Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên gia súc gia cầm

Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên gia súc gia cầm
Ngày đăng: 11/11/2015

Trước nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm không ngừng gia tăng, ngành chuyên môn cùng với chính quyền các địa phương đang tập trung nhiều giải pháp phòng chống, nhằm tránh lây lan và bùng phát thành vùng dịch...

Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp hữu hiệu phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

Ngay trong thời điểm tiêm phòng định kỳ đợt 2 (15/9), dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà, với tổng số gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy lên đến 1.380 con.

Ngày 6/10, tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) lại xuất hiện dịch tai xanh trên lợn, buộc phải tiêu hủy trên 200 con lợn.

Chưa hết lo lắng vì bệnh tai xanh ở lợn thì người chăn nuôi ở Cẩm Quan lại phải đối mặt với dịch cúm gia cầm H5N6 (xuất hiện vào ngày 3, 4/11), tiêu hủy gần 1.200 con gia cầm.

Theo ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, thời gian gần đây, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp.

Nhiều loại bệnh nguy hiểm xuất hiện trong thời gian ngắn; đặc biệt, dịch cúm H5N6 lần thứ 2 xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Dịch tai xanh quay lại sau hơn 2 năm.

Đây là loại dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao bởi hầu hết đàn gia súc trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm vắc-xin.

“Thời tiết giao mùa nên có nhiều biến đổi đột ngột ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, trong khi hầu hết gia súc, gia cầm đã hết miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng theo đúng định kỳ.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát vận chuyển bổ sung đàn gia cầm còn nhiều hạn chế.

Người chăn nuôi còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh xẩy ra” - ông Khánh cho biết thêm.

Khi phát hiện dịch bệnh, ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương vào cuộc khá quyết liệt.

Hàng tấn hóa chất, vôi bột được cung ứng để tiêu độc, khử trùng chuồng trại các khu vực có nguy cơ cao.

Chi cục Thú y cung ứng kịp thời, đầy đủ các loại vắc-xin để các địa phương triển khai tiêm phòng bao vây, khống chế...

Mặc dù, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã cơ bản ổn định nhưng không thể chủ quan, bởi từ nay đến Tết Nguyên đán, việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm vào - ra địa bàn tỉnh và tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp tết sẽ tăng cao.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên - Lê Ngọc Hà cho biết: Hàng năm, vào thời điểm này, người dân trên địa bàn bắt đầu bổ sung đàn giống nên số lượng gia súc, gia cầm chuyển biến đáng kể, do đó, khó tiêm phòng bổ sung đầy đủ, nguy cơ xẩy ra dịch bệnh cao...

Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm định kỳ đợt 2 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt yêu cầu.

Qua báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh cho thấy, một số địa phương và người chăn nuôi chưa thật sự quan tâm đến công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm, vì vậy, tỷ lệ tiêm phòng một số loại bệnh đạt rất thấp như dịch tả, tụ huyết trùng lợn 5,5 - 6,1% (huyện Kỳ Anh); lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò 40-46% (Cẩm Xuyên); ở Hương Khê, tỷ lệ tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng ở lợn chỉ đạt 3,1 - 5,1%...

Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường, độ ẩm không khí cao đang tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh tồn tại và phát triển.

Ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Trước những yếu tố bất lợi, thời gian tới, Chi cục phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Trong đó, tăng cường kiểm dịch, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển giống vật nuôi và các sản phẩm gia súc, gia cầm vào ra địa bàn.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2016, dự kiến lưu lượng xe chở động vật tăng cao, trạm kiểm soát động vật sẽ được tăng cường trực gác trên QL 1A để kiểm tra chặt chẽ, phát hiện kịp thời và ngăn chặn các trường hợp vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc vào ra địa bàn tỉnh.

Ông Bình cũng khuyến cáo các địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi cách nhận biết gia súc mắc bệnh để chủ động sử dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả...


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Bồ Câu Pháp Hướng Phát Triển Mới Của Nhà Nông Tân Hiệp (Lâm Đồng) Nuôi Bồ Câu Pháp Hướng Phát Triển Mới Của Nhà Nông Tân Hiệp (Lâm Đồng)

Đến trại chim bồ câu Mạnh Trung (Tân Hiệp, Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu lông trắng, chân hồng được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài. Nhẹ nhàng bắt một con bồ câu ra, anh Phùng Mạnh Trung - chủ trại chim cho biết hiện trại có hơn 500 cặp bồ câu, tất cả đều là giống của Pháp. Ít ai nghĩ trại chim có giá trị hơn nửa tỉ đồng này là của một thanh niên mới ngoài đôi mươi.

18/04/2013
Thả 6.000 Cá Giống Xuống Sông Bùi Thả 6.000 Cá Giống Xuống Sông Bùi

UBND huyện Chương Mỹ cùng Chi cục Thủy sản Hà Nội vừa phối hợp tổ chức mít tinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trực tiếp thả hơn 150kg cá giống (trên 6.000 con cá chép, cá chày mắt đỏ và cá trôi) xuống sông Bùi (địa phận xã Thủy Xuân Tiên).

18/06/2013
“Thủ Phủ” Tôm Ôm Nợ “Thủ Phủ” Tôm Ôm Nợ

Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.

18/06/2013
Đổi Đời Nhờ Mướp Đổi Đời Nhờ Mướp

Là người có diện tích trồng mướp lớn nhất xóm 2, thôn Phú Hưng, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, Bình Định, mỗi tháng anh Nguyễn Triều Hải có thu nhập cả chục triệu đồng.

10/09/2012
Biến Chim Cút Thải Loại Thành Chim Rừng Để Lừa Người Tiêu Dùng Biến Chim Cút Thải Loại Thành Chim Rừng Để Lừa Người Tiêu Dùng

Trong khoảng một tháng trở lại đây, trên vỉa hè khu vực đầu cầu phía bờ trái sông Đà thuộc phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) xuất hiện một vài người bán những xâu chim đã được vặt lông sẵn, mỗi xâu có 30 – 40 con. Sáng ngày 17/4 lại xuất hiện một người đàn ông khoảng hơn 40 tuổi, mặc bộ quần áo bảo hộ màu xanh rêu bán chim.

19/04/2013