Nguy cơ xóa sổ làng hoa đất Cảng

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hoa của làng từng "xuất ngoại"…; giờ lay lắt trước làn sóng đô thị hóa.
Quá khứ rực rỡ chưa xa
Đằng Hải vốn là vùng ven thành phố, đất đai phù sa màu mỡ, bằng phẳng. Theo nhiều hộ thì cha ông họ đã trồng hoa trên mảnh đất này hàng trăm năm trước.
Cùng với việc phát triển kinh tế, mở cửa thị trường, làng hoa phát triển mạnh vào những năm 80, 90 thế kỷ XX. Khi đó, nhận định nghề trồng hoa là thế mạnh, địa phương đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng hoa.
Chỉ trong vòng 4 năm, từ 1992 - 1996, 100% diện tích đất lúa được cải tạo thành vườn trồng hoa. Diện tích hoa tăng lên đến 150 ha, trở thành nguồn thu nhập chính của người dân.
Thực tiễn trồng hoa qua nhiều thế hệ đã sản sinh những nông dân tài hoa, giàu kinh nghiệm và bí quyết trong nghề.
Họ đã tạo ra những sản phẩm hoa cao cấp, trở thành thương hiệu của hoa Đằng Hải một thời như hoa đồng tiền kép cánh dày, nhiều màu sắc, lay ơn thân chắc mập, thẳng tắp, bông to với đủ sắc màu; rồi cúc vàng, hồng nhung đỏ thắm, bền màu, tươi lâu...
Cho đến cách đây hơn chục năm, Đằng Hải vẫn là một miền hoa nên thơ, rực rỡ. Nhà nhà tràn ngập sắc hoa tươi thắm, từ thềm, sân đến vườn, hàng rào... Làng trồng 3 vụ hoa một năm. Náo nức rộn ràng nhất là vụ trồng hoa tết.
Giáp tết, tất cả các con đường làng đều là chợ hoa. Những chuyến xe nườm nượp đưa hoa đi khắp các tỉnh thành. Với vẻ đẹp đặc sắc, Đằng Hải còn được kỳ vọng trở thành một điểm du lịch thú vị của thành phố hoa phượng đỏ.
Nhưng giấc mơ đó ngày càng xa vời, khi làng hoa đang liêu xiêu trước làn sóng đô thị hóa.
Tan tác làng hoa
Năm 2003, khi quận Hải An được thành lập, Đằng Hải từ xã lên phường. Từ đó đến nay, nhiều dự án xây dựng lớn được triển khai tại đây như đường Lê Hồng Phong, khu đô thị Ngã Năm - sân bay Cát Bi, khu trung tâm hành chính quận Hải An, khu nhà tái định cư…
Với tốc độ đô thị hóa từng ngày, giá đất trên địa bàn phường Đằng Hải hiện rất cao, có thể tới 20 - 30 triệu đồng/m2. Nhiều hộ có ruộng vườn rộng đã chia nhỏ ra để bán.
Vì thế, những cánh đồng hoa mênh mông của Đằng Hải bị thu hẹp chóng mặt và bị chia cắt thành những vườn hoa nhỏ hẹp, xen kẹt giữa các khu dân cư.
Đằng Hải nay chỉ còn chút dư âm của làng hoa cũ. Nếu như trước kia, nơi đây có hơn 70% số hộ trồng tổng cộng 150 ha hoa, thì nay chỉ còn dưới 30% số hộ trồng chưa đến 30 ha.
Những hộ tâm huyết với nghề trồng hoa, cố gắng tận dụng diện tích còn lại, bám trụ với nghề thì khó khăn chồng chất. Cái khó lớn nhất hiện nay là việc tưới tiêu không đảm bảo. Các dự án xây dựng đã chặn dòng, phá vỡ hệ thống tưới tiêu...
Theo ông Lương Văn Ương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đằng Hải, hiện không còn đủ diện tích đất để quy hoạch làng hoa. Phường chỉ còn mong giữ lại thương hiệu cho hoa Đằng Hải bằng chợ hoa đã có trên địa bàn từ hàng trăm năm trước và là chợ đầu mối của Hải Phòng. Tuy nhiên đến nay chợ vẫn chưa được xây dựng, bà con vẫn tập trung bán mua ở ngoài đường.
Các hộ phải tự lo nước tưới, lo thoát nước khi úng ngập. Nguồn nước tưới bị ô nhiễm do hứng trọn nguồn thải từ các khu dân cư xung quanh. Nước bẩn khiến cho hoa không phát triển được, lại bị nhiều sâu bệnh.
Người dân bây giờ chỉ trồng được những loài hoa dễ sống, ít cần chăm tưới như mẫu đơn, sống đời… Những loài hoa cao cấp, kén đất và nước sạch như hoa lay ơn trắng, hồng nhung nhiều màu đã vắng bóng hoàn toàn.
Mùa khô thì thiếu nước tưới, mùa mưa lại nơm nớp lo ngập. Nhiều hộ tôn vườn cao lên đến 60 - 70 cm mà đến mùa mưa vẫn bị úng, phải dùng máy bơm tiêu nước liên tục.
Tìm lối thoát
Với diện tích ít ỏi còn lại để trồng hoa, những người làm nghề đang tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để vượt khó. Một số hộ chuyển sang trồng cây cảnh trong chậu để chủ động hơn trong tưới tiêu hay trồng các loại hoa nhập ngoại năng suất cao như hồng Mỹ, lay ơn Pháp, đồng tiền Thái Lan, cúc Hà Lan…
Nhiều hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng hoa trong nhà lưới, nhà nilon.
Cách đây vài năm, hộ ông Đàm Văn Hiếu ở khu 5 hay ông Lê Hữu Châu ở khu 7 đã đầu tư trồng hoa ly và đồng tiền trong nhà lưới, thu hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao cần đầu tư lớn về vốn, công sức, kỹ thuật nên số hộ đầu tư không nhiều.
Cũng có nhiều người có vốn thì thuê đất ở các huyện khác trong thành phố, những nơi có điều kiện thổ nhưỡng gần giống Đằng Hải để tiếp tục nghề trồng hoa.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Hải An đến 2020, nông nghiệp quận được định hướng là nông nghiệp đô thị sinh thái với một trong những sản phẩm chính là hoa, cây cảnh.
Nhằm bảo tồn làng hoa truyền thống, địa phương có dự án bảo tồn làng hoa với diện tích 50 ha nhưng hầu hết diện tích này đã nằm trên các khu dân cư, gần hết đất canh tác.
Có thể bạn quan tâm

