Người trồng chanh lao đao

Nam Đàn là huyện có diện tích chanh lớn nhất tỉnh Nghệ An, trong đó, Nam Kim là xã có diện tích chanh lớn nhất huyện. Năm 2014, toàn xã có gần 170 ha chanh cho thu hoạch, tổng sản lượng gần 2,2 nghìn tấn quả (13 tấn/ha), tổng doanh thu trên 18,3 tỷ đồng.
Năm 2015, mặc dù diện tích chanh cho thu hoạch tăng lên, giá chanh trái vụ cao hơn năm 2014, nhưng chanh chính vụ giảm sản lượng, giá lao dốc nên tổng doanh thu cả năm 2015 chỉ đạt khoảng 17 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối tháng 8/2015, xã Nam Kim có 177,8 ha chanh, trong đó có 172,5 ha đang cho thu hoạch. Theo dự kiến, toàn xã chỉ thu về khoảng 2 nghìn tấn quả (11,8 tấn/ha). Do giá chanh chính vụ đang rớt giá thê thảm nên một số hộ có tâm lý “đánh bạc” với thị trường, chờ giá tăng mới thu hái.
Ông Nguyễn Đức Oánh, hộ trồng 2.500m2 chanh tại xóm Hủng Mồ, xã Nam Kim cho biết, chanh trái vụ gia đình ông thu được 1,4 tấn quả, mang về gần 40 triệu đồng.
Tưởng giá chanh sẽ giữ ổn định nhưng không ngờ giá chanh chính vụ xuống quá thấp, chỉ trên dưới 5 nghìn đồng/kg nên gia đình chưa thu hoạch vội.
Ông Oánh cũng cho biết thêm, thời điểm này năm trước, thương lái về tận vườn giành nhau mua, song năm nay giảm hẳn. Cũng giống như ông Oánh, nhiều hộ dân trong xóm đều đang chờ giá chanh lên mới thu hái nên lượng chanh tồn trong vườn còn rất nhiều.
Ông Trần Hoài Nam, xóm Khe Lau có diện tích chanh lớn nhất xã Nam Kim cho biết: “Năm 2014, với 4.000m2 chanh, tôi thu cả hai vụ 8 tấn quả, bán được trên 100 triệu đồng.
Giá chanh trái vụ năm 2014 bình quân là 20 nghìn đồng/kg; chanh chính vụ là 12 nghìn đồng/kg, năm nay chanh chính vụ chỉ được trên dưới 5 nghìn đồng/kg. Nếu thu hoạch cả hai vụ giỏi lắm cũng chỉ được trên dưới 70 triệu đồng”.
Cũng theo ông Nam, cùng diện tích vườn chanh trên, năm 2013, gia đình ông thu về 165 triệu đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế thu được từ cây chanh không những không tăng mà còn giảm.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, một phần do chanh từ miền Nam được mùa, giá rẻ tràn ra đang cạnh tranh quyết liệt, phần nữa do biến đổi khí hậu khiến nắng hạn kéo dài, chanh chết và giảm năng suất.
Điều này khiến một số hộ trồng chanh ở Nam Kim đang tính đến việc chuyển sang cây trồng khác.
Một số chủ vườn đang chờ giá chanh lên để thu hoạch
“Nhưng nói một cách công bằng, trên vùng đất này không cây gì hiệu quả bằng cây chanh. Nhiều hộ đã thử nghiệm trồng một số cây trồng khác, song vẫn chưa mang lại kết quả khả quan", ông Nam cho biết.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Nam Kim, chanh trái vụ (thu hoạch vào tháng 3 - 4), có thời điểm lên đến 30 nghìn đồng/kg, thậm chí 50 nghìn đồng/kg. Đầu vụ chính, giá chanh tụt xuống 25 nghìn đồng/kg, đến giữa vụ giá chanh chỉ còn trên dưới 5 nghìn đồng/kg.
Với việc chanh mất mùa, rớt giá, đầu ra bấp bênh, người dân nơi đây và một số địa phương khác của tỉnh Nghệ An, như Hưng Nguyên, Nghi Lộc gặp nhiều khó khăn, họ nhấp nhổm tính chuyện trồng cây khác.
Thực trạng trên cũng đang xảy ra ở huyện Hưng Nguyện. Theo Phòng NN- PTNT, toàn huyện có khoảng 200 ha chanh, tập trung ở 2 xã Hưng Yên Nam và Hưng Yên Bắc.
Từ đầu năm đến nay, diện tích chanh héo và chết sinh lý khoảng 30 ha. Sau đó, nhờ có một số trận mưa, diện tích chanh này cơ bản được phục hồi. Tuy nhiên, năng suất giảm đáng kể, cộng với chanh rớt giá, người trồng chanh cũng đang gặp khó.
Với xã Nam Kim, chanh là cây trồng chủ lực, bởi có khoảng 2.000 hộ (gần 100% số hộ dân) sống bằng nguồn thu nhập chính từ cây chanh.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Bình Tân (Vĩnh Long) hiện có gần 10.000ha khoai, nhưng cho đến nay chưa có bất kỳ một doanh nghiệp nào ở địa phương đứng ra thu mua và xuất khẩu khoai lang. Do vậy, các lái Trung Quốc quyết định toàn bộ về giá cả, mua nhiều, mua ít...

Để khuyến khích người dân bảo vệ và phát triển diện tích trồng chè mới, cân đối nguồn ngân sách địa phương huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ thu mua chè cho người dân với giá 3.000 đồng/kg, khiến sản lượng thu hái tăng cao. Hiện nay, Công ty thu mua chè tươi cho người dân với giá trung bình từ 12.000 - 13.000 đồng/kg (tùy từng loại).

Sở Nông nghiệp & PTNT vừa ban hành Văn bản 1915/SNN-TT về thực hiện một số giải pháp đảm bảo cho sản xuất vụ đông-xuân 2014 – 2015. Theo đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; chi cục, QLCL Nông lâm và thủy sản, Bảo vệ thực vật thực hiện một số giải pháp.

Ngày 9-7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đác Nông cho biết: Từ năm 2013 đến tháng 4-2014, do giá quả canh dây trên thị trường liên tục tăng và có thời điểm đạt mức 25 nghìn đồng/kg quả tươi nên đã kích thích người nông dân trong tỉnh chuyển đổi cây trồng, ồ ạt mở rộng diện tích trồng chanh dây.

Theo Hiệp hội thủy sản huyện Châu Thành, mức giá cá tra thương phẩm cung cấp cho các nhà máy chế biến thủy sản đang ổn định ở mức 24.500 đồng/kg, do thị trường cuối năm xuất khẩu mạnh nên giá cá tra có chiều hướng tăng lên, tuy nhiên cũng không cao hơn so với mặt bằng giá chung do các nhà máy chế biến thu mua.