy đất trong vườn măng cụt, sầu riêng còn trống nhiều chỗ nên tôi mạnh dạn “làm liều”, trồng xen thêm cây cau vàng, phát tài để thử thời vận”.
Theo tính toán của ông Liệt, trung bình mỗi năm, vườn măng cụt, sầu riêng của gia đình thu được khoảng 20 triệu đồng (chưa tính tiền mua phân bón, thuốc), nhưng nhờ trồng thêm các loại cây kiểng bán lá nên thu nhập đã tăng thêm khoảng 20 triệu đồng/năm (cứ 1,5 tháng, ông Liệt thu hoạch lá bán 1 lần, thu về khoảng 3 triệu đồng).
Thấy nhiều gia đình trồng cây bán lá vừa nhàn, vừa có thu nhập khá nên bà Bùi Ngọc Nga (ấp Long Khánh, xã Tân Thiềng) cũng tận dụng diện tích đất trong vườn nhà để trồng trúc đốm, cau vàng. Bà Nga cho biết, hiện trúc đốm của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch, còn cau vàng thì mới trồng nhưng đã có thương lái đến thăm hỏi, hướng dẫn cách trồng và dặn đến khi nào bán thì gọi sẽ đến mua ngay.
Theo nhiều nhà vườn ở Chợ Lách, các loại cây bán lá nhìn chung dễ trồng và cho thu nhập khá ổn định. Hiện, lá cây cau vàng có giá cao nhất, dao động từ 300 - 500 đồng/lá (tùy kích cỡ), phát tài sọc 100 đồng/lá, dạ lan thanh 250 đồng/lá… Bà Nguyễn Thị Bích – một trong hơn 10 thương lái chuyên thu mua lá cây kiểng ở ấp Tân Tây (xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách) cho biết: “Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua từ 6.000 - 10.000 lá cau vàng để đem đi bán lại cho các cơ sở, cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh rồi chuyển ra Hà Nội và một số tỉnh khác. Hiện, lá cây kiểng đang được giá, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết giá thường tăng rất cao”.
Ông Dương Văn Huyền - Chủ nhiệm HTX Cây giống và hoa kiểng Cái Mơn cho biết: “Do trồng các loại kiểng lá có đầu ra thuận lợi, ít sâu bệnh, lại nhẹ công chăm sóc nên nhiều hội viên trong HTX cũng tham gia trồng kiểng bán lá, có hộ thu nhập tới 20 triệu đồng/tháng. Cứ đến ngày thu hoạch là thương lái đến cắt lá, cho lên xe tải chở đi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Chợ Lách cho biết thêm: “Những năm gần đây, các loại kiểng lấy lá tiêu thụ khá ổn định, do dùng để trang trí kèm với hoa tươi nên kiểng lá có thể bán được quanh năm, trồng ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Hiện trên địa bàn huyện đang có khoảng 4,7 triệu cây giống và hoa kiểng, trong đó có khoảng 1 triệu cây kiểng dùng để bán lá”.
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/nha-nong/nha-vuon-dua-nhau-trong-kieng-ban-la-thu-ngan-do-509909.html
Có thể bạn quan tâm

50 người nuôi tôm và các khuyến ngư viên cơ sở thuộc các trạm khuyến ngư – khuyến nông ở các huyện, thị, thành phố trên toàn địa bàn tỉnh Khánh Hoà đã được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hoạt động do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm khuyến ngư – khuyến nông tỉnh tổ chức trong 2 ngày 14 và 15/10.

Sau khi hoàn thành khâu thu hoạch nuôi thủy sản nước lợ chính vụ, bà con ngư dân các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng An, Quảng Phước và thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành thả nuôi 210 ha cua trái vụ.

Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên người dân ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Tuy nuôi cá đang mang lại hiệu quả cao nhưng không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng.

Anh Dũng cho biết, lưới được giăng vào buổi tối, đến sáng kéo lưới thì thấy một con cá rất lớn đang nằm trong lưới. Con cá giãy giụa đã làm rách một phần lưới nhưng không thoát được. Anh Dũng đã dùng dây luồn vào mang con cá, buộc lại, rồi nhờ vài người nữa kéo vào bờ.

Học đi đôi với hành sẽ giúp học viên nắm vững kiến thức và có thể vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất. Đây là phương châm của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau khi Trung tâm này đang mở các lớp học tại hiện trường về kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi.