Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhà Nông Lo Lắng Vì Ớt Rớt Giá

Nhà Nông Lo Lắng Vì Ớt Rớt Giá
Ngày đăng: 29/04/2014

Từ đầu năm đến nay, người trồng rau tại khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai phải trải qua hai vụ mùa điêu đứng. Những tưởng cây ớt sẽ đem lại chút hy vọng sau vụ rau, dưa thất bát nhưng thị trường lại một lần nữa chẳng chiều lòng người…

Giá ớt xuống thấp

Được gieo trồng sau Tết, đến nay hầu hết các ruộng ớt của bà con nông dân huyện Đak Pơ đang vào mùa thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá ớt xuống thấp khiến việc thu hoạch cũng như mua bán trở nên khá trầm lắng. Hiện tại, ớt tươi được thương lái mua tại ruộng với giá từ 10.000 đồng đến 13.000 đồng/kg, thấp hơn gần một nửa so với vụ ớt trước Tết nguyên đán.

Theo tính toán của người dân thì vốn đầu tư trung bình cho một sào ớt khoảng 15-20 triệu đồng, thời gian từ lúc trồng cho tới khi thu hoạch kéo dài khoảng 3-4 tháng. Với mức giá đầu mùa 20.000-50.000 đồng/kg, bà con nông dân vẫn có thể lời được 40 triệu đồng/sào, thậm chí nhiều hơn.

Nhưng trong vụ mùa này, giá bán ra quá thấp khiến nông dân không khỏi lo lắng. Gia đình ông Lê Văn Ơn (thôn Thuận Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ) trồng hơn một sào ớt, đến nay đã thu hoạch được 5 lần. Ông Ơn buồn rầu cho biết: “Năm nay trời nắng hạn kéo dài, giếng nhà cạn nên thiếu nước để tưới khiến ớt cho trái nhỏ, không đạt năng suất, bình quân chắc được 1,5 tấn, mà giá ớt lại thấp thế này, tôi chỉ mong hòa vốn”.

Cũng đầu tư trồng khoảng một sào ớt, bà Hạnh (thôn An Cư, xã Cư An, huyện Đak Pơ) không khỏi lo lắng. bà Hạnh cho biết: “Năm nay trồng ớt vất vả hơn các năm trước do phải đầu tư công chăm sóc, tiền thuốc trị bệnh cho cây nhiều hơn. Trời nắng nóng khiến ớt bị thiếu nước, quả bị héo. Hiện tại ruộng ớt nhà tôi cũng thu gần xong rồi, nhưng cũng mới gỡ lại được hơn 10 triệu đồng tiền vốn thôi”.

Lấy công cũng chẳng mong lời

Các thương lái mua ớt cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho ớt rớt giá so với vụ trước Tết là do người dân ồ ạt trồng loại cây này trong khi các vùng, các tỉnh vốn là nơi tiêu thụ ớt đến nay cũng đã tự trồng để cung cấp, dẫn đến ớt bị dư ra và rớt giá.

Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi)-chủ một vựa ớt tại xã Cư An (huyện Đak Pơ) cho biết: “So với vụ mùa trước thì vụ này mua có chậm hơn do ớt bị rớt giá. Ớt phơi khô xuất khẩu đi cũng chậm hơn do lượng ớt tươi còn quá nhiều. Từ đầu mùa đến nay tôi chưa xuất tấn ớt khô nào, vì vậy tôi cũng chỉ mua cầm chừng khoảng 1 tấn/ngày và cũng không biết khi nào mới xuất được”.

Bên cạnh giá ớt hạ, chi phí đầu tư khá cao thì tiền thuê nhân công hái ớt cũng là một trong những nguyên nhân kéo đồng lời của nông dân xuống thấp. Ớt được trồng quá nhiều, các ruộng vào vụ thu hoạch cùng thời điểm khiến nhân công hái ớt trở nên khan hiếm.

