Nguy Cơ Gieo Cấy Chậm Trễ Thời Vụ

Thời điểm này là lúc bà con nông dân phải xuống đồng để làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa đông xuân. Nhưng, nhiều cánh đồng vẫn còn lênh láng nước, chưa được đấu úng nên nhiều nguy cơ vụ đông xuân sẽ gieo cấy chậm trể.
Mấy ngày này, gia đình ông Lê Văn Thông (xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) ra đồng cải tạo đất đai, xử lý cát bồi lấp, be bờ, đắp đập để đấu úng đồng ruộng. Chiếc máy bơm dầu suốt ngày chạy hết công suất nhưng vẫn khó có thể đấu úng kịp thời.
“Các đợt lũ vừa qua không chỉ làm bồi lấp đồng ruộng, mà còn gây ngập úng đến nay vẫn chưa rút hết. Các công trình đê bao, kênh mương thủy lợi bị hư hỏng chưa được khắc phục nên công tác đấu úng gặp nhiều khó khăn” - ông Thông nói với chúng tôi.
Phong Chương là xã thấp trũng của huyện Phong Điền. Đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn có khoảng 200 ha đồng ruộng bị ngập đến nay vẫn chưa đấu úng, do nhiều hệ thống kênh mương bị vỡ, nứt gãy chưa được khắc phục. Chính quyền và người dân địa phương đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình để kịp thời đấu úng phục vụ sản xuất lúa đông xuân.
Các xã Quảng Thọ, Quảng Lợi, Quảng Thái, thị trấn Sịa... (huyện Quảng Điền) cũng lâm vào cảnh tương tự. Nhiều cánh đồng đến nay vẫn còn ngập nước lênh láng. Nhiều công trình đê bao, kênh mương thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng trong các đợt lũ vừa qua vẫn chưa được khắc phục khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc đấu úng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Đình Đức cho biết: “Các đợt lũ vừa qua khiến các hồ đập Thủy lập, Nho Lâm Nghĩa Lộ, đập Bao, thủy lợi Tây Hưng và nhiều kênh mương... bị nứt gãy, hư hỏng khá nặng gây khó khăn trong tiêu úng. Trên địa bàn huyện có khoảng 2.000 ha đồng ruộng vẫn còn ngập nước, bà con nông dân không thể làm đất để gieo cấy đúng khung lịch thời vụ. Trước mắt, UBND huyện yêu cầu các địa phương, hợp tác xã tập trung mọi nỗ lực gia cố hệ thống đê bao, kênh mương, vận hành toàn bộ trạm bơm điện, huy động thêm trạm bơm dầu để đấu úng kịp thời gieo cấy vụ đông xuân.
Theo ông Đỗ Văn Đính - Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước 1 TV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các đợt lũ trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua khiến nhiều công trình đê bao, kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng. Qua kiểm tra, ngoài yếu tố tác động của thiên tai, một phần các công trình được xây dựng lâu năm, chất lượng không đảm bảo đã bị xuống cấp, dễ hư hỏng do bão lũ. Các công trình thủy lợi bị hư hỏng, cộng thêm tác động của triều cường khiến công tác tiêu úng đồng ruộng thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
Công ty TNHH Nhà nước 1 TV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi, phối hợp với các địa phương, huy động tất cả các trạm bơm điện và máy bơm dầu để tiêu nước trong đồng ruộng. Nhưng đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh vẫn còn gần 10 ngàn ha đồng ruộng, trong diện tích hơn 27 ngàn ha toàn vụ đông xuân vẫn còn ngập nước, người dân không thể làm đất để xuống giống.
Diện tích ngập úng trên chủ yếu tập trung ở các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang... Tình trạng ngập nước chưa được đấu ứng khiến nhiều diện tích lúa ở các địa phương gieo cấy chậm trễ so với tiến độ vụ đông xuân, ảnh hưởng đến lịch thời vụ lúa hè thu 2014, ông Đính cho biết thêm.
Với hệ thống đê bao nội đồng bị hư hỏng, các địa phương chỉ có thể khắc phục tạm thời, còn đê bao ven sông đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên khó có thể khắc phục. Trong khi theo Trung tâm Dự báo Khí thượng Thủy văn Trung ương, khoảng một tuần nữa là xảy ra thời tiết tiểu hàn, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa kéo dài, khiến các đồng ruộng vừa tiêu úng có nguy cơ tái ngập.
Các cơ quan, ban ngành cấp trên cần sớm quan tâm hỗ trợ, đầu tư kinh phí để các địa phương sửa chữa, nâng cấp các công trình, kịp thời tiêu úng phục vụ sản xuất đông xuân, ông Đính lo lắng.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ước thiệt hại các công trình đê bao, thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong các lũ vừa qua trên 31 tỷ đồng. Chính phủ cũng đã hỗ trợ cho tỉnh 35 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão lũ. Tỉnh đang kiến nghị Chính phủ hỗ trợ thêm 70 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình; trước mắt, yêu cầu các địa phương trích ngân sách, chủ động khắc phục các công trình kịp thời phục vụ sản xuất đông xuân.
Có thể bạn quan tâm

Vụ tôm đầu năm nay, tỉnh Bình Định thả nuôi gần 2.200 ha diện tích mặt nước. Song nhiều vùng nuôi trọng điểm mới thả giống được 1 tháng rưỡi thì tôm đã lăn đùng ra chết hàng loạt khiến người nuôi hoang mang.

Vụ nuôi tôm xuân – hè 2014, huyện Hoằng Hóa phấn đấu nuôi thả 1.359 ha tôm; trong đó, diện tích thả tôm sú là 1.351 ha, tôm he chân trắng là 8 ha. Từ đầu tháng 4 đến nay, do thời tiết ấm áp, các chủ đầm nuôi tôm đã đấu mối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa để lấy nguồn giống bảo đảm chất lượng vào nuôi thả.

Không phụ thuộc vào con tôm, nhiều năm qua, hội viên Cựu chiến binh (CCB) ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm.

Là mặt hàng thành công nhất trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản năm 2013, nhưng những tháng đầu năm 2014, tôm Việt Nam liên tiếp bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và bị bơm Agar, gây ảnh hưởng không tốt trên thị trường.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK cá tra sang Mỹ từ 1/1/2014 đến 15/3/2014 đạt giá trị 73,1 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ hiện vẫn dẫn đầu về NK cá tra Việt Nam chiếm 21,4% tổng kim ngạch XK mặt hàng này.