Trong khi mô hình nuôi chồn nhung đa cấp của ông Đoàn Việt Châu đang cận kề bờ vực thì mô hình của Cty TNHH Đào tạo Thương mại điện tử Giấc Mơ Việt (Vdream) đã chính thức khai tử. Một lần nữa, giấc mơ làm giàu từ chồn nhung đen của người dân tan vỡ.

Theo ông Bùi Bá Sự, PGĐ Kinh doanh Cty TNHH Việt - Úc, khách hàng có nhu cầu mua tôm thẻ chân trắng (TTCT) giống của Cty, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam đang tăng cao.

Theo dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể bị phạt tiền từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng nếu có hành vi xả nước thải vào nguồn nước với lưu lượng nước thải từ 3.000 m3/ngày, đêm trở lên mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật; phạt tiền 25 - 50 triệu đồng đối với hành vi xả nước thải có chứa chất độc hại, chất phóng xạ vào nguồn nước của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng nước thải không vượt quá 5 m3/ngày, đêm...

Trồng lúa, xay gạo để nấu cơm, chế biến bột, làm bún, làm bánh… là chuyện bình thường, nhưng chế biến gạo thành trà uống quả là độc đáo. Ý tưởng này đang được nông dân Trần Thanh Phương thực hiện.

Ngày 26-3, ông Phan Chánh Thi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, cho biết từ đầu tháng 3 đến nay đã xuất hiện tình trạng nghêu chết, khoảng trên 300 tấn tại các HTX thủy sản trong tỉnh.