Giữa các nhà trồng ớt diễn ra việc tranh giành và giữ chân công hái. Ông Ơn rầu rĩ nói: “Tiền công hái ớt 5.000-6.000 đồng/kg hoặc 120.000-150.000 đồng/người/ngày, mất một nửa giá bán ớt. Tính thêm chi phí đầu tư và công chăm sóc thì tôi chỉ lời được hơn 1.000 đồng/kg. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì không có công để hái trong khi không thể để cả ruộng ớt chín rục được”.

Cô Đinh Thị Hạnh-một công hái thuê cho biết: “Từ đầu mùa ớt tới giờ, trừ những ngày đau ốm thì tôi chưa nghỉ đi hái ớt thuê ngày nào bởi lúc nào cũng có việc. Nhưng năm nay các chủ vườn lại giữ cứng công hái vì sợ đến lượt thu hoạch không có người nên tôi cũng chỉ hái cho một nhà. Chỉ trong thời gian chờ ớt chín tôi mới đi hái cho chỗ khác”.

Thêm một vụ ớt rớt giá khiến bà con nông dân ngao ngán!


Có thể bạn quan tâm

Quảng Ngãi Nhân Rộng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Quảng Ngãi Nhân Rộng Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2013 toàn tỉnh đã thực hiện được 10 cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa, với tổng diện tích 280 ha.

13/11/2013
Xây Dựng 4 Cánh Đồng Mẫu Lớn Đậu Phụng Xen Mì Vụ Đông Xuân Xây Dựng 4 Cánh Đồng Mẫu Lớn Đậu Phụng Xen Mì Vụ Đông Xuân

Để việc triển khai cánh đồng mẫu lớn đạt kế hoạch và hiệu quả cao, huyện chủ động yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị đủ lượng giống cần thiết để cung ứng cho nông dân. Đồng thời, tổ chức tập huấn, triển khai quy trình sản xuất và lịch thời vụ theo quy định của ngành Nông nghiệp tỉnh. Để việc tiêu thụ thuận lợi, hiện Công ty cổ phần chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định ký kết hợp đồng bao tiêu củ mì với nông dân.

13/11/2013
Gieo Cấy Được 9.779 Ha Lúa Tại Các Xã Vùng Tôm - Lúa Gieo Cấy Được 9.779 Ha Lúa Tại Các Xã Vùng Tôm - Lúa

Sau khi thu hoạch tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tính đến nay, nông dân các xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã gieo cấy được 9.779 ha lúa, đạt 88,9% so kế hoạch, các xã có diện tích xuống giống đạt chỉ tiêu từ 100% trở lên là: Thạnh Phú, Gia Hòa 2, Tham Đôn, Thạnh Quới. Ngoài các giống lúa chủ lực như: ST5, OM 4900, OM 6162… năm nay nông dân còn chọn các giống ngắn ngày có khả năng chịu mặn để đưa vào sản xuất.

13/11/2013
Nông Dân Xót Xa Nhìn Tiêu Chết Nông Dân Xót Xa Nhìn Tiêu Chết

Tiêu chết nhanh, chết chậm (thối gốc, rễ) luôn là nỗi ám ảnh lớn của người nông dân bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một biện pháp nào để khắc phục hiệu quả căn bệnh này. Với người trồng tiêu huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, năm nay lại là một mùa vụ buồn khi mà diện tích tiêu tàn lụi ngày một tăng. Thậm chí, ở nhiều hộ gia đình, số lượng tiêu sống chỉ còn vài trụ.

13/11/2013
Trồng Nấm Bào Ngư Được Đảm Bảo Đầu Vào, Bao Tiêu Đầu Ra Trồng Nấm Bào Ngư Được Đảm Bảo Đầu Vào, Bao Tiêu Đầu Ra

Mô hình trồng nấm bào ngư xuất hiện ở TX. Gò Công (Tiền Giang) khoảng 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người mua phôi nấm không rõ nguồn gốc, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng; đầu ra sản phẩm nấm bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá… nên không ít người trồng lâm vào cảnh lỗ vốn, bỏ nghề.

13/11/